Mất tiền mà chỉ được "nghe ké" ca Huế
VHO- Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch về đêm nổi tiếng của Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua. Khi du lịch phục hồi, lượng khách đến Huế tăng mạnh trở lại thì sản phẩm này cũng là điểm nhấn phục vụ du khách. Gần đây, hiện tượng “nghe ké” ca Huế và tình trạng bát nháo, chèo kéo ở bến thuyền Tòa Khâm đã khiến không ít khách du lịch phiền lòng.
Nhiều người đứng trên một chiếc thuyền được neo đậu sát vào thuyền khác để “ngóng” xem biểu diễn Ca Huế
Những ngày cuối tuần gần đây, khu vực bến Tòa Khâm nườm nượp đón các đoàn khách đến trải nghiệm dịch vụ thuyền rồng du lịch và thưởng thức biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Có nhiều đoàn khách được các đơn vị lữ hành kết nối, mua vé kèm tour nhưng cũng có những đoàn khách nhỏ muốn tự trải nghiệm đến mua vé ngay tại bến. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như ý…
Chị M.N đến từ TP.HCM cùng người thân đến bến mua 6 vé để mong thưởng thức di sản ca Huế trên sông Hương (100.000 đồng/vé). Thuyền rồng du lịch xuất bến lúc 20 nhưng chỉ chở gia đình chị N đến khu vực gần dưới cầu Trường Tiền là dừng lại để ngóng sang thuyền khác “nghe ké” ca Huế. Khoảng hơn 30 phút sau, thuyền trở lại bến Tòa Khâm. Khi gia đình chị M.N thắc mắc thì được chủ thuyền trả lời, “đã hết giờ”. Chuyến du lịch Huế đã để lại nhiều “điểm gợn” trong lòng chị N và người thân. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài khu vực bàn bán vé có nhân viên giải thích rõ giá vé và thời gian của suất diễn thì cũng xuất hiện tình trạng bát nháo, lộn xộn khi các chủ thuyền tự bán vé. Mua vé ở các trường hợp này có thể rẻ hơn nhưng lại không được giải thích rõ ràng về chương trình biểu diễn ca Huế, hoặc dính “quả lừa” bởi chỉ lên thuyền đi dạo một vòng và “nghe ké” ca Huế rồi trở về bến.
Một ngày giữa tháng 8 vừa qua, anh P.T cũng đến bến thuyền dạo bộ, hỏi mua vé xem biểu diễn ca Huế trên sông Hương và được người của các chủ thuyền chào mời với nhiều mức giá khác nhau. Để có được khách lên thuyền, một chủ thuyền đã “hạ giá” từ 100.000 đồng/vé xuống còn 80.000 đồng/người, rồi xuống còn 400.000 đồng/đoàn 8 người… Anh T cho biết, khi thấy mức giá rẻ hơn so với giá niêm yết ở khu vực bán vé của bến thuyền, “tôi đã thắc mắc liệu có được nghe ca Huế không, thì được trả lời là được “nghe ké”. Khi thuyền ra giữa sông, gần sát cầu Trường Tiền thì lái thuyền điều khiển áp sát một chiếc thuyền rồng đôi đang biểu diễn ca Huế để chúng tôi “ngóng” sang đó mà thưởng thức. Chương trình biểu diễn chưa xong thì thuyền của chúng tôi cũng nổ máy để trở về bến”. Câu chuyện “nghe ké” ca Huế đã khiến nhiều du khách phiền lòng.
Các thuyền đôi đang biểu diễn Ca Huế, nhiều thuyền khác áp sát vào để “nghe ké”, không đảm bảo quy định thuyền cách thuyền 50m
Sản phẩm du lịch đêm chủ lực thưởng thức ca Huế sông Hương đã bị đánh tráo, nhập nhèm khi nhiều chủ thuyền tự bán vé tổ chức trải nghiệm ngắm cảnh sông Hương rồi cho khách “nghe ké” ca Huế. Sự việc đã gây hiểu nhầm và làm phiền lòng khách du lịch bởi không phải ai cũng biết hoặc được giải thích rõ về các dịch vụ nói trên. Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở VHTT cho biết, từ khi mở cửa hoạt động du lịch trở lại, thanh tra Sở và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương góp phần chấn chỉnh hoạt động biểu diễn, phát huy giá trị ca Huế đến với cộng đồng du khách. Qua kiểm tra, một số vấn đề còn tồn tại như: rút ngắn thời gian biểu diễn theo quy định; không đảm bảo số lượng diễn viên, nhạc công…, vi phạm Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Thanh tra Sở đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều trường hợp theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Câu chuyện “nghe ké” ca Huế, ông Hà cho rằng do các thuyền tự do bán vé gây lộn xộn, hiểu nhầm, dẫn đến phiền lòng du khách. Chính vì thế, để chấn chỉnh tình trạng này cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng an ninh trật tự, chính quyền địa phương. Và cần sự chung tay quảng bá của các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên để tư vấn, hướng dẫn cho du khách chọn mua vé đúng với dịch vụ ca Huế sông Hương. Hiện nay, đội thuyền rồng du lịch trên sông Hương có 129 chiếc (cả thuyền đôi và thuyền đơn), thuộc 12 doanh nghiệp khai thác, vận hành. Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, một trình biểu diễn ca Huế phải đảm bảo thời lượng 60 phút, vị trí neo đậu giữa các thuyền biểu diễn Ca Huế trên sông Hương phải cách nhau tối thiểu 50m.
Chương trình biểu diễn phải đảm bảo có 8 diễn viên và nhạc công đối với thuyền đôi hoặc 7 diễn viên và nhạc công đối với thuyền đơn; ngoài ra, phải đảm bảo có ít nhất 3-4 loại nhạc cụ gồm: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, cùng một số nhạc cụ khác như đàn bầu, sáo, phách… Thế nhưng thực tế, những ngày gần đây khi lượng khách tăng cao, các thuyền rồng cứ chở khách đi “nghe ké” ca Huế nên thuyện đậu sát thuyền, không đảm bảo khoảng cách 50m như quy định của tỉnh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, gồm: Phòng VHTT TP.Huế, Công an TP Huế, lực lượng Cảnh sát đường sông… thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động về tổ chức biểu diễn Ca Huế trên sông Hương và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xây dựng môi trường văn hóa và du lịch lành mạnh”, ông Nguyễn Văn Hà khẳng định.
SƠN THÙY