Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27: Hợp tác, cùng phát triển vì tương bền vững của ASEAN
VHO - Ngày 25.1, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch (M-ATM) ASEAN lần thứ 27 đã diễn ra tại Vientiane (Lào) trong khuôn khổ chương trình nghị sự Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng này.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch (M-ATM) ASEAN lần thứ 27
Bà Suanesavanh Vignaket, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào chủ trì Hội nghị. Ông Dato Sri Tiong King Sing, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, làm Phó Chủ tịch. Hội nghị có sự hiện diện của các Bộ trưởng Du lịch, lãnh đạo cơ quan du lịch các quốc gia ASEAN, các đối tác, tổ chức quốc tế, phóng viên báo chí Lào và quốc tế.
Tham dự Hội nghị, đoàn Việt Nam còn có Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà và đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL.
Xây dựng Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn mới
Trước M-ATM lần thứ 27 là Cuộc họp lần thứ 59 của Tổ chức Du lịch Quốc gia ASEAN (NTO) và các Cuộc họp Chính thức Cấp cao khác với các Đối tác Đối thoại.
Hội nghị tập trung thảo luận về việc triển khai các hoạt động trong Chiến lược Du lịch ASEAN 2016- 2025 cũng như các ưu tiên quan trọng khác trong giai đoạn 2023- 2024 nhằm hỗ trợ hơn nữa sự phục hồi nhanh chóng ngành Du lịch. Các nội dung này phù hợp với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm: Vì tương bền vững của ASEAN”.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong tất cả các lĩnh vực liên quan để đảm bảo tính bền vững và khả năng phục hồi của du lịch ASEAN.
Hội nghị vui mừng ghi nhận rằng 49 trong số 64 hoạt động thuộc Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) 2016-2025, tương đương 76,6%, đã được triển khai. Đồng thời, khuyến khích các nước thành viên ASEAN tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ ATSP 2016- 2025 theo đúng kế hoạch.
Liên quan đến việc phát triển ATSP sau năm 2025, Hội nghị đã nhất trí giao nhiệm vụ cho các Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN bắt đầu xây dựng Chiến lược giai đoạn tiếp theo vào năm 2024 với sự tham vấn của tất cả các bên liên quan bao gồm các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN, khu vực tư nhân và giới học thuật.
Hội nghị nhấn mạnh rằng Chiến lược giai đoạn sau năm 2025 phải phù hợp với tài liệu tiếp theo của Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Các đại biểu cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với Philippines vì nhận chủ trì nhiệm vụ xây dựng ATSP giai đoạn sau năm 2025.
Biểu dương nỗ lực và cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thực hiện Kế hoạch Phục hồi du lịch ASEAN sau đại dịch Covid-19, Hội nghị thông tin rằng 60% các biện pháp và hoạt động trong Kế hoạch phục hồi đã được hoàn thành hoặc đang được thực hiện thông qua Kế hoạch công tác ATSP. Hội nghị khuyến khích các Quốc gia Thành viên ASEAN xem xét các hoạt động ưu tiên trong Kế hoạch Phục hồi nhằm đảm bảo rằng các ưu tiên này phù hợp với ATSP 2016-2025 và các sáng kiến quan trọng khác.
Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước tham gia dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch (M-ATM) ASEAN lần thứ 27 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024
Tăng cường năng lực cạnh tranh du lịch ASEAN
Hội nghị hài lòng ghi nhận sự khởi động thành công của hai chiến dịch truyền thông vào năm 2023 là Chiến dịch ImagineASEAN và Chiến dịch Phục hồi du lịch nội khối ASEAN.
Hội nghị cũng đánh giá cao sự thành công của Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN, coi đây là sự hợp tác liên ngành cấp cao đầu tiên giữa hai ngành nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thông qua nội dung Biên bản ghi nhớ giữa ASEAN và UNWTO, bao gồm 4 lĩnh vực trọng tâm bao gồm cạnh tranh du lịch, nâng cao/phát triển năng lực, cũng như tính bền vững và tính toàn diện.
Đánh giá cao Lào vì đã chủ động xây dựng Tiêu chuẩn Du lịch sinh thái ASEAN như một Sáng kiến ưu tiên kinh tế năm 2024 dưới cương vị Chủ tịch ASEAN, Hội nghị ghi nhận tiến độ soạn thảo Tiêu chuẩn và mong muốn hoàn tất và thông qua Tiêu chuẩn Du lịch sinh thái ASEAN vào năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Với nền tảng quan hệ gắn bó đặc biệt giữa hai nước láng giềng Việt Nam- Lào, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2024 nói chung và Chủ tịch Du lịch ASEAN 2024 nói riêng. Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, quảng bá và tổ chức hiệu quả cho các hoạt động Hội nghị, Hội chợ trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN lần này”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua báo cáo của Lào - Chủ tịch Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN, có thể nhận thấy kết quả du lịch năm 2023 của khu vực chúng ta đang có nhiều khởi sắc, nhờ sự phục hồi tích cực từ các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á cũng như từ các nước nội khối. Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường hợp tác đẩy mạnh ngành Du lịch ASEAN để bắt kịp tốc độ của các khu vực khác trên thế giới, có những nơi đã phục hồi và thậm chí vượt mức trước đại dịch Covid-19.
Cũng theo xu thế phát triển chung của khu vực, năm 2023 Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% so với năm 2019, phục vụ 108 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 27% so với năm 2019, tổng thu từ ngành Du lịch đạt khoảng 28 tỉ usd. Khu vực ASEAN là một trong những thị trường nguồn khôi phục nhanh nhất của Việt Nam, đặc biệt lượng khách từ Lào, Campuchia và Singapore đến Việt Nam năm 2023 đã vượt mức trước đại dịch. Có thể khẳng định thị trường nội khối ASEAN là một trong những động lực thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN do Việt Nam đăng cai tháng 12.2023 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN có nền văn hóa lâu đời, lễ hội đa dạng và nhiều màu sắc, tuy nhiên còn chưa được khai thác hiệu quả để làm nổi bật thế mạnh này. Thời gian tới chúng ta có thể phối hợp cùng quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội có trọng tâm hơn. Mỗi năm tập trung giới thiệu và tổ chức hoạt động kỷ niệm lễ hội ASEAN tại một nước thành viên theo hình thức luân phiên.
Bên cạnh đó, trên cơ sở thảo luận tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Du lịch và Giao thông vận tải tháng 11.2023 do Lào đăng cai, tôi cũng đề nghị các nước cùng khuyến khích tăng cường kết nối giao thông đường hàng không, đường bộ, đường biển trong khu vực nhằm thúc đẩy du lịch thông suốt và thuận tiện. Giảm bớt các trường hợp khách du lịch cần di chuyển ba, bốn chuyến bay giữa các thành phố lớn từ các nước thành viên trong cùng khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với thuận lợi hơn trong đi lại, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, điểm đến, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp du lịch tốt hơn, du lịch ASEAN sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khoá 78, tháng 9.2023 đánh giá: ASEAN đóng vai trò dẫn dắt trong khu vực về việc thực hiện các mục tiêu của Liên hiệp quốc cũng như đang đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thế giới. Việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng du lịch tại Diễn đàn ATF 2024 lần này nhằm thúc đẩy du lịch trong khu vực phát triển mạnh mẽ hơn”.
Bộ trưởng cũng đề xuất thông qua xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc của từng quốc gia; liên kết theo phương thức “một cung đường nhiều điểm đến”. Các nước tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến khu vực và khách nội khối qua lại lẫn nhau; tạo nên điểm đến ASEAN xanh, hấp dẫn.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Du lịch (M-ATM) ASEAN lần thứ 27
Đảm bảo phát triển du lịch bền vững và bao trùm cho tất cả mọi người
Hiện nay, các Quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) thông qua việc đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động du lịch, các đào tạo viên và thẩm định viên quốc gia.
Hội nghị thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết tình trạng thiếu chuyên gia du lịch có trình độ do sự dịch chuyển lao động sang các lĩnh vực khác nhau khi đại dịch Covid-19 tấn công khu vực. Về vấn đề này, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp cho các lao động du lịch ASEAN chương trình đào tạo phù hợp, kiến thức mới nhất và nâng cao kỹ năng của họ để đảm bảo rằng họ vẫn phù hợp công tác trong ngành.
Lộ trình hành động vì Phát triển du lịch bền vững ở ASEAN đang được Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) hỗ trợ. Hội nghị đã thông qua Lộ trình hành động này nhằm cung cấp hướng dẫn cho ASEAN trong các lĩnh vực như giá trị cốt lõi, đổi mới và cách thức trao quyền cho các bên liên quan để phát triển bền vững hơn. Lộ trình hành động đặt ra các mục tiêu rộng cho các quốc gia thành viên ASEAN, căn cứ vào các giai đoạn phát triển bền vững khác nhau trong khu vực.
Hội nghị ghi nhận ATF 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 1 năm 2025 tại Malaysia với chủ đề “Đoàn kết trong hành động: Định hình ngành du lịch ASEAN vào ngày mai”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Du lịch các nước thành viên đã xem xét và thông qua Tuyên bố Chủ tịch và Biên bản Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 cũng diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 23 (M-ATM+3); Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN- Ấn Độ lần thứ 11; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN- Nga lần thứ 3. Tại đây, các Bộ trưởng xem xét các dự thảo Chương trình nghị sự và dự thảo Tuyên bố Đồng Chủ tịch của các Hội nghị trên. |
TỐ LINH - NGHIÊM HÙNG; ảnh: ANH DŨNG (từ Vientiane, Lào)