Liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Dành cho nhau những chính sách đặc biệt

VHO - Đó là những ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp Hội du lịch, các chuyên gia và các doanh nghiệp du lịch tại Hội nghị liên kết, hợp tác và kích cầu phát triển du lịch năm 2023 giữa Sở Du lịch Bình Định với các Sở Du lịch khu vực phía Nam gồm: TP.HCM, Kiên Giang, Khánh Hòa, TP Đà Nẵng) vừa mới diễn ra.

Tín hiệu vui

Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón được 8 triệu lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 69% so với kế hoạch năm 2023; phục vụ trên 64 triệu lượt khách nội địa, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 63% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt 343,1 nghìn tỉ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,7% so với kế hoạch năm 2023.

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Dành cho nhau những chính sách đặc biệt - Anh 1

Tour khám phá khoa học tại Bình Định đang hút khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm

Nói về sự khởi sắc du lịch Việt Nam trong thời gian qua, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ: Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, 6 tháng đầu năm 2023, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ sáu hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Những dữ liệu này cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành Du lịch vừa đón tin rất vui khi Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần và nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15.8 năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Thủy cũng nhìn nhận, sau khi dịch bệnh phục hồi, thì sự hội nhập trở lại, cạnh tranh giữa các nước trong khu vực về hút khách du lịch quốc tế là rất mạnh mẽ. Bởi vậy làm sao chúng ta nên tạo ra những điểm nhấn, làm sao khách đến với mình nhiều hơn so với những nước khác.

Trong khi đó, miễn thị thực kéo dài thời gian ra như vậy thì ông Thủy cho rằng, đây là cơ hội để ngành Du lịch là nâng cao thu nhập, tạo ra việc làm và tăng thu ngân sách cho mỗi địa phương. “Trong chương trình quảng bá của Khánh Hòa, Bình Định… thì khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến với chúng ta rất là mạnh, bởi thế đây là những thị trường chúng ta cần tính đến. Hơn nữa, hiện nay, khách Ấn Độ là thị trường mới nổi mà chúng ta cũng đang hướng đến. Để giải quyết bài toàn thu hút khách quốc tế thì cần xem thị hiếu đối với ẩm thực văn hóa đối với khách quốc tế, có như vậy mới khách du lịch sẽ lưu trú ở lại Việt Nam dài ngày hơn”, ông Thủy chia sẻ.

Liên kết, dành cho nhau những chính sách đặc biệt

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Bình Định mong muốn có sự liên kết giữa các tỉnh thành, các sản phẩm liên vùng. Ngoài ra, các sở ngành liên quan, doanh nghiệp du lịch đi trước có kinh nghiệm trong nước để đưa ra những chương trình, xúc tiến cụ thể phù hợp với từng đối tượng khách. Đồng thời, phải tìm ra điểm khác biệt, nổi bật của từng vùng để đánh vào đúng trọng điểm.

Theo bà Lan, tỉnh Bình Định không chỉ có phát triển du lịch biển mà còn có thể phát triển du lịch lịch sử, tâm linh, văn hoá... Chính vì thế, mong Sở Du lịch Bình Định sẽ xây dựng các kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch tỉnh Bình Định tương xứng với tiềm năng của mình”, bà Lan nói.

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Dành cho nhau những chính sách đặc biệt - Anh 2

Điểm du lịch Eo Gió, TP Quy Nhơn, điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất tỉnh Bình Định trong thời gian qua

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết, sáu tỉnh thành (cụm thi đua phía Nam) và Lâm Đồng đều là những tỉnh tiềm năng để phát triển du lịch. Trong bối cảnh du lịch vừa khôi phục, du lịch quốc tế đã khởi động lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và xu hướng du lịch thay đổi.

“Các địa phương liên kết cùng nhau đẩy mạnh quảng bá xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, quảng bá qua lại lẫn nhau. Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở việc hợp tác liên kết trong ngành Du lịch mà phải mở rộng hợp tác ở các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hoá, thể thao…”, ông Tùng đề xuất và gợi ý, các địa phương nên dành chính sách đặc biệt cho nhau. Đơn cử các chương trình giảm giá, ưu đãi tại những điểm đến du lịch (do địa phương quản lý) cho những người dân tại các địa phương trong vùng liên kết”.

Về câu chuyện liên kết, hợp tác phát triển du lịch, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho hay: “Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức các sự kiện, lễ hội, hội thảo về giới thiệu, phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch tương đồng để tránh sự trùng lắp”. Ông Thanh chỉ ra, đối với các doanh nghiệp du lịch rất quan trọng trong việc nghiên cứu, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch. Bởi các doanh nghiệp là những người trực tiếp khai thác sản phẩm và phục vụ khách du lịch nên có thể nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của khách du lịch dễ dàng hơn.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc