Trải nghiệm du lịch trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây:

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn

TÂN BÌNH

VHO - Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây kéo dài từ Quảng Bình vào Quảng Trị, là một phần quan trọng của hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường này trở thành “sợi chỉ đỏ” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trở thành động lực phát triển kinh tế, du lịch xanh ngày hôm nay.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 1
Hành trình chinh phục màu xanh dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

Cung đường huyền thoại

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình cùng với đặc khu Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Nơi đây được xác định là mạch máu giao thông chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam… là nơi tập kết lực lượng của các đơn vị ở miền Bắc để sẵn sàng tiến quân vào giải phóng miền Nam..

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình (ngày 16.6.1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết”.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 2
Hai bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là bạt ngàn rừng cây xanh

Để kịp thời chi viện lực lượng vật chất cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến giao liên vận tải quân sự - đường Trường Sơn do Đoàn 559 thực hiện.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hệ thống đường Hồ Chí Minh bám sát vào vị thế tự nhiên để luồn lách qua mọi địa hình, tạo thành mạng lưới đa dạng. Vận tải đường bộ có 1 tuyến đường dọc và 4 tuyến đường ngang.

Trong đó, tuyến đường dọc là đường 15A (chạy song song với Quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Bình) từ Tân Đức (Tuyên Hoá) đến Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch).

Tại đây, tuyến đường này (đường Hồ Chí Minh) được chia thành 2 nhánh. Nhánh phía Tây từ Khe Gát đến dốc Dân Chủ (Làng Ho, Lệ Thuỷ) và chạy dài tới Khe Sanh (Hướng Hoá, Quảng Trị).

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 3
Bản làng bình yên dọc theo đường Trường Sơn nhánh Tây

Xuất phát từ Km số 0 ở ngã ba Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm du lịch theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Sau ngày đất nước thống nhất, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây không còn là con đường chiến lược quân sự mà dần trở thành động lực phát triển cho những bản làng ven đường.

Những vùng đất trước đây chìm trong bom đạn nay đã hồi sinh với những nếp nhà mới, những cánh đồng xanh ngút ngàn và cuộc sống ngày một sung túc hơn.

Trải nghiệm du lịch phượt

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 4
Du khách trải nghiệm thác nước tại khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – khe Nước Trong (Lệ Thuỷ)

Dọc theo cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, các địa phương vùng miền núi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị như Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Hướng Hóa, Đakrông giờ đây đã có điện, đường, trường, trạm khang trang.

Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô từng bám trụ nơi rừng sâu nay đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Đặc biệt, nhiều hộ gia đình ở bản đã được tập huấn kiến thức về làm du lịch cộng đồng. Đơn cử như 2 gia đình chị Hồ Thị Son và Hồ Thị Mĩm, đây là 2 hộ đầu tiên ở bản Rum Ho (Kim Thuỷ, Lệ Thuỷ) đầu tư, cải tạo căn nhà sàn truyền thống thành các homestay.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 5
Đồng bào Bru - Vân Kiều đã biết làm du lịch. Trong ảnh là điểm du lịch của gia đình chị Hồ Thị Son

Hai homestay này ra đời được xem là bước ngoặt lớn trong du lịch tại bản Rum Ho, giúp du khách có nơi nghỉ ngơi, an dưỡng để tìm hiểu đời sống văn hóa bản địa qua các hoạt động ca hát, ăn uống, chụp ảnh phong cảnh, trang phục địa phương.

Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giờ đây còn là cung đường trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Với tổng chiều dài khoảng 250km, cung đường này nối Khe Sanh (Quảng Trị) với Phong Nha (Quảng Bình) đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên trên con đường này.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 6
Phòng nghỉ phục vụ khách du lịch của gia đình chị Son ở bản Rum Ho

Những điểm du lịch như đỉnh U Bò, xuyên rừng nguyên sinh của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, thăm làng “du lịch xanh” Làng Mô; khám phá thiên nhiên Chà Rào, Chà Cùng (xã Trường Sơn, Quảng Ninh); khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – khe Nước Trong (Lệ Thuỷ); thác Tà Puồng, thung lũng Xa Ry, sân bay Tà Cơn, đỉnh Cu Vơ (Hướng Hoá, Quảng Trị)… trở thành những điểm check-in độc đáo của dân phượt.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều bạn trẻ, nhóm phượt thủ chọn cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để chinh phục bằng xe máy, cắm trại giữa rừng sâu hay tìm hiểu đời sống văn hóa người bản địa. Đây chính là hướng đi đầy tiềm năng, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản vùng Trường Sơn.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 7
Du khách trải nghiệm cùng làm bánh với đồng bào DTTS

Bên cạnh đó, các hoạt động trekking xuyên rừng, du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa bản địa với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cũng ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Phía tây của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà còn hấp dẫn du khách bởi các giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Hành trình chinh phục màu xanh dọc theo dãy Trường Sơn - ảnh 8
Một điểm du lịch bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ở tỉnh Quảng Trị

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn lớn của cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được xếp vào tốp những cung đường phượt bằng mô-tô tuyệt đẹp lôi cuốn du khách.

Cung đường huyền thoại năm xưa giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới, vừa lưu giữ những ký ức hào hùng, vừa mở ra những cơ hội phát triển bền vững cho người dân địa phương, trong đó có hoạt động du lịch trải nghiệm.