Mở rộng tầm ảnh hưởng, khẳng định vị thế du lịch Việt Nam

NGUYỄN ANH; ảnh: THANH THẢO

VHO - Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược xúc tiến du lịch quốc tế nhằm khôi phục và đẩy mạnh lượng khách quốc tế sau đại dịch, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực châu Á.

 Mở rộng tầm ảnh hưởng, khẳng định vị thế du lịch Việt Nam - ảnh 1
Tăng cường hàm lượng văn hóa trong các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch năm 2025

 Các thị trường đều tăng

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước và đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm (đón từ 17-18 triệu lượt). Kết quả này có được nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2024, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người (chiếm 84,4%), bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người (chiếm 14,2%); bằng đường biển đạt gần 248.100 lượt người (chiếm 1,4%). Khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng 79,6%, châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%). Về quy mô thị trường, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 4,5 triệu lượt (chiếm 25,98%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,7 triệu lượt (chiếm 21,26%). Các vị trí tiếp theo trong 10 thị trường hàng đầu có Đài Loan (Trung Quốc) (1,29 triệu lượt), Mỹ (780.000 lượt), Nhật Bản (711.000 lượt), Ấn Độ (501.000 lượt), Malaysia (495.000 lượt), Australia (491.000 lượt), Campuchia (475.000 lượt) và Thái Lan (418.000 lượt).

Đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138.000 lượt năm 2022 lên 392.000 lượt năm 2023 và đạt 501.000 lượt năm 2024, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm. Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất, góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.

Về động lực tăng trưởng, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế năm 2024. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 214,4% so với năm 2023, Hàn Quốc (+27,1%), Nhật Bản (+20,7%), Đài Loan (Trung Quốc) (+51,4%). Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+20,8%), Pháp (+29,4%), Đức (+24,5%). Bên cạnh đó là Italia (+55,8%), Tây Ban Nha (+20,1%), Nga (+84,9%), Đan Mạch (+22,1%), Na Uy (+23,0%), Thụy Điển (+33,0%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15.8.2023.

Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo khu vực, thị trường châu Úc cao vượt so với mức năm 2019 - đạt 125%; châu Mỹ đạt mức 103%; châu Á gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%; châu Âu phục hồi 92%. Sự phục hồi của các thị trường nguồn châu Á được dẫn dắt bởi thị trường lớn Hàn Quốc với mức phục hồi 106%, Đài Loan (Trung Quốc) đạt mức 139%. Bên cạnh đó, Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 297% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 208%. Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi rất tốt: Indonesia đạt mức 173%, Lào đạt mức 151%, Philippines đạt mức 148%, Singapore đạt mức 112%.

Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực châu Á chậm lại do thị trường truyền thống Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 64%, Nhật Bản đạt 75%. Thái Lan và Malaysia cùng đạt mức phục hồi 82%. Ở Châu Âu, các thị trường chính như: Tây Ban Nha đạt mức 109%, Italia đạt mức 126%, Đức đạt mức 110%. Anh và Pháp gần phục hồi hoàn toàn (97%). Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 105%, Australia đạt mức 128%.

Trong năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá, phát huy cơ chế hợp tác công - tư để triển khai thành công các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, tập trung vào các nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Pháp… cùng hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài.

Cùng với đó, các hoạt động truyền thông quảng bá trên nền tảng số đến các thị trường mục tiêu của Việt Nam được đẩy mạnh. Cuối năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN - kênh truyền hình nổi tiếng toàn cầu.

 Mở rộng tầm ảnh hưởng, khẳng định vị thế du lịch Việt Nam - ảnh 2
Trong năm 2025 công tác quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp

Đổi mới phương thức tiếp cận thị trường

Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác quảng bá du lịch. Với trọng tâm là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, ngành hàng không và cơ quan đại diện ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các chương trình xúc tiến sẽ tập trung vào ba yếu tố chính: Thị trường mục tiêu, sản phẩm du lịch độc đáo và đổi mới phương thức quảng bá.

Trong đó, ngành Du lịch xác định các thị trường trọng điểm bao gồm: Châu Á - Thái Bình Dương; châu Âu; Bắc Mỹ và Australia… Nhiệm vụ chính là tăng cường quảng bá tại các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, đồng thời mở rộng ra các nước Nam Á như Ấn Độ. Ngoài ra ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường luôn chiếm tỉ trọng cao trong lượng khách quốc tế đến Việt Nam như: Anh, Pháp, Đức, thị trường Bắc Âu và Đông Âu. Nâng cao sự nhận diện tại Mỹ và Australia - hai thị trường tiềm năng có lượng chi tiêu cao.

Tập trung đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng, gắn với định vị thương hiệu Việt Nam. Trong đó, quảng bá du lịch điện ảnh ở Pháp, Nhật Bản; du lịch ẩm thực, làng nghề, lễ hội văn hóa tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết nối doanh nghiệp tại thị trường Australia, Trung Quốc, Mỹ và Canada…

Với sản phẩm du lịch văn hóa và di sản, sẽ đi sâu quảng bá hình ảnh các di sản UNESCO như: Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, cũng như văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Du lịch xanh và bền vững nhằm thu hút các thị trường có xu hướng ưu tiên trải nghiệm thân thiện với môi trường, như trekking ở Hà Giang, tham quan rừng quốc gia Nam Cát Tiên hay đảo Phú Quốc. Du lịch MICE hướng tới hợp tác tổ chức sự kiện quốc tế tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Phát triển các gói sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm spa, suối nước nóng kết hợp khám phá thiên nhiên.

Chiến lược quảng bá của Việt Nam năm 2025 sẽ chú trọng vào việc áp dụng công nghệ số và mở rộng các hình thức truyền thông quốc tế, đẩy mạnh sử dụng nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, YouTube, và TikTok để quảng bá hình ảnh, thông qua các video ấn tượng, blog du lịch của người nổi tiếng và khách mời. Tham gia các sự kiện xúc tiến trực tiếp, Việt Nam sẽ tổ chức và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn như: Travex 2025 (Malaysia), ITB Berlin (Đức) 2025-2026, WTM London (Anh) 2025, Travex 2026 (Myanmar)... Đây là cơ hội lớn để ngành Du lịch giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác và mở rộng thị trường. Song song với đó, các Đại sứ du lịch sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối và quảng bá thương hiệu quốc gia. Kết hợp các sự kiện văn hóa và thương mại với việc đưa các hoạt động quảng bá du lịch gắn với văn hóa và ẩm thực tại các đại sứ quán, trung tâm thương mại ở nước ngoài.

Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa gửi văn bản tới Sở quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch trên cả nước, các doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn dự kiến Kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2025 để các địa phương, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phù hợp, hiệu quả, thống nhất”.

Tại các sự kiện này, việc hợp tác công - tư và vai trò của cộng đồng sẽ được đẩy mạnh với sự tham dự của các doanh nghiệp du lịch lớn như: VinGroup, Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist… và Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) cùng các hãng hàng không khác. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chiến dịch quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường. Đồng thời, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng được xem là cầu nối hữu hiệu để giới thiệu đất nước, con người và tiềm năng du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Qua đó, du lịch Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và ngoại giao toàn diện. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc