“Hồi sinh” những di sản văn hóa

VHO- Nhận thức rõ việc du lịch văn hóa là loại sản phẩm đặc thù, giúp quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút khách du lịch, thời gian qua, Lạng Sơn đã tập trung phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt, Lạng Sơn cũng tập trung thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

“Hồi sinh” những di sản văn hóa - Anh 1

 Phụ nữ huyện Chi Lăng trong trang phục dân tộc truyền thống 

Nâng cao nhận thức 
Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, Chi Lăng là huyện miền núi mà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%, tạo nên những giá trị văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, những năm qua, các hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn các di sản văn hóa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, việc thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Huyện Chi Lăng đã bám sát thực tiễn, những xu hướng phát triển mới, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo sinh kế cho người dân. Các nội dung nghị quyết, kế hoạch bảo tồn văn hóa gắn với việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua việc tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm tại các điểm di tích, tuyên truyền, phổ biến thường xuyên tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về nội dung này.
Địa phương này cũng đặc biệt chú trọng công tác đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Tính đến năm 2023, 100% thôn, khu phố trên địa bàn huyện (157/157 thôn, khu phố) có nhà văn hóa. Trong đó có 98/134 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn (đạt 73%). Tổng số nhà văn hóa xã trên địa bàn huyện có 13/20 (đạt 65%), trong đó có 9/20 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã đạt chuẩn. Toàn huyện có 15/20 xã, thị trấn có sân thể thao (đạt 70%). Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, lập hồ sơ khoa học và trưng bày, triển lãm các hiện vật, di vật, cổ vật cũng được huyện quan tâm, thực hiện. Hiện nay, có 501 hiện vật các loại đang được lưu giữ và trưng bày tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng. Huyện đang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc duy trì thực hiện công tác lập hồ sơ khoa học, quản lý những hiện vật đang được lưu giữ nêu trên.
Hỗ trợ cho các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian
Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu dân ca, dân vũ; bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội; khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch…
Bà Đinh Thị Thao, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Chi Lăng cho biết: “Để hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa của huyện Chi Lăng được hiệu quả, nhất là việc khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, chúng tôi chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống”, bảo tồn các loại hình văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư. Có hình thức cụ thể để động viên, khuyến khích các nghệ nhân giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc”.
Thông qua nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực từ thực hiện Dự án 6, nhiều nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang “hồi sinh”, phát huy giá trị, góp phần thu hút khách du lịch. Hình thành các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; các đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Điển hình như một số Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn ở xã Bằng Hữu được thành lập, đi vào hoạt động và được đánh giá là rất hiệu quả. Xã Bằng Hữu có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Nùng và người Tày. Trước đây, điệu hát Then bị lãng quên, mai một đi rất nhiều, hiếm người trong xã biết hát Then. Sau khi các Câu lạc bộ được hình thành, nhiều gia đình đã ủng hộ cho con em mình theo học để gìn giữ bản sắc văn hóa.
Khi thực hiện Dự án 6, chính quyền địa phương đã mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ và thành lập Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn thuộc xã Bằng Hữu, trang bị trang phục truyền thống và đàn tính. Việc này đã khuyến khích, ủng hộ người dân, từ trẻ tới già cùng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa. 
Theo bà Đinh Thị Thao, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từ đó nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó năm 2022, thực hiện Dự án số 6, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với xã Vân Thủy và xã Chiến Thắng tổ chức thành công 2 lớp truyền dạy dân ca (hát Sli). “Năm 2023 huyện Chi Lăng hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho 5 nhà văn hóa thôn của xã Chiến Thắng và Bằng Hữu; hỗ trợ trang phục dân tộc cho 10 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng của Lâm Sơn, Liên Sơn và Vân An”, bà Đinh Thị Thao cho biết. 
Thời gian tới, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của đồng bào; xây dựng các tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống nhằm nhân rộng các mô hình điểm. Qua đó, thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch. 

HOÀNG CÚC

Ý kiến bạn đọc