Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch?

THUÝ HÀ, ảnh: ĐÌNH KIÊN

VHO - Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Du lịch Việt Nam và 117 năm thành lập tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch. Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã đối thoại, lắng nghe các doanh nghiệp du lịch hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển du lịch thời gian tới.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch

Dự và chỉ đạo tại Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, Phó chủ tịch tỉnh Giàng Thị Dung, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam Vũ Thế Bình, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng.

Cùng dự có lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương của tỉnh Lào Cai, thành viên Đoàn công tác của HHDL Việt Nam tại Lào Cai và gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, cơ sở đào tạo, cơ quan truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai…

Tỉnh đầu tiên phục hồi toàn diện về du lịch sau Covid-19

Với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, Sở Du lịch đã chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, sớm ban hành các kế hoạch, quyết định, văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Du lịch, các luật liên quan và các văn bản chỉ đạo triển khai của Bộ VHTTDL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2024, lượng khách tới Lào Cai đạt 50,8% so với mục tiêu Đề án số 03 - ĐA/TU  ngày 11.2.2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển Văn hóa, Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”. Luỹ kế nhiệm kỳ đạt 115,8% so với mục tiêu Đề án.

Đối với chỉ tiêu về tổng thu từ khách du lịch 6 tháng năm 2024 đạt 52,2% so với mục tiêu Đề án, luỹ kế nhiệm kỳ đạt 81% so với mục tiêu Đề án; đối với chỉ tiêu về lao động trong lĩnh vực du lịch 6 tháng năm 2024 đạt 86,7% so với mục tiêu Đề án, Luỹ kế nhiệm kỳ đạt 68% so với mục tiêu Đề án.

Thực hiện Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND ngày 9.4.2021 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025: với 3 chính sách ưu tiên hỗ trợ đó là Chính sách hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch, Chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và Chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, Phó chủ tịch tỉnh Giàng Thị Dung, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam Vũ Thế Bình, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng chủ trì Hội nghị

Tính đến 31.5.2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai đã thực hiện cho vay hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng là 31.201 triệu đồng cho 322 khách hàng được vay vốn; UBND tỉnh đã giao dự toán chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch là 975 triệu đồng/11 đội văn nghệ (Bảo Yên 3 đội, Bắc Hà 3 đội, Sa Pa 5 đội). Riêng huyện Bát Xát đang thực hiện thủ tục giải ngân thành lập mới đội văn nghệ/câu lạc bộ: 240 triệu đồng/6 đội).

Sở Du lịch đã Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng nhiều đề án, kế hoạch hành động, chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2025.

Hiện nay, Sở đã trình UBND tỉnh và tham mưu triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Đề án phát triển Du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030; Đề án tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Lào Cai năm 2024…

Tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam cho biết: “Số lượng hội viên doanh nghiệp đã lên tới 18.000 với hơn 1 triệu lao động và 20.000 hội viên cá nhân, là lực lượng kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Ngoài các liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch 59 tỉnh, thành phố và Hiệp hội Du lịch 2 vùng đã tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Ngành Du lịch có những đóng góp tích cực vào việc phục hồi sau dịch Covid-19 và đẩy mạnh tăng trưởng thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch 2 năm gần đây đã minh chứng đầu tư phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.  

Qua đại dịch Covid-19 có thể thấy, du lịch tác động tới sự phát triển của rất nhiều ngành kinh tế, xã hội khác. Sau đại dịch, sở dĩ ngành Du lịch có thể phát triển mạnh mẽ như vậy là do khát khao khôi phục của các địa phương, doanh nghiệp và của nền kinh tế cả đất nước. Đặc biệt, các địa phương là đầu tàu du lịch, trong đó có Lào Cai.

Lào Cai từ trước tới nay luôn đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch. Những gì Lào Cai đã đạt được thời gian qua đã chứng minh điều đó. Số liệu năm 2023 cho thấy, Lào Cai tăng trưởng vượt xa năm 2019. Điều này cho thấy Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước hồi phục sau Covid-19 khi đã đạt được tốc độ tăng trưởng toàn diện.

“6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy tỉnh Lào Cai đang trong top đầu cả nước về phát triển du lịch. Cái chính là chúng ta có giữ được tốc độ tăng trưởng, tiếp tục là “lá cờ đầu” của ngành Du lịch không?”, ông Vũ Thế Bình đặt vấn đề.

Ông Bình cho rằng, doanh nghiệp trực tiếp lao động trong lĩnh vực du lịch, những người tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh là những người sẽ trả lời câu hỏi này. Ở Lào Cai, từ lãnh đạo tỉnh đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã hết sức tham tâm đến phát triển du lịch và cũng cần có sự quan tâm hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển du lịch; định hướng phát triển của tỉnh nhanh và bền vững.

Hiện nay, hệ thống doanh nghiệp khá lớn với 53 doanh nghiệp lữ hành với 48 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Toàn tỉnh có 1.540 cơ sở lưu trú, 16.000 phòng; 36 khu điểm du lịch, 1 Khu du lịch quốc gia Sa Pa; các cơ sở dịch vụ du lịch đạt 2.436 cơ sở. Du lịch là ngành kinh tế, thu nhập của ngành kinh tế này quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành. Nếu du lịch có thể tăng trưởng nhưng thu nhập không tăng thì không có ý nghĩa gì.

“Lây nay, chúng ta nói nhiều đến lượng khách tăng nhưng lại chưa chú trọng thống kê tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành Du lịch, đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế địa phương, nền kinh tế đất nước. Vì thế, chúng tôi khuyến khích và đề nghị doanh nghiệp trong ngành tập trung vào du lịch chất lượng cao, đón tiếp du khách có chi trả cao, lưu trú dài ngày; nâng tổng thu và đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh, GDP của đất nước”, ông Bình nói.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu tại Hội nghị

Thời gian qua, Sở Du lịch Lào Cai có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch ở Lào Cai và trên cả nước. Trong quá trình đó, các doanh nghiệp du lịch đã luôn đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch tỉnh để góp phần đẩy nhanh phát triển, lan toả vẻ đẹp du lịch Lào Cai trên cả nước và ra thế giới.

Sau đại hội HHDL tỉnh Lào Cai, hình ảnh của các doanh nghiệp du lịch tỉnh đã có nhiều thay đổi và được kỳ vọng là lực lượng chủ lực mang lại thành công cho du lịch Lào Cai thời gian tới.

Theo ông Vũ Thế Bình, tỉnh Lào Cai đã có sự quan tâm đặc biệt tới phát triển du lịch. Năm 2021, Tỉnh uỷ Lào Cai đã Ban hành Nghị quyết số 11 của Ban thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các định hướng phát triển du lịch thời gian qua của Lào Cai cũng phù hợp với chiến lược, phát triển của du lịch Việt Nam cũng như các chỉ đạo của Chính phủ phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Lào Cai là một trong những tỉnh vận dụng được các sáng kiến, ý tưởng, xu hướng mới trong phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới. Tài nguyên du lịch của Lào Cai cũng thuộc hàng đầu của Việt Nam, nhiều điểm mới và nhiều nơi chưa khai thác được. Đó là dư địa để chúng ta có thể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế đầu đàn của tỉnh, của khu vực Tây Bắc mở rộng.  

Khẳng định vị thế của Lào Cai- nơi “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết: “Nguồn lực đầu tư cho du lịch của tỉnh rất lớn và luôn sẵn sàng”.

Tuy nhiên, du lịch Lào Cai cần phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, bắt kịp xu hướng du lịch thế giới là du lịch xanh, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Hiện nay, HHDL Việt Nam đang triển khai dự thải giảm thải rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch. Sắp tới, HHDL Việt Nam sẽ ban hành tiêu chí giảm rác thải nhựa trong du lịch, tiêu chí môi trường trong du lịch. 

Là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch, Lào Cai hoàn toàn có thể trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam được xếp hạng là điểm đến xanh của du lịch Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch, các nhà hàng, khách sạn, điểm đến cũng có thể trở thành cơ sở kinh doanh du lịch xanh của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ thời gian tới.  

Trước đây, Lào Cai đã là một điểm sáng của du lịch Việt Nam, tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của ngành và nhu cầu của du khách, các điểm đến, địa phương cần có sự thay đổi để phù hợp với các xu hướng, tốc độ phát triển mạnh mẽ trong tình hình mới. Sắp tới, HHDL Việt Nam và Sở Du lịch Lào Cai sẽ xây dựng chương trình hợp tác chung, phối hợp để khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch Lào Cai phát triển nhanh hơn.

“Chúng tôi mong muốn Lào Cai sẽ triển khai từng bước, khai thác tài nguyên du lịch, huy động sự tham gia của người dân để phát triển bền vững. Lào Cai cần xây dựng thêm một số dịch vụ, cửa hàng miễn thuế, tăng cường cơ sở bán hàng địa phương, cơ sở thể thao, cơ sở chăm sóc sức khoẻ đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế, hình thành các điểm du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá bản địa. Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của Lào Cai. Kinh tế du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của Lào Cai, phát triển đồng bộ, vai trò của du lịch càng trở nên quan trọng”, ông Vũ Thế Bình nói.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 4
Gần 200 đại biểu tham dự Hội nghị

Doanh nghiệp du lịch hiến kế

Ông Tô Bá Hiếu, Phó chủ tịch HHDL tỉnh Lào Cai cho rằng, khách du lịch đến Thành phố Lào Cai và Sa Pa chưa đông, chưa đều, lượng khách chủ yếu tập trung vào cuối tuần, lễ tết; ngày thường thì cung lớn hơn cầu. Về phía doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút du khách như: Thực hiện các hình thức tiếp thị, quảng bá, kích cầu, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng lượng khách đến du lịch tại Sa Pa và thành phố Lào Cai chưa được như kỳ vọng. Khách du lịch Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai đông trong khi khách du lịch đến các địa phương trong tỉnh ít.

Các doanh nghiệp muốn khai thác sản phẩm du lịch mạo hiểm nhưng vướng mắc về thủ tục đủ điều kiện hoạt động, chủ yếu liên quan đến các chương trình du lịch lưu trú qua đêm và các chứng chỉ phù hợp.

Huyện Bắc Hà đang thiếu những điểm tham quan, khu vui chơi, khu du lịch tập trung nhằm mục đích thu hút khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú. Hiện tại địa phương chưa có chính sách đặc biệt để khuyến khích người dân địa phương và các nhà đầu tư tham gia xây dựng những địa điểm như vậy. Các mô hình kinh doanh homestay truyền thống đang bị mai một cần được hỗ trợ để hoạt động tốt hơn.

“Để thu hút nhiều khách du lịch tới lào Cai hơn cần tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá vào các sản phẩm du lịch như tổ chức thêm nhiều show diễn, Festival “The Mông Show, Vũ điệu dưới trăng”… các lễ hội truyền thống từ nét đẹp văn hoá của người dân tộc bản địa. Đầu tư nâng cấp các điểm du lịch phụ trợ trên đường đến Sa Pa và quanh trung tâm Sa Pa như Tả Phìn, Tả Van,.. tạo thành điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch”, ông Tô Bá Hiếu đề xuất.

Các doanh nghiệp hội viên của HHDL tỉnh Lào Cai cũng hiến kế tỉnh phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm. Trong đó, đề nghị UBND ký duyệt các đề án du lịch sinh thái gắn với môi trường rừng để có cơ sở triển khai; Ban quản lý các rừng quy hoạch bãi cắm trại du lịch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch có lưu trú qua đêm. Cơ quan chức năng đánh giá lại các cơ sở kinh doanh lưu trú để có chất lượng phục vụ tốt hơn.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình vui chơi giải trí lành mạnh nhằm phục vụ nhu cầu của du khách bằng những chính sách đặc biệt (hỗ trợ vay vốn, cơ chế nhà nước,...) để khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Chính quyền địa phương với doanh nghiệp tập trung quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương một cách hiệu quả nhất. Tiếp tục duy trì hỗ trợ doanh nghiêp mức lãi suất ưu đãi trong thời gian dài cả ngắn hạn và trung hạn. Khuyến khích thành lập mô hình Hợp tác xã dịch vụ du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các điểm du lịch tập trung với phương châm cùng làm cùng hưởng lợi”.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 5
Doanh nghiệp hiến kế để phát triển du lịch Lào Cai thời gian tới

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: “Hằng năm, UBND tỉnh đều chủ trì tổ chức các Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp. Đây là cơ hội để chính quyền thực sự đồng hành cùng các doanh nghiệp trong phát triển du lịch, là cầu nối để lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng lắng nghe, chia sẻ, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch. Kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phục hồi và phát triển”.

Lào Cai có vị trí thuận lợi và là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Tài nguyên phong phú, văn hóa đa dạng với 25 nhóm ngành Dân tộc. Khu du lịch quốc gia Sa Pa với lịch sử hình thành và phát triển trên 120 năm cùng với tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc và hơn 50 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên thế giới,… Đây là nguồn tài nguyên vô giá, lợi thế lớn để Lào Cai phát triển các loại hình du lịch.

Phát triển du lịch Lào Cai tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nổi trội của tỉnh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển đột phá, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, thực chất có chiều sâu, là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Lào Cai đã tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hội tụ đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Tỉnh Lào Cai định hướng phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên kết cả nước và quốc tế.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện khoảng 3.000 km gồm đường giao thông nông thôn và hệ thống đường tỉnh, huyện, trong đó, dành nguồn kinh phí gần 10.650 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo gần 700 km đường tỉnh lộ. Với quan điểm “Giao thông đi trước để mở đường”, bên cạnh hệ thống đường tỉnh lộ, một số dự án giao thông trọng điểm như: dự án cầu Bản Vược - Bá Sái bắc qua sông Hồng, dự án Cảng hàng không Sa Pa hay dự án mở rộng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe... sẽ tạo đòn bẩy, thúc đẩy du lịch Lào Cai phát triển.

Đồng thời, giúp Lào Cai cụ thể hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng và trung tâm giao thương kết nối giữa ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc; xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và của vùng theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. 

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng, quy hoạch phát triển du lịch Lào Cai trở thành khu vực động lực thúc đẩy phát triển du lịch của toàn bộ vùng Trung du và Miền núi phía Bắc kết nối với thị trường khách du lịch ở Vân Nam (Trung Quốc); xây dựng Sa Pa trở thành đô thị trọng điểm phát triển du lịch.

Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định mục tiêu “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.

Lào Cai có giữ được “lá cờ đầu” phát triển du lịch? - ảnh 6
Topas Ecolodge, Sapa (Lào Cai) được vinh danh trong danh sách các khu nghỉ dưỡng trên núi và ven hồ của National Geographic Traveller, 2024

 “Tỉnh Lào Cai sẽ thường xuyên kết nối với HHDL Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường du lịch Lào Cai với các địa phương khác và các thị trường quốc tế tiềm năng. Xây dựng Lào Cai là điểm sáng du lịch trên toàn quốc”, ông Trịnh Xuân Trường khẳng định.

Luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, chính quyền Lào Cai cũng biết rằng trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, phát sinh một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đất đai,....cần được tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những khó khăn, thúc đẩy du lịch đi lên.

Chủ tịch Trịnh Xuân Trường cho biết sẽ tạo hành lang pháp lý, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào việc nghiên cứu, kết nối thị trường; xây dựng sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm cũ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Doanh nghiệp địa phương ở Lào Cai phải tiên phong về vấn đề này, thể hiện sự chủ động, sáng tạo và hiểu biết về địa phương mình.

Tại Hội nghị, Chủ tịch tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành phát huy cao nhất tinh thần, trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu và trả lời dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp. Thảo luận, bàn bạc và thống nhất cùng các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phục vụ, thu hút khách du lịch.