Hướng đi nào cho du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên? (Bài cuối):​​​​​​​ Cần cơ chế hợp lý thu hút đầu tư

VHO- Thời gian qua, du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên dần trở thành điểm đến mới thu hút đầu tư mạnh mẽ trong cả nước và thế giới. Nhưng để phát huy lợi thế vốn có của khu vực, cần có một cơ chế thu hút đầu tư hợp lý, đặc biệt có sự liên kết vùng chặt chẽ mới tạo nên một sức bật cho vùng du lịch trọng điểm này.

Hướng đi nào cho du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên? (Bài cuối):​​​​​​​ Cần cơ chế hợp lý thu hút đầu tư - Anh 1

 Du khách đến bãi biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi) trải nghiệm kéo lưới cùng với ngư dân

Tập trung phát triển hạ tầng

Quảng Ngãi có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Đặc biệt, có hơn 130km bờ biển trong xanh, sạch đẹp, với nhiều bãi biển nổi tiếng như Khe Hai, Mỹ Khê, Đức Minh, Sa Huỳnh... Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhưng đến nay ngành du lịch vẫn chưa thể bứt phá. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh thừa nhận: “Nhiều cảnh đẹp, di tích lịch sử ở miền núi, đồng bằng trên địa bàn tỉnh chưa được phát huy. Sự kết nối các tour, tuyến du lịch vẫn còn rời rạc; du lịch Quảng Ngãi chưa có một điểm nhấn cụ thể, rõ ràng để trở thành một trong những ngành “đầu tàu” đưa địa phương phát triển thì cần có bước đi mạnh mẽ, quyết đoán và có thời gian. Hiện nay, Quảng Ngãi mới chỉ có hạ tầng giao thông hỗ trợ cho du lịch, còn lại hạ tầng nghỉ dưỡng, ẩm thực rất hạn chế”.

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là một trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của Bình Định. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng du lịch tại TP Quy Nhơn; các tuyến du lịch trọng điểm: Quy Nhơn - Sông Cầu, Phương Mai - Núi Bà, Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, phát triển du lịch cộng đồng và các điểm du lịch tại các huyện, thị xã trong tỉnh… Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch.

Ông Trần Văn Thảo, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ (Bộ TN&MT) chia sẻ: “Ở nước ta, nhiều dự án đã gây ra sạt lở đất. Đơn cử vào năm 2020, một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa đã gây ra sạt lở đất. Tuy nhiên không phải tất cả các dự án làm ảnh hưởng đến môi trường, chỉ có một vài dự án coi nhẹ vấn đề môi trường nên mới để xảy ra sạt lở đất. Khi làm các dự án, chúng ta nên coi trọng và có trách nhiệm bảo vệ môi trường, như vậy sẽ không có tác động sâu đến môi trường nhiều”.

Đẩy mạnh liên kết

Tại Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cần nhanh chóng có những hoạch định cụ thể bằng những chương trình hành động cụ thể, bằng lễ ký kết cụ thể để đưa du lịch Kon Tum phát triển. Theo đó, chúng ta phải công bố kế hoạch phát triển du lịch tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia giúp các doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn, không chỉ là phạm vi du lịch của Kon Tum mà còn liên kết trong tam giác phát triển với nước bạn Lào, Campuchia nơi có những điểm di tích, di sản của nước bạn, nơi chúng ta có thể trao đổi các đoàn famtrip, các đoàn khách du lịch qua biên giới. Bên cạnh đó, du lịch Kon Tum cần tăng cường liên kết, ký kết hợp tác với các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, khôi phục lại các hoạt động doanh nghiệp du lịch của Kon Tum và hợp tác toàn diện trong các giai đoạn 2022-2026”.

Trong Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên diễn ra vào tháng 6 tại TP Kon Tum (Kon Tum), các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành ở TP.HCM nêu một số đề xuất với các tỉnh Tây Nguyên như: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh, liên tỉnh; đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách… Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Trong thời gian tới, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên cần có nhiều giải pháp để phát triển du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Các doanh nghiệp TP.HCM sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng; hỗ trợ ngành du lịch các tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn”.

Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết: “Muốn phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh thành phố bên dòng sông Trà, phát triển kinh tế biển trước tiên sẽ cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho du lịch của thành phố. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, chú trọng thu hút, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện để phát triển và quảng bá du lịch. Đặc biệt, sẽ phát triển kinh tế ban đêm như phố ẩm thực, âm nhạc đường phố…”.

Hiện nay, Tỉnh ủy Khánh Hòa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh. Trước mắt, có giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, tái cơ cấu du lịch sau đại dịch Covid-19 để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế, đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế có chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững. Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 11 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm 40%; đến năm 2030, đón hơn 15 triệu lượt khách, khách quốc tế chiếm 60%. Để hiện thực hóa, trước mắt Khánh Hòa sẽ liên kết với các địa phương để hình thành các tuyến du lịch liên vùng, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng... đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch quốc tế. Phát triển du lịch sẽ gắn liền với chuyển đổi số để đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Trong thời gian tới, trên địa bàn sẽ hình thành nhiều khu đô thị mới, việc phát triển các đô thị này phải gắn liền với phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại. 

 NHƯ ĐỒNG - XUÂN HƯỚNG - NGỌC HÒA - PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc