Hiến kế phát triển du lịch Bình Định

ĐINH VŨ - PHAN HIẾU

VHO - Tại Hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định” diễn ra ngày 31.3, nhiều ý kiến của các đại biểu, khách mời đã tập trung thảo luận về các vấn đề nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tăng cường liên kết vùng, đa dạng hoá sản phẩm và nâng tầm thương hiệu du lịch Bình Định.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 1
Hiệp hội Du lịch Bình Định ký kết hợp tác du lịch với các Hiệp hội Du lịch, Chi hội Lữ hành các địa phương

Nâng cấp dịch vụ tàu để thu hút khách

Một trong những nội dung trọng tâm tại Hội thảo là bàn cách khai thác du lịch đường sắt, loại hình sản phẩm mới được kỳ vọng tạo bước đột phá cho Bình Định. Các đại biểu đều cho rằng, du lịch đường sắt có thể mang lại trải nghiệm độc đáo, chậm rãi thưởng ngoạn cảnh quan và văn hóa dọc đường đi.

Bình Định có lợi thế nằm trên trục đường sắt Bắc - Nam với ga Diêu Trì và ga Quy Nhơn. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành những tuyến du lịch bằng tàu hỏa kết nối Bình Định với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất xây dựng các tour du lịch đường sắt liên vùng, kết nối điểm đến Bình Định với các địa phương miền Trung lân cận. Thậm chí kéo dài đến TP.HCM, Hà Nội để thu hút khách ở 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 2
Ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Để làm được điều đó, mỗi chuyến tàu du lịch cần đảm bảo chất lượng dịch vụ cao, đồng thời tích hợp lịch trình tham quan xuyên suốt, phối hợp nhịp nhàng giữa ngành đường sắt với các hiệp hội và doanh nghiệp lữ hành tại địa phương.

Những đóng góp này hướng tới mục tiêu biến chuyến tàu không chỉ đơn thuần là hành trình di chuyển, mà thực sự trở thành trải nghiệm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Các chuyên gia đánh giá việc phát triển tour tuyến bằng tàu hỏa không chỉ mở ra hướng đi mới cho du lịch Bình Định mà còn mang lại lợi ích song hành cho cả ngành Đường sắt.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 3
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu

Từ góc độ quản lý ngành, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu nhấn mạnh tiềm năng du lịch đường sắt ở nước ta với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, chạy qua nhiều vùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng núi, ven biển.

Du lịch bằng đường sắt được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác,  đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành và mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Bình Định có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt nhờ vào vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch biển hấp dẫn.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Bình Định tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách thuận lợi để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch đường sắt.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đường sắt mới; tổ chức các chuyến tàu charter (thuê nguyên chuyến) phục vụ khách du lịch từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đến Bình Định.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 4
Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam chia sẻ rằng hợp tác phát triển các tour du lịch đường sắt chính là “giải pháp hiệu quả không chỉ cho du lịch các địa phương, doanh nghiệp mà còn giúp ngành Đường sắt tồn tại, phát triển”.

Liên quan đến du lịch đường sắt, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc SACO Travel (TP.HCM) Nguyễn Ngọc Tấn cho rằng nếu muốn phát triển du lịch đường sắt, giảm tải cho du lịch hàng không và có mức giá, sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng thì tỉnh Bình Định nên làm việc với ngành Đường sắt để có cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất là về giá cả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tấn, sau các phiên ký kết giữa 2 bên, cần có những hành động thực tế: “Giá vé tàu bán cho các công ty du lịch giảm bao nhiêu so với bán cho khách lẻ; chất lượng dịch vụ trên tàu được cải thiện, nâng cấp như thế nào khi đưa vào phục vụ du lịch...”

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 5
Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc SACO Travel (TP.HCM) Nguyễn Ngọc Tấn

Đại diện của ngành Đường sắt tham dự Hội thảo, ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt không đi thẳng vào những vấn đề mà doanh nghiệp du lịch quan tâm là chính sách giá và cơ chế hợp tác giữa 2 bên mà nói nhiều tới những việc mà ngành Đường sắt đã làm được thời gian qua.

Thừa nhận việc tiềm năng du lịch đường sắt thì lớn nhưng khai thác thời gian qua chưa đúng mức nhưng ông Thắng vẫn chủ yếu tập trung tới vai trò của ngành Đường sắt trong nền kinh tế, sự độc đáo của du lịch sắt và xây dựng những đường tàu- đường hoa.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rõ ra rằng, nếu không chú trọng tới những đối tượng khách du lịch, hợp tác để phát triển du lịch đường sắt, ngành Đường sắt sẽ khó phát triển trong tương lai.

“Trong khi ngành Hàng không đang khó khăn, máy bay thiếu, giá thành cao, đây chính là cơ hội để ngành Đường sắt phát triển. Đường sắt có những lợi thế mà ngành Hành không không có. Vì thế, việc nâng cao chất lượng dịch vụ các đoàn tàu là tất yếu. Nếu vẫn giữ tư duy làm ăn từ thời xa xưa thì khó mà phát triển được”, ông Lâm Hải Giang nói.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 6
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Trọng Thắng

Ông Giang nhấn mạnh, các doanh nghiệp lữ hành ngồi đây đều mong muốn ngành Đường sắt có chính sách giá cụ thể, rõ ràng để tính toán giá tour và phương án hợp tác. Nếu cứ nay cơ chế này, mai cơ chế khác thì rất khó hợp tác với nhau.

“Tàu du lịch khác với tàu vận chuyển khách”, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định nói và nhắc nhở Sở VHTTDL Bình Định chú ý trong việc phối hợp với ngành Đường sắt. Ý kiến này của ông Giang được các doanh nghiệp du lịch rất đồng tình.  

Ông Lâm Hải Giang dùng từ “chát” khi nói đến giá tàu lịch hiện nay quá cao, chưa hấp dẫn du khách và đề nghị ngành Đường sắt có những chính sách tốt hơn để hợp tác 2 ngành cùng có lợi.

Bên cạnh đó, ngành Đường sắt phải chủ động làm mới sản phẩm, nâng cấp dịch vụ, cụ thể ở đây là các toa tàu, cải thiện vấn đề vệ sinh trên tàu và ăn uống trên tàu. Nếu cứ loay hoay với bài toán “con gà và quả trứng” thì cơ hội sẽ qua đi và không phát triển được.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đoàn khảo sát tới Bình Định lần này và trải nghiệm đi bằng tàu hoả cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù đã có những nỗ lực để thay đổi chất lượng dịch vụ nhưng ngành Đường sắt vẫn nặng tính bao cấp ngày xưa.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Tổng Giám đốc Gbest Travel cho biết: “Du lịch đường sắt có nhiều cơ hội phát triển tuy nhiên vấn đề vệ sinh trên tàu vẫn rất đáng lo ngại, nếu không thay đổi, sạch sẽ và tiện nghi hơn thì khó mà thu hút được khách du lịch chọn đi tàu cho hành trình của mình”.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 7
Uỷ viên BCH CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Avitour Nguyễn Trung Quân

Cũng liên quan đến chất lượng dịch vụ tàu hoả, ông Nguyễn Trung Quân, Uỷ viên BCH CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Avitour sau khi trải nghiệm chặng Hà Nội- Bình Định bằng tàu SE7 cho rằng: “Nếu đi du lịch thì chặng này quá dài, nên chọn tàu SE1, đi nhanh hơn để đỡ tốn thời gian của khách. Và nếu chúng ta có dịch vụ tốt hơn thì sẽ hấp dẫn đối với khách hơn”.

“Trên hành trình, buổi tối chúng tôi đến toa phục vụ ăn uống nhưng nhà tàu thông báo đã hết giờ phục vụ, cả đoàn đi mười mấy toa để lên toa 1 lại lục tục kéo nhau về. Rõ ràng khách có nhu cầu nhưng nhà tàu không phục vụ được”, ông Quân kể.

Ông Quân cho rằng, đầu khởi hành từ TP.HCM có lẽ tốt hơn Hà Nội. Chúng tôi muốn rằng, thời gian tới, ở đầu Hà Nội dịch vụ, sản phẩm nhà tàu cũng sẽ cải thiện hơn, ít nhất phải bằng Quy Nhơn đi TP.HCM.

Nếu làm tốt, charter tàu từ Hà Nội đi Quy Nhơn hoàn toàn có cơ hội đón lượng khách lớn giống như cách đây vài năm chúng tôi làm charter Quảng Bình, đến nay, lượng khách đến Quảng Bình bằng đường tàu rất đông. Thậm chí, có những thời điểm không có đủ khách sạn để phục vụ các chuyến tàu giờ đẹp.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 8
Khoảng 200 đại biểu tham dự Hội thảo Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định do Sở VHTTDL và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức ngày 31.3 tại thành phố Quy Nhơn

Giải bài toán kinh tế ban đêm ở Bình Định

Mấy năm gần đây, Bình Định nổi lên là một trong những điểm đến hàng đầu được nhiều khách du lịch lựa chọn. Thế nhưng Bình Định mới chỉ đẹp, hấp dẫn du khách vào ban ngày. Dịch vụ du lịch ban đêm của Bình Định hiện nay vẫn là khoảng trống cần được lấp đầy.

Thực tế hiện nay, khi màn đêm buông, thành phố Quy Nhơn trở nên khá tĩnh lặng, thiếu những điểm vui chơi, giải trí đặc sắc để níu chân du khách. Đại diện một số doanh nghiệp khảo sát cho rằng, đêm thứ nhất ở Bình Định còn tiêu tiền được, đêm thứ 2, thứ 3 không biết tiêu tiền ở đâu. Các dịch vụ ban đêm chưa thực sự hấp dẫn.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn đánh giá: “Bình Định có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và gần đây đã có nhiều thay đổi để thu hút khách, trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, Bình Định cần thêm các sản phẩm, dịch vụ để du khách trải nghiệm khi tới đây, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn”.

Ông Tấn cho biết sẵn sàng đầu tư một sản phẩm, dịch vụ mới như dịch vụ du thuyền trên đầm Thị Nại và xây dựng các sản phẩm mới khác để thúc đẩy kinh tế ban đêm, thu hút khách tới Bình Định.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 9
Tổng Giám đốc Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần

Là một doanh nghiệp đang có những đầu tư sản phẩm du lịch, hỗ trợ du lịch Bình Định phát triển, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism cho biết: “Qua việc nghiên cứu thị trường du lịch và sản phẩm du lịch Bình Định, có 3 bước chính để phát triển du lịch”.

Đầu tiên là việc đóng gói và xây dựng sản phẩm, cần chú ý đến việc khách sẽ tiêu tiền ở đâu, dịch vụ ban đêm là gì; công tác quảng bá xúc tiến như thế nào để tránh tính mùa vụ; công tác đào tạo nhân lực và tổ chức đón tiếp khách quốc tế như thế nào để khách quay trở lại Bình Định nhiều lần.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 10
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc SACO Travel (phải) tại Lễ vinh danh các công ty lữ hành có số lượng khách đoàn lớn về Bình Định

Với bộ sản phẩm gồm hơn 20 sản phẩm của huyện Tuy Phước, bà Nhữ Thị Ngần cho biết đã hoàn thành 7 sản phẩm Tuồng tour. Trong đó, ngoài nghe biểu diễn tuồng, du khách được hoá thân vào vai diễn tuồng, vẽ mặt nạ, mặc trang phục của nghệ sĩ tuồng.

Hay như dịch vụ ở đầm Thị Nại cũng cần kết hợp với dịch vụ đêm, ẩm thực đêm ven đầm, tạo ra các dịch vụ lưu trú trên đầm, có thể thu hút khách quốc tế.

Cũng có thể xây dựng show nghệ thuật đương đại tái hiện cảng thị Chùa Bà nước mặn hoặc Tháp tour, trải nghiệm hoá thân thành người Chăm pa cổ; tái hiện chữ Quốc ngữ, trải nghiệm máy đánh chữ và in sách, in trên giấy thông điệp được cá nhân hóa cho khách….

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 11
Ký kết giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định và các Hiệp hội Du lịch địa phương, Chi hội Lữ hành các địa phương về liên kết phát triển sản phẩm du lịch

 

Chia sẻ về việc tổ chức các chuyến charter, bà Nhữ Thị Ngần đề xuất có những chuyến bay charter từ Hàn Quốc, Nhật Bản tới Bình Định thời gian tới để thu hút khách du lịch quốc tế.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc là không hỗ trợ các chuyến charter tới sân bay lớn mà qua sân bay nhỏ, các tỉnh lẻ, chủ yếu đón tàu bay nhỏ từ 170- 230 khách, tiết kiệm chi phí rất tốt.

Làm việc với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định quyết luôn việc hỗ trợ mỗi du khách bay thẳng tới Bình Định 1 triệu đồng/ người.

Tuy nhiên, bà Ngần cho rằng, không chỉ hỗ trợ tiền vì với các đường bay quốc tế thì giá trị 1 triệu đồng chưa đủ để khắc phục khó khăn về số lượng chỗ trên tàu bay và giá thành, sức hấp dẫn của sản phẩm.

Cái chính là sản phẩm phù hợp và chuỗi họat động xúc tiến của địa phương tại nước bạn theo kế hoạch; kịch bản đón tiếp theo văn hóa 2 nước và sản phẩm phù hợp với đối tượng khách….

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 12
Lễ ký kết chiến lược giữa doanh nghiệp du lịch Bình Định với doanh nghiệp các địa phương

Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển kinh tế đêm cho Quy Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung. Việc kéo dài chuỗi dịch vụ 24/7 không chỉ giúp du khách có thêm trải nghiệm, mà còn tăng mạnh khả năng chi tiêu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nhiều ý kiến đã đề xuất những sản phẩm du lịch ban đêm cụ thể. Chẳng hạn, xây dựng phố đi bộ mua sắm về đêm, mở rộng quy mô chợ đêm và phố ẩm thực hiện có với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố để thu hút giới trẻ và khách quốc tế.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 13
Lễ ký kết chiến lược giữa doanh nghiệp du lịch Bình Định và Hà Nội

Bên cạnh đó, ý tưởng tổ chức chương trình sân khấu thực cảnh ban đêm nhận được sự tán thành cao. Bình Định có thể học hỏi mô hình các show diễn thực cảnh nổi tiếng như: Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ… để dàn dựng những chương trình đêm hoành tráng mang chủ đề văn hóa lịch sử địa phương.

Một vở diễn về Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, về đất võ Bình Định, hay lễ hội Tây Sơn Tam Kiệt… nếu được đầu tư bài bản, có thể trở thành “điểm hẹn” mới về đêm cho du khách khi đến Quy Nhơn.

Hiến kế phát triển du lịch Bình Định - ảnh 14
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Điều này không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí của du khách quốc tế vốn rất ưa thích trải nghiệm văn hóa địa phương về đêm, mà còn góp phần quảng bá di sản Bình Định một cách sinh động.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực du lịch cũng cần được củng cố, bổ sung. Hiện nay, hướng dẫn viên nội địa của Bình Định khá tốt nhưng hướng dẫn viên quốc tế lại rất thiếu.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết sẵn sàng phối hợp với Sở VHTTDL để đào tạo, tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, đặc biệt là các hướng dẫn viên tiếng hiếm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc