Hội thảo Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định
Đẩy mạnh dòng chảy du khách, kiến tạo điểm đến hấp dẫn
VHO - Ngày 31.3, tại thành phố Quy Nhơn, Sở VHTTDL Bình Định phối hợp Hiệp hội Du lịch Bình Định tổ chức Hội thảo Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định.

Dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng; đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, Hiệp hội Du lịch các địa phương, đại diện ngành Đường sắt và gần 200 doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Tăng tốc để về đích
Hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định” được tổ chức nhằm mở ra hướng đi mới nhằm thúc đẩy liên kết vùng; tối ưu hóa tiềm năng, thế mạnh du lịch của Bình Định và các tỉnh thành lân cận; đa dạng hóa sản phẩm và nâng tầm thương hiệu du lịch Bình Định.
Qua đó, tăng cường hợp tác giữa các công ty lữ hành quốc tế tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch từng địa phương, hình thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là khai thác tuyến đường sắt liên kết giữa các địa phương trong khu vực.

Đồng thời, liên kết các nguồn khách du lịch từ Hà Nội và TP.HCM đến Bình Định và các tỉnh, thành trong khu vực; cũng như giới thiệu các chương trình kích cầu và sản phẩm du lịch mới của Bình Định.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định cho biết: “Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, ngành Du lịch Bình Định phấn đấu thu hút 10 triệu lượt khách trong năm 2025”.
Tỉnh cũng đề ra mục tiêu tổ chức có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước, gắn với chuyển đổi số trong du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch Bình Định.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên tự nhiên, đặc trưng văn hóa các địa phương; điểm nhấn là hình thành chuỗi các sự kiện, lễ hội tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt mang tầm quốc gia và quốc tế để tăng trải nghiệm và sức hút cho du khách đến với Bình Định, qua đó từng bước thu hút thị trường khách du lịch quốc tế.
Hội thảo có 3 phiên: Giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm, chính sách kích cầu du lịch Bình Định; Liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Bình Định; Kết nối doanh nghiệp Bình Định và các doanh nghiệp trên cả nước.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp có tính khoa học và thực tiễn về định hướng phát triển sản phẩm du lịch Bình định nói chung, du lịch đường sắt nói riêng nhằm thu hút khách du lịch đến Bình Định trong thời gian tới.

Lan tỏa giá trị, nâng tầm điểm đến
Để có góc nhìn toàn diện về tiềm năng và định hướng trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết của các doanh nghiệp lữ hành và các địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó giám đốc Sở VHTTDL Bình Định đã giới thiệu tổng quan tiềm năng, định hướng phát triển du lịch Bình Định.
Đồng thời, giới thiệu các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; sản phẩm du lịch, chính sách kích cầu du lịch của Bình Định thời gian tới.

Theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Kim Chung, năm 2024, ghi nhận sự thành công của nhiều sự kiện văn hóa, thể thao do của tỉnh Bình Định tổ chức đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, với tổng số lượt khách tham quan, du lịch đạt 9,2 triệu lượt (tăng 83,9% so với năm 2023).
Bình Định được xếp vào nhóm tăng trưởng nhanh của du lịch Việt Nam, khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam, đặc biệt, thành phố Quy Nhơn đã 2 lần được vinh danh nhận giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN.
Trong bối cảnh liên kết là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch hiện nay; liên kết giúp phát huy thế mạnh của các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng.
Qua các hoạt động liên kết, Bình Định cũng mong muốn hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, trong đó có các sản phẩm du lịch mới, tạo sự thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng; nâng tầm điểm đến Bình Định.

Những cam kết liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa doanh nghiệp du lịch Bình Định và các tỉnh, thành khác trên cả nước là nền tảng cho những hợp tác cụ thể, thiết thực, có hiệu quả trong tương lai gần.
Khi nói đến Bình Định, du khách không chỉ nhớ đến miền đất “trời văn - đất võ”, nơi sinh ra anh hùng áo vải Quang Trung, mà còn là nơi hội tụ của những trầm tích văn hóa Chăm pa huyền bí, những làn điệu bài chòi ngọt ngào vang lên giữa chiều quê lộng gió, và một dải bờ biển hiền hòa, hoang sơ, đẹp như tranh vẽ trải dài từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, từ Eo Gió đến Kỳ Co, từ Hòn Khô đến Cù Lao Xanh.
Với hơn 130km đường bờ biển, 8 cửa biển lớn, cùng hệ sinh thái núi - biển - đầm - vịnh đa dạng, Bình Định được thiên nhiên trao tặng một nền tảng tài nguyên du lịch biển đảo đặc biệt, không thua kém bất kỳ địa phương nổi tiếng nào ở Việt Nam.
Song song đó, Bình Định còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc: từ 14 cụm tháp Chăm cổ kính mang dấu ấn vương triều Chăm pa, đến nghệ thuật Tuồng, Bài chòi, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh và nghệ thuật võ cổ truyền lừng danh đất Việt.
Không dừng lại ở giá trị văn hóa và thiên nhiên, Bình Định còn là vùng đất của khoa học và trí tuệ, với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Điều này đã tạo cho du lịch Bình Định một chiều sâu khác biệt, một định vị riêng biệt - không chỉ là điểm đến nghỉ dưỡng, khám phá, mà còn là điểm đến của tri thức, của văn hóa và giá trị nhân văn.
Những năm gần đây, Bình Định đã có bước phát triển đột phá về hạ tầng du lịch: nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển được đầu tư bài bản, sân bay Phù Cát đã được mở rộng, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phương đang được triển khai, cảng Quy Nhơn từng bước trở thành cảng du lịch quốc tế…
Những chuyển động này là nền tảng để Bình Định đón dòng khách du lịch chất lượng cao trong tương lai.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch Bình Định một cách bền vững, xứng tầm với tiềm năng và kỳ vọng, Bình Định cần có những giải pháp mang tính đột phá và dài hạn.
Trong đó, Bình Định cần định vị rõ ràng thương hiệu du lịch của mình. Không cạnh tranh bằng những thứ “đã có sẵn” hoặc giống giống ở nơi khác, mà tạo nên giá trị riêng biệt.
Bình Định có thể phát triển mạnh du lịch biển đảo và thương hiệu miền đất võ nhưng cần được phát triển thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch hoàn thiện: Du lịch võ học (trải nghiệm, biểu diễn, đào tạo), du lịch văn hóa (di sản Chăm, bài chòi, tuồng), du lịch biển đảo (nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao biển) và du lịch khoa học, giáo dục...
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chiều sâu và cảm xúc, tránh phát triển du lịch theo chiều rộng, chạy theo số lượng.
Một tour trải nghiệm võ cổ truyền kết hợp ở làng võ An Vinh - An Thái, cùng các giá trị ẩm thực bản địa, nghệ thuật dân gian, gắn với câu chuyện của người dân Bình Định, sẽ tạo nên sản phẩm du lịch “có hồn”, khiến du khách nhớ mãi.
Cần đẩy mạnh liên kết vùng vì đây chính là chìa khóa mở rộng thị trường và kéo dài chuỗi giá trị du lịch. Bình Định có thể hợp lực với Gia Lai, Kon Tum ở phía Tây để hình thành cung đường xanh đại ngàn - biển cả, hoặc với Quảng Ngãi - Phú Yên ở dọc duyên hải miền Trung để tạo ra chuỗi du lịch “di sản - biển đảo - văn hóa”.
Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các trung tâm khách lớn, doanh nghiệp du lịch ở 2 đầu Hà Nội, TP.HCM để đưa khách tới Bình Định. Hiện nay khách quốc tế đến Bình Định chỉ chiếm 10% trong tổng số khách lịch tới tỉnh, vì thế, cần có giải pháp cụ thể để thu hút khách quốc tế
Bình Định cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, không chỉ là nghiệp vụ mà cả ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kể chuyện. Du lịch văn hóa là du lịch của cảm xúc và không ai truyền cảm hứng tốt hơn chính người dân Bình Định. Nếu họ được hỗ trợ và trang bị đúng cách, mỗi người dân có thể là đại sứ du lịch của quê hương Bình Định.

Công tác truyền thông, quảng bá du lịch cũng cần chiến lược dài hơi và hiện đại. Những MV triệu view gần đây quay tại Quy Nhơn là ví dụ rõ nét cho thấy sức mạnh của truyền thông sáng tạo. Bình Định cần mạnh dạn bắt tay với các KOLs, nhà làm phim, người kể chuyện thị giác để lan tỏa hình ảnh vùng đất đến gần hơn với giới trẻ, với thị trường quốc tế.
Trong quá trình phát triển du lịch, Bình Định cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí để truyền thông chính sách, quảng bá hình ảnh điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc sắc và lan tỏa giá trị văn hóa Bình Định ra với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và cộng đồng, cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn, Bình Định hoàn toàn có thể trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch miền Trung và cả nước, trở thành một “ngôi sao mới” của bản đồ du lịch châu Á.
* Tại Hội thảo sẽ diễn ra Lễ vinh danh các công ty lữ hành có số lượng khách đoàn lớn về Bình Định; Ký kết giữa một số Hiệp hội Du lịch, Chi hội Lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành với Bình Định về liên kết phát triển sản phẩm du lịch.