Khởi động dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam

THU SÂM; ảnh: XUÂN TRƯỜNG

VHO - Lễ công bố triển khai dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) đã được tổ chức vào sáng 28.2, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã dự và phát biểu. Cùng dự còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass.

Khởi động dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam - ảnh 1
Lễ khởi công dự án được tổ chức vào sáng 28.2 tại Hà Nội

Thụy Sĩ giúp Việt Nam phát triển du lịch bền vững

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thông tin, trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến nổi bật và có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Việt Nam liên tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.

Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ phục hồi du lịch sau đại dịch, với lượng khách quốc tế tăng 37% trong năm 2024 so với năm 2023. Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Việt Nam và Thụy Sĩ có mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Trong những năm qua, Thụy Sĩ đã có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong đó có sự hỗ trợ cho việc phát triển du lịch bền vững. Thay mặt Chính phủ, Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự giúp đỡ ấy, nhất là "món quà" đặc biệt là dự án ngày hôm nay, có ý nghĩa lớn trong sự phát triển của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Nhấn mạnh rằng, lễ khởi động dự án diễn ra trong một thời điểm đầy ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân ta đang dốc sức thi đua, lập thành tích, tranh thủ thời cơ, cố gắng vượt bậc để đưa đất nước ta, dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, dân giàu, nước mạnh, Thứ trưởng mong muốn dự án sẽ được khởi động thành công, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và du lịch nói riêng.   

Thứ trưởng đánh giá, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ vào tháng 1 vừa qua. Thứ trưởng cũng vui mừng thông báo Chính phủ Việt Nam vừa có Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miền thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân ba nước trong đó có Thụy Sĩ. Điều đó cũng thể hiện sự coi trọng quan hệ với các đối tác, trong đó có Thụy Sĩ của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đánh giá cao sự phát triển của du lịch Thụy Sĩ trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện đang nắm giữ vị trí điều hành tại nhiều hệ thống khách sạn lớn, Thứ trưởng mong muốn dự án sẽ góp phần giúp du lịch Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị điểm đến, xây dựng được các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, hấp dẫn du khách.

Đánh giá cao thiết kế của dự án, Thứ trưởng cho rằng vấn đề còn lại là triển khai sao cho hiệu quả, tận dụng được nguồn lực để dự án thành công, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước.

"Những thành tựu này nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn dành cho du khách quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế, trong đó có Thụy Sỹ", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói và cho biết, Du lịch Việt Nam luôn coi Thụy Sỹ là một đối tác quan trọng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự  hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ thông qua dự án du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đồng thời kỳ vọng đây sẽ là động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và tính bền vững của ngành du lịch thông qua mục tiêu trọng tâm: hỗ trợ xây dựng và triển khai chính sách phát triển du lịch bền vững ở cả trung ương và địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo du lịch – khách sạn và hỗ trợ các điểm đến, doanh nghiệp trong đầu tư, thực hành du lịch bền vững.

Khởi động dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam - ảnh 2
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi lễ

Cũng theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ở cấp trung ương, dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc hỗ trợ triển khai các chiến lược và quy hoạch ở quy mô quốc gia, tập trung hỗ trợ đổi mới các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số, hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo du lịch và khách sạn chất lượng cao.

Ở cấp địa phương, việc cụ thể hóa và triển khai Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đòi hỏi các tỉnh, thành phố xây dựng đề án và kế hoạch phát triển du lịch có tầm nhìn, bám sát tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương còn gặp khó khăn xây dựng mục tiêu, mô hình phát triển du lịch bền vững và sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ các địa phương tăng cường hợp tác công – tư và thúc đẩy chuyển đổi du lịch theo hướng bền vững.

Ba địa phương Hà Giang, Quảng Nam, Đồng Tháp tiên phong triển khai dự án

Khởi động dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam - ảnh 3
Dự án sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam

Ba địa phương được lựa chọn triển khai dự án là Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp, được xem là đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, với tiềm năng phát triển du lịch bền vững cùng những màu sắc riêng.

Mỗi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc trưng như Hà Giang là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ cùng văn hóa đa dạng của 19 dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Dao... Quảng Nam không chỉ được bạn bè trong nước và quốc tế yêu mến thành phố Hội An xinh đẹp, mà còn thu hút du khách bởi những làng nghề truyền thống độc đáo như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, hay làng rau Trà Quế - nơi vừa được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất 2024”.

Đồng Tháp rực rỡ với cánh đồng sen bát ngát và Sa Đéc thơ mộng, nơi những làng hoa trăm tuổi khoe sắc bên dòng sông Tiền. Ba địa phương chứng minh vẻ đẹp du lịch Việt Nam đa dạng, nhiều màu sắc, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Để triển khai hiệu quả dự án, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhà tài trợ SECO triển khai tiếp nhận, giám sát, đánh giá dự án theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Nghị định 20/2023/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Khởi động dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam - ảnh 4
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass phát biểu tại lễ khởi động dự án

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass,  Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng cùng nền văn hóa đặc sắc, độc đáo - được xem là các yếu tố tuyệt vời của việc phát triển du lịch. Ông cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch gắn kết với văn hóa của Việt Nam.

Chia sẻ rằng trong quá trình phát triển du lịch, Thụy Sĩ đã nhận ra những khó khăn trong việc phát triển du lịch bền vững, gắn kết với phát triển kinh tế mà vẫn bảo tồn được tự nhiên, Đại sứ Thomas Gass cho rằng chính điều đó đã thúc đẩy việc Thụy Sĩ muốn giúp Việt Nam thực hiện dự án này. Vui mừng trước nhữnh thành tích của du lịch Việt Nam trong thời gian qua, Đại sứ Thụy Sĩ cho biết, dự án sẽ giúp tối đa hóa tiềm năng của du lịch Việt Nam trong việc vừa phát triển vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa, vừa bảo tồn được tự nhiên.

Đại sứ Thụy Sĩ cũng cho biết, Thụy Sĩ sẽ chia sẻ những bí kíp, kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Chia sẻ niềm vui khi đến làng rau Trà Quế ở Quảng Nam, ông Thomas Gass cho biết, đây là điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc có thể giúp Việt Nam phát triển du lịch bền vững.

Tại buổi lễ, đại diện 3 địa phương được thụ hưởng dự án cũng đã có những chia sẻ về thực trạng phát triển du lịch bền vững tại các địa phương và những mong muốn khi thực hiện dự án được triển khai thực hiện từ việc phát triển nguồn lực đến đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc