Làng rèn Trung Lương "giữ lửa" nghề truyền thống
VHO- Làng Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, nơi đây không chỉ được biết đến với nhiều di tích, danh thắng mà còn nổi tiếng với nghề rèn truyền thống hàng trăm năm đã duy trì và phát triển tồn tại cho tới ngày nay.
Đoàn Famtrip gồm đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDT) cùng 80 công ty lữ hành đến từ TP Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh vừa qua đã tiến hành khảo sát tại các điểm du lịch tâm linh tại Thị xã (TX) Hồng Lĩnh và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trong dịp này, đoàn đã được đến thăm làng nghề rèn truyền thống có từ hàng trăm năm ở phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh. Anh Nguyễn Văn Chiến, công ty du lịch Trust Viet cho biết: “Ngoài đến những danh lam thắng cảnh đẹp, chúng tôi, những du khách đến đây được nhìn tận mắt nhìn những nghệ nhân làng nghề rèn truyền thống nổi tiếng bao đời nay vẫn say mê “giữ lửa” với nghề truyền thống cha ông để lại. Những dụng cụ sinh hoạt gia đình được “nắn” từ bàn tay của những nghệ nhân rất tinh xảo và đẹp mắt. Chuyến đi rất thú vị bởi chính đây là điểm đến ấn tượng đặc biệt của du khách khi có dịp về với Hà Tĩnh”.
Đền thờ Đức thánh tổ thợ rèn nằm ngay giữa làng nghề Trung Lương
Giới thiệu với khách xa đến, ông Nguyễn Trọng Hà (SN 1974), tổ dân phố Tân Miếu, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã gắn bó với nghề rèn suốt 30 năm qua cho biết: Người dân trong làng từ trước đến nay vẫn truyền nhau câu chuyện tổ sư nghề rèn của làng là ông Đùng (thế kỷ 13). Ông ở trên núi Hồng Lĩnh, thấy dân không có dụng cụ sản xuất, bèn bới đất lấy sắt, nhổ cây rừng đốt thành than rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà và truyền nghề cho dân làng. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông đã đúc tượng lập đền thờ tại Rú Tiên, nằm ngay giữa làng. Hàng năm, vào ngày 7.1 âm lịch, làng tổ chức lễ tế Đức thánh tổ thợ rèn tại đây. Nghề rèn đã tồn tại hàng trăm năm trước, được con cháu của làng kế nghiệp cho đến tận bây giờ. Ngày xưa ông nội tôi phải mang rượu đến xin học nghề ở những người thợ giỏi trong làng. Tôi biết ông tôi, cha tôi và những lớp người đi trước đã luôn đau đáu với khát vọng gìn giữ làng nghề. Được cha “cầm tay chỉ việc”, truyền lại các bí quyết làm nghề, tôi đã nguyện gắn bó cả đời mình với nghề này.
Suốt hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hà đã nguyện gắn bó cả đời mình với nghề rèn
Tại làng rèn, gia đình ông Hà là một trong những hộ giữ lửa lâu đời nhất ở làng rèn Trung Lương. Ông Hà bắt đầu nghiệp tay búa từ năm 20 tuổi. Sau khi lấy vợ và sinh con, vợ chồng ông lấy nghiệp cầm búa chuyên sản xuất các loại dao mỏng để mưu sinh. Mỗi ngày, vợ chồng ông bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng. Các công đoạn để làm ra 1 con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông làm được khoảng 20 con dao. Ông Hà chia sẻ: Ban đầu, tôi vừa học vừa làm, được truyền kinh nghiệm từ các bậc tiền bối nên trình độ tay nghề khá lên từng ngày. Dần dần tôi tự tin hơn với nghề, từng đường đe, đường búa cũng chính xác hơn. Rồi cũng đến lúc nhìn qua những tấm sắt vụn thô sơ tôi có thể định hình ngay mình sẽ “khắc” sản phẩm như thế nào cho phù hợp. Vợ tôi cũng là người con của làng rèn. Tuy gia đình không làm rèn nhưng tuổi thơ cũng đã quen với ánh lửa rèn của chú, của anh. Từ khi kết duyên, vợ tôi đã trở thành “cánh tay đắc lực”, cùng tôi xây dựng cơ đồ. Ngoài hỗ trợ của tôi trong sản xuất, vợ tôi cũng là người “hiến kế” để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Bộ sản phẩm dao chặt và dao thái cao cấp Thanh Hà của cơ sở sản xuất của gia đình ông Hà đã được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao
Hàng xóm của ông Lâm là ông Lê Đức Cẩn (53 tuổi) cũng có tuổi nghề hơn 30 năm. Ông Cẩn cho biết làng rèn mấy trăm năm nay đều theo cha truyền con nối, cứ nhà này làm dao thì nhà kia làm liềm, làm cuốc. Vì thế mà mỗi hộ gia đình đều có bí quyết riêng. Như ông Phan Văn Toàn (52 tuổi, chuyên sản xuất liềm trong làng), gia đình vợ chồng tôi chuyên sản xuất các loại dao mỏng. Sản phẩm do dân làng làm ra được bán chủ yếu ở các chợ trong tỉnh và tỉnh bạn. Làm rèn khó mà dễ, dễ mà khó. Thách thức đặt ra là phải đi qua lối mòn, phải linh hoạt, điều chỉnh về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã và độ tinh xảo trong từng đường nét, chi tiết. Có như vậy, mới tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong từng thời điểm. Nghề rèn vất vả, phải kiên trì, bền bỉ mới có thể gắn bó dài lâu. Tỉ mẩn trong từng công đoạn đã lấy đi của người thợ không ít mồ hôi, công sức nhưng càng đổ mồ hôi, chúng tôi càng hạnh phúc bởi ngày ngày được lao động, được thỏa mãn niềm đam mê và quan trọng hơn là bởi khách hàng còn nhớ, còn cần đến mình.
Đoàn Famtrip gồm đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDT) cùng các công ty lữ hành đến đến thăm làng nghề rèn truyền thống có từ hàng trăm năm
Theo các hộ làm nghề rèn, trước đây chủ yếu sản xuất thủ công, nhưng rồi đã nhận ra rằng nếu muốn phát triển theo hướng hàng hóa thì buộc phải đầu tư. Như gia đình ông Nguyễn Trọng Hà vào năm 2004 đã vay mượn và chi trên 150 triệu đồng mua máy cắt sắt, máy đập, máy khoan, máy hàn, máy tiện... tiên phong ứng dụng máy móc vào sản xuất ở làng rèn Trung Lương. Đưa cơ giới vào sản xuất, các “nghệ nhân” chế tác đã giải phóng được sức lao động trong khi năng suất công việc tăng gấp 2-3 lần. Xưởng của gia đình ông Hà cũng là “cái nôi đào tạo” hàng chục lao động. Quá trình học việc ở đây, hơn 10 lò rèn trong làng cũng ra đời từ đó, tạo công ăn việc làm cho con em và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Du khách đến tham quan các điểm di tích và được đến xem và nghe nghệ nhân kể về lịch sử của nghề rèn
Ông Nguyễn Duy Đăng, Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho biết: Cách đây khoảng 20 năm, trong làng có trên 300 hộ làm nghề chuyên sản xuất dụng cụ nông nghiệp như cày, cuốc, dao, xẻng... thì đến nay còn lại 110 hộ làm ra 2 loại sản phẩm chủ yếu là dao và liềm. Trong số này, chỉ có khoảng 30 - 50 hộ làm thường xuyên, còn lại làm theo thời vụ. Để làng nghề còn mãi, địa phương vẫn luôn có những chính sách để động viên người dân cố gắng luôn giữ lửa cho nghề truyền thống của cha ông. Muốn có thương hiệu phải trải qua hành trình dài. Bên cạnh câu chuyện về tiêu chuẩn kỹ thuật, giá thành, công năng của sản phẩm thì việc đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất được chúng tôi quan tâm chú trọng. Chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ sở đã lắp đặt các tấm cách khí, bụi, âm và phần phế thải được thu gom riêng theo quy định.
Làng nghề rèn ứng dụng công nghệ với chiếc điện thoại quét mã QR, người tiêu dùng biết xuất xứ về sản phẩm
“Sau nhiều nỗ lực, đã có nhiều sản phẩm dao chặt và dao thái cao cấp được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao như cơ sở Thanh Hà nhận được OCOP vào năm 2020. Chúng tôi tự hào khi giờ đây, với chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần quét mã QR là người tiêu dùng có thể nắm trong tay toàn bộ thông tin, xuất xứ về sản phẩm. Đó cũng chính là "đòn bẩy" để làng nghề không ngừng mở rộng thị trường, xây dựng thành công thương hiệu, đưa sản phẩm làng nghề Trung Lương vượt qua “lũy tre làng” phát triển gắn với du lịch”, ông Đăng chia sẻ thêm.
PHẠM NGÂN