Hướng đi nào cho thị trường condotel?

VH- Đó là nội dung được đề cập tại hội thảo “Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp” vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Hội thảo quy tụ hơn 500 đại biểu khắp cả nước, trong đó có đại diện các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, TN&MT, VHTTDL, cùng các chuyên gia tài chính - bất động sản, đại diện các doanh nghiệp bất động sản lớn...

Hướng đi nào cho thị trường condotel? - Anh 1

 Condotel đang là xu hướng được đầu tư mạnh của các nhà kinh doanh tại các thành phố lớn

Ở Việt Nam, condotel là một loại hình bất động sản (BĐS) khá mới mẻ. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, condotel là “căn hộ du lịch”. Việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc, kỹ thuật công trình có căn hộ condotel chưa rõ ràng. Hiện mới có chỉ tiêu dân số với khu vực nhà ở, chưa có chỉ tiêu đối với condotel. Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thương mại dịch vụ chưa có quy định cụ thể liên quan đến condotel, là đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán, chuyển nhượng condotel chưa rõ ràng. Về quản lý condotel, loại hình BĐS này có cơ chế vận hành khác với chung cư. Đất đai liên quan đến condotel chưa có quy định sử dụng…

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay loại hình condotel đang là xu thế được các nhà đầu tư rất quan tâm. Chính vì lý do đó, hiện các chủ đầu tư condotel ở Việt Nam cam kết mức sinh lời từ 8-10% trong 10 năm đầu. Đây là mức sinh lời cao hơn các nước trong khu vực. Theo thống kê, năm 2017 có khoảng 23.000 condotel và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Trong năm 2017, số lượng giao dịch thành công chiếm 65 - 70% khối lượng chào bán. “Nguyên nhân của sự bùng nổ loại hình BĐS mới này do những năm vừa qua, số lượng khách du lịch quốc tế và cả nội địa tăng đột biến. Tầng lớp “người giàu” ngày càng nhiều, nhu cầu dịch vụ cuộc sống tăng cao”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, từ năm 2015, các địa phương ven biển cho phép nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có công trình condotel. “Số lượng căn hộ du lịch đưa vào kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, condotel là loại hình BĐS mới, pháp luật chưa ghi nhận cụ thể nên việc triển khai thực hiện chưa thật thuận lợi cho cả địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, cho nhà đầu tư dự án trong việc kinh doanh và bán sản phẩm”, ông Sinh phát biểu.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tính pháp lý liên quan condotel cần được quy định rõ ràng. Mặc dù trên thế giới loại hình này không còn mới, nhưng ở Việt Nam mới chỉ biết đến dưới khái niệm “căn hộ du lịch”. Chính vì vậy, thời gian qua xảy ra nhiều khúc mắc giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả chính quyền. “Cái khó là chúng ta chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng. Để xác lập được cơ sở pháp lý căn cơ, đầy đủ về loại hình BĐS này cần nhiều thời gian, trong khi đó, thực tiễn cho thấy condotel vẫn đang tồn tại, giao dịch bình thường. Ngoài ra, chúng ta phải đưa ra dự báo về xu hướng, quy mô khách trên phạm vi cả nước và các địa bàn trọng điểm để có sự phát triển bền vững cho condotel. Đề xuất tiêu chuẩn xếp hạng condotel để đảm bảo đúng theo hệ thống lưu trú của ngành du lịch…”, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, hiện nay chúng ta vừa làm vừa lo khi chưa có khung pháp lý phù hợp. “Trong điều kiện bình thường thì không sao, nhưng khi cần thì sẽ có những thứ chưa được luật quy định và như vậy rất phức tạp”, ông Hiếu phân tích. Về giải pháp trước mắt, ông Hiếu đề xuất, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho condotel để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh. Đồng thời, cần có thông tư liên bộ về quy trình thủ tục, cấp phép, đầu tư để các địa phương, các doanh nghiệp yên tâm thu hút đầu tư và phát triển loại hình condotel. 

 L.XUÂN - T.TÍN

Ý kiến bạn đọc