Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024:

Nghiêng say vó ngựa cao nguyên

ĐÌNH KIÊN

VHO - Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên” sẽ được tổ chức từ ngày 1-9.6 tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

Nghiêng say vó ngựa cao nguyên - ảnh 1

Chương trình khai mạc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa Hè năm 2024 sẽ diễn ra lúc 19h30, tối ngày 1.6 tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà.

Tái hiện di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đua ngựa Bắc Hà và diễn diễu đường phố của đoàn ngựa đua trước khi đua vòng loại bắt đầu từ 8h ngày 2.6 tại hai địa điểm là Quảng trường trước Dinh thự Hoàng A Tưởng và Quảng trường cổng Đền Bắc Hà.

Vòng loại Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà lần thứ 17 sẽ diễn ra lúc 9h ngày 2.6 tại sân vận động Trung tâm huyện Bắc Hà. Vòng chung kết Giải đua ngựa truyền thống sẽ diễn ra lúc 8h ngày 8.6 tại sân vận động Trung tâm huyện Bắc Hà.

Nhiều hoạt động hưởng ứng diễn ra dịp này như: Ngắm hoàng hôn, đón bình minh trên đỉnh Ngải Thầu (1-9.6) tại thôn Na Áng A, xã Na Hối.

Tham quan trải nghiệm Cây nghiến 1.000 tuổi và thảo nguyên Cốc Sâm (4-9.6) tại xã Cốc Ly (tổ chức chính vào ngày thứ 3 trong tuần gắn với chợ phiên Cốc Ly). Trải nghiệm tại trang trại Kale (7-9.6) tại xã Lùng Phình (tổ chức chính vào ngày thứ 6 trong tuần gắn với chợ phiên Lùng Phình).

Tham quan trải nghiệm Chương trình Du lịch Đền thiêng (1-9.6) tại thôn Trung Đô xã Bảo Nhai. Tham quan trải nghiệm Cây chè cổ thụ xã Hoàng Thu Phố (1-9.6) tại xã Hoàng Thu Phố. Hội chợ thương mại huyện Bắc Hà năm 2024 (1-9.6) tại thị trấn Bắc Hà.

Qua nhiều năm tổ chức, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà đã trở thành thương hiệu du lịch Bắc Hà.

Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên” là chuỗi hoạt động mùa hè cho Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, bốn mùa nghiêng say, một lễ hội sắc màu và độc đáo riêng có của Bắc Hà nhằm tiến đến định vị thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc tại vùng đất cao nguyên trắng này.

Lễ hội đua ngựa truyền thống các dân tộc huyện Bắc Hà được diễn ra thường niên vào đầu tháng 6 hằng năm tại sân vận động trung tâm huyện thuộc thị trấn Bắc Hà. Lễ hội có nguồn gốc từ tập quán nuôi ngựa, thuần dưỡng ngựa để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế của cộng đồng.

Từ lâu, cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà đã có phong tục diễu hành ngựa vào ngày ngọ đầu tiên của năm mới nhằm cầu cho một năm mới bình an, mưa thuận, gió hòa, đây cũng là thời điểm báo hiệu chuẩn bị cho một mùa canh tác mới.

Cũng dịp đó, các chàng trai người Mông, người Tày, người Nùng… lại rủ nhau thi cưỡi ngựa. Hoạt động thi cưỡi ngựa của đồng bào còn xuất hiện ở các buổi chợ phiên Bắc Hà, khi các chàng trai cưỡi ngựa xuống chợ, họ đều thi cưỡi ngựa để xem ai đến trước.

Năm 2008, lần đầu tiên Tuần văn hóa du lịch huyện Bắc Hà được tổ chức và khôi phục lại lễ hội đua ngựa truyền thống của huyện gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn đã tổ chức thành công nhiều mùa lễ hội. Hoạt động này thu hút các nài ngựa trên địa bàn và các tỉnh bạn tham gia, trở thành ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc của địa phương và khu vực.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà là lễ hội khá đặc biệt, bởi ở đó luôn mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống, là kết quả của cả một quá trình chăm sóc, huấn luyện ngựa của đồng bào, là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa du lịch của địa phương.

Từ đó, Lễ hội đua ngựa trở thành không gian thực hành của một loạt các di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc như: múa xòe người Tày; múa khèn, múa gậy sinh tiền người Mông, múa ngựa giấy của người Nùng.

Hằng năm, Lễ hội đua ngựa thu hút rất nhiều người dân và du khách. Phần hội đua ngựa hết sức đặc biệt, bởi những nài ngựa đăng ký tham gia lễ hội này chủ yếu là người dân địa phương, là con em nhân dân của các dân tộc trên địa bàn huyện và các huyện bạn…

Các nài ngựa này là những người đua ngựa không chuyên. Ngựa đua chủ yếu là giống ngựa thuần chủng của đồng bào tự nuôi và tự huấn luyện. Ngựa đua không sử dụng yên, các nài ngựa sẽ cưỡi trực tiếp trên lưng ngựa. Khi đua, các nài ngựa chủ yếu bám vào bờm ngựa và dây cương.

Trang phục của các nài ngựa cũng là những bộ trang phục truyền thống họ mặc hằng ngày của mỗi dân tộc, chân đi dép, giày và thậm chí là chân đất, đầu đội mũ bảo hiểm…

Lễ hội đua ngựa thường được tổ chức làm hai vòng gồm vòng loại và vòng chung kết. Vòng loại được tổ chức trước một ngày với tất cả những nài ngựa đăng ký tham gia đua. Sau vòng loại, những con ngựa chiến thắng sẽ tiếp tục tham gia vào vòng chung kết hôm sau.

Trong thời tiết trời mùa hè rực nắng và không khí tưng bừng của ngày hội, những chú ngựa không chuyên sẽ được thi đấu trong sự cổ vũ, reo hò khích lệ hết sức nhiệt tình của khán giả.

Lễ hội đua ngựa trở thành không gian bảo vệ và phát huy rất nhiều loại hình di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc, bảo tồn tập quán nuôi ngựa, tri thức trong chăm sóc ngựa của đồng bào.

Diễn ra đúng mùa mận chín nên Lễ hội còn góp phần vào phát triển du lịch, tăng doanh thu du lịch, tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc hữu của địa phương, đặc biệt là mận tam hoa Bắc Hà. Năm 2021 Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được giữ gìn và phát huy, xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Bắc Hà.

Nghiêng say vó ngựa cao nguyên - ảnh 2