Khai thác điểm đến di tích Hải Vân Quan:

Huế và Đà Nẵng cùng “bắt tay”

SƠN THÙY

VHO - Ngày 1.8, di tích quốc gia Hải Vân Quan mở cửa đón khách tham quan miễn phí sau hơn 2,5 năm trùng tu. Đây là công trình di tích được Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng “bắt tay” bảo tồn, tu bổ nhằm phát huy giá trị di tích, kết nối du lịch giữa các địa phương.

 Từ sáng sớm hôm qua 1.8, đông đảo du khách và người dân đã “vượt đèo” Hải Vân đến tham quan di tích Hải Vân Quan. Thời tiết nắng nhẹ, dễ chịu đã tạo điều kiện cho du khách thuận lợi trải nghiệm.

Huế và Đà Nẵng cùng “bắt tay” - ảnh 1
Lối vào di tích Hải Vân Quan, đỉnh đèo Hải Vân, nằm ở địa phận Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng

Điểm đến kết nối đường bộ Huế - Đà Nẵng

Ông Thân Trọng Hiền, 65 tuổi, trú huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cùng vợ đến tham quan di tích Hải Vân Quan trong ngày đầu mở cửa miễn phí. Ông Hiền chia sẻ rằng, “tôi đã nhiều lần đến di tích này, từ khi Hải Vân Quan xuống cấp hoang tàn, lúc đang trùng tu và bây giờ quay trở lại. Sau khi bảo tồn, Hải Vân Quan đã có không gian điểm nhấn, lưu giữ được di tích cho hôm nay và thế hệ mai sau”. “Đợt đến Hải Vân Quan này, vợ chồng tôi chụp lại nhiều ảnh để về cho con cháu, người thân xem và hiểu hơn về di tích. Đồng thời cũng giới thiệu, kết nối để mọi người đến tham quan và tìm hiểu không gian di tích mà thế hệ xưa đã để lại”, ông Hiền nói thêm.

Trong ngày mở cửa Hải Vân Quan, nhiều bạn trẻ đi du lịch phượt, các đoàn khách trong và ngoài nước cũng đến trải nghiệm và check-in, lưu giữ khoảnh khắc đẹp. Từ đây có thể ngắm được thành phố Đà Nẵng ở trên cao và ngắm cảnh đẹp của vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, di tích Hải Vân Quan nằm trên tuyến tour đường bộ “Con đường di sản miền Trung” (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) nên chương trình tour sẽ bổ sung điểm check-in ấn tượng, đáng nhớ trong hành trình du lịch từ Huế vào Đà Nẵng và ngược lại. Điểm check-in di sản ngay ranh giới của hai địa phương liên kết phát triển du lịch và văn hóa, xã hội nên sẽ tạo ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước qua những câu chuyện kể về hai vùng đất, lịch sử và công năng; đặc biệt gắn với yếu tố quân sự và cảnh quan đẹp của vịnh Lăng Cô và vịnh Đà Nẵng nhìn từ di tích Hải Vân Quan.

“Đây là sản phẩm liên kết hấp dẫn, ấn tượng gắn với du lịch trong năm nay giữa Huế và Đà Nẵng. Trước đó, hai địa phương và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã khai thác sản phẩm chuyến tàu “Kết nối di sản”, ông Phúc cho biết.

Huế và Đà Nẵng cùng “bắt tay” - ảnh 2
Du khách tham quan Hải Vân Quan trong ngày mở cửa đón khách miễn phí sau khi trùng tu

Cùng phối hợp khai thác hiệu quả

Di tích quốc gia Hải Vân Quan được khởi công trùng tu từ cuối năm 2021, với kinh phí 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (mỗi bên 50%). Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” được triển khai trên diện tích 6.500m2 với nhiều hạng mục: Tu bổ cổng Hải Vân Quan và cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi thay thế nền cổng lát đá thanh, hệ thống cối, tường xây gạch vồ; phục hồi hệ lan can và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ… Phục hồi hệ thống tường thành thời nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành; ở hệ thống tường phía Nam, phục hồi pháo nhãn, tường che, các ụ đặt pháo, các chòi quan sát, tai tường và thang lên các cổng từ tường thành bằng gạch vồ. Công trình nhà Trú Sở và nhà Vũ Khố được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn cũng được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu…

Quá trình triển khai dự án, do nằm ở vị trí cách mực nước biển gần 500m, thời tiết mưa ẩm thường xuyên nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đến nay, ở khu vực Hải Vân Quan vẫn chưa có nguồn nước sạch. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác trùng tu cơ bản đảm bảo phục hồi, tu bổ các hạng mục công trình gốc của di tích một cách chuẩn xác, khoa học. Đơn vị đã tận dụng tối đa vật liệu, yếu tố gốc khi thực hiện tu bổ; đặc biệt là tận dụng lại đá phục hồi hệ thống tường thành thời Nguyễn; một số đoạn bị thiếu, Trung tâm tìm kiếm và sử dụng đá núi ở khu vực núi Hải Vân để phù hợp, hài hòa với tổng thể công trình. Ngoài ra, có hai công trình nhà Trú Sở và nhà Vũ Khố có sườn khung gỗ cũng được nghiên cứu phục hồi, đảm bảo hài hòa đồng nhất về vật liệu và tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong bảo quản tu bổ di tích.

Huế và Đà Nẵng cùng “bắt tay” - ảnh 3
Du khách thích thú trải nghiệm

Theo ông Phan Văn Tuấn, hiện nay Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở VHTT Đà Nẵng thống nhất tạm thời mở cửa miễn phí đón khách tham quan Hải Vân Quan để có cơ sở đánh giá tình hình du khách, tiếp thu ý kiến của du khách và cộng đồng để hoàn thiện phương án quản lý, giá vé, nhằm khai thác hiệu quả và đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho du khách. Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi xác định di tích Hải Vân Quan là di sản của quốc gia chứ không riêng gì của hai địa phương. Sở VHTT Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được hai địa phương giao nhiệm vụ, cùng nhau phối hợp tiến hành trùng tu, phục hồi, thể hiện được vai trò vị trí của Hải Vân Quan mà ông cha đã để lại. Sau khi công trình hoàn thành, hai địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để khai thác, phát huy giá trị hiệu quả để có nguồn lực tiếp tục tu bổ, bảo tồn”.

Đại diện các đơn vị của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cho biết, hiện nay di tích Hải Vân Quan vẫn chưa có bãi đỗ xe được quy hoạch xây dựng bài bản, thiếu các dịch vụ công cộng, nhà vệ sinh, nước sạch… Các đơn vị sẽ tính toán, tham mưu kiến nghị để tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án nhằm hoàn thiện cảnh quan, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách. Trước mắt, khi chưa triển khai giai đoạn 2, các đơn vị liên quan phối hợp để có các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự ở khu vực di tích Hải Vân Quan. 

 Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Cửa hướng về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Di tích Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân vi nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Dưi thi nhà Nguyn, Hi Vân Quan làci quan trọng, là cửa ngõ vào Kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vìvậy triều Nguyn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.

Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của hai địa phương Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.