Lên với mảnh đất đa sắc màu

VHO- Thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 160 km. Mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và tình người này tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao… sinh sống dưới những nếp nhà sàn truyền thống, điểm tô cho cảnh quan Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình khiến bạn đến một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Lên với mảnh đất đa sắc màu - Anh 1

 Làng Quỳnh Sơn vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống

Cảnh vật nên thơ

Là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, với thành phần đa sắc tộc, mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đặc sắc. Sự cộng cư của các dân tộc tạo nên sự giao thoa văn hóa đa dạng. Không những thế, Bắc Sơn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch cho Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung.

Đỉnh Nà Lay Lạng Sơn được ví như “thiên đường săn ảnh” ở xứ Lạng. Từ trên đỉnh núi xinh đẹp này, bạn có thể “tắm mình trong sương”, phóng tầm mắt để thưởng ngoạn phong cành tuyệt vời với nhiều ô ruộng đẹp mang những màu sắc khác nhau khi vào mùa gặt. Bên những thửa ruộng là dòng suối nhỏ uốn quanh co tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mang phong cảnh hữu tình. Với chiều cao hơn 600m so với mực nước biển, hành trình khám phá Nà Lay không thể làm khó được những tín đồ yêu thiên nhiên, thích xê dịch. Để lên được đỉnh núi, bạn phải băng qua quãng đường khoảng 1.200 bậc thang đá cheo leo, dựng đứng. Dù hành trình chinh phục đỉnh núi không quá vất vả nhưng chắc hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trên đường đi.

Cách đỉnh Nà Lay chừng 1 km, là làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh. Toàn bộ ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với hơn 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi. Toàn bộ làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu của núi, màu của đồng ruộng mênh mông, màu của dòng suối trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.

Một nét đặc trưng riêng có nữa khi du khách khám phá Bắc Sơn, đó là làng nghề làm ngói âm dương có truyền thông từ lâu đời. Ở vùng Quỳnh Sơn, Long Đống có một mỏ đất sét có thể chế tác thành vật liệu xây dựng, vì vậy làng mới có nghề làm ngói và nghề truyền thống ấy tồn tại mãi ở đó đầy tự hào. Ngói âm dương Quỳnh Sơn bây giờ không còn đơn giản là vật liệu xây dựng mà dùng cho các công trình nghệ thuật, tái thiết các di tích, hoặc phục vụ cho các gia chủ hoài cổ, quý trọng văn hóa dân tộc mua về xây dựng nhà ở, công trình. Nhu cầu ngày càng tăng thì lò nung càng nhanh nổi lửa. Trong làng, vài gia đình đốt lò chung một mẻ ngói, không khí nhộn nhịp hẳn khi có hoạt động du lịch.

Món ngon nhớ mãi

Đến với Bắc Sơn, nếu chúng ta không được thưởng thức những món ăn như xôi cẩm, bánh chưng đen của người Tày thì sẽ là niềm vui chưa trọn vẹn. Bởi lẽ, những món ăn này khiến cho con người ta không thể nào quên khi đã một lần được thưởng thức. Chúng được tạo nên bởi những bàn tay khéo léo, sự kết hợp hài hòa những hương vị của đất trời, thiên nhiên để ra một món ăn mang đậm bản sắc của người Tày nơi đây.

Bánh chưng đen được làm từ những nguyên liệu như bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, một nguyên liệu đặc biệt tạo nên sự khác biệt của bánh chưng đen so với bánh chưng truyền thống, đó là tro của rơm nếp, đây chính là nguyên liệu tạo cho bánh màu đen bóng lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy, khi ăn có mùi thơm và vị mát. Ngay từ thời điểm vụ mùa, người dân Bắc Sơn đã chọn những mớ rơm nếp thơm ngon để mang về rửa sạch, phơi khô rồi mang đốt lấy tro, sau đó đem về giã, lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu sắc đặc biệt cho bánh.

Loại gạo để làm bánh chưng đen phải là gạo nếp cái thơm, hạt tròn, mẩy, không gẫy, gạo đem vo thật kỹ, xóc với muối rồi đem tro nếp trộn lẫn, hai nguyên liệu này sau khi được trộn, người làm bánh phải xoa thật đều để tro ngấm kỹ vào gạo, càng xoa lâu, tro càng ngấm vào hạt gạo, khi ăn càng có vị thơm. Sau khi trộn gạo với tro, dùng lá dong để gói, nhân bánh được làm bằng đỗ xanh, thịt mỡ, bánh chưng đen được gói thủ công, dài khoảng 28-30 cm (gần giống bánh tét). Sau đó bánh được ngâm qua nước lạnh rồi xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4-5 tiếng thì vớt ra.

Xôi cẩm cũng là món ăn đặc trưng được làm từ gạo nếp Bắc Sơn nhuộm màu tím đẹp mắt của lá Cẩm. Từng hạt gạo được chọn lọc kỹ trước khi sử dụng. Lá Cẩm được giã nát vắt lấy nước. Sau khi làm sạch gạo, người dân đem gạo ngâm với nước lá cẩm khoảng 4-6 tiếng cho màu tím của lá cẩm ngấm vào từng hạt gạo. Sau đó đồ chín. Món xôi cẩm đạt chất lượng phải đảm bảo xôi có màu tím đều, hạt gạo bóng, xôi dẻo thơm không nát. Xôi cẩm thường được ăn với muối lạc hoặc muối vừng. Mùi thơm dẻo của xôi quyện vào vị bùi của muối lạc, đượm hương thơm của lá cẩm tạo nên món xôi đặc biệt mang hương vị riêng. 

 MINH LÝ

Ý kiến bạn đọc