Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm

ĐINH AN; ảnh: PHÚ LÊ

VHO - Ngày 14.3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức chương trình “Khảo sát, liên kết hợp tác phát triển du lịch và phát động bảo vệ môi trường du lịch bền vững tại Làng cổ Đường Lâm”.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 1
Đoàn khảo sát Làng cổ Đường Lâm có sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc

Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội. 

Tham dự chương trình có 200 đại biểu, khách mời gồm đại diện Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội UNESCO Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm; các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế, hội viên Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cùng người dân Làng cổ Đường Lâm.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết để phát triển du lịch Đường Lâm

Sự kiện không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, quản lý điểm đến kết nối nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), một điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử với kiến trúc nhà cổ hàng trăm năm tuổi, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch.

Việc khảo sát và liên kết hợp tác của các doanh nghiệp du lịch sẽ góp phần định hướng sản phẩm du lịch mới, cải thiện trải nghiệm cho du khách, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa Đường Lâm với các điểm đến khác của Hà Nội, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 2
Đường Lâm như một bảo tàng sống về làng quê đồng bằng, trung du Bắc Bộ

Cần một hệ sinh thái liên kết doanh nghiệp để du lịch Đường Lâm bứt phá

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch tham gia đoàn khảo sát, để một điểm đến phát triển mạnh, cần sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú, nhà hàng và cộng đồng địa phương.

Làng cổ Đường Lâm có lợi thế lớn về giá trị văn hóa, lịch sử nhưng chưa được khai thác hiệu quả do sản phẩm du lịch còn rời rạc, thiếu tính kết nối.

Việc liên kết doanh nghiệp có thể giúp hình thành các tuyến du lịch trọn gói kết hợp giữa Đường Lâm và các điểm đến lân cận như: Thành cổ Sơn Tây, Vườn quốc gia Ba Vì, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu du lịch Ao Vua...

Các tour du lịch trải nghiệm, tìm hiểu làng nghề, thưởng thức ẩm thực truyền thống như: bánh tẻ Phú Nhi, chè lam, gà mía… sẽ hấp dẫn du khách hơn. Đồng thời, việc kết hợp công nghệ số, các ứng dụng du lịch thông minh sẽ giúp nâng cao trải nghiệm, gia tăng giá trị cho du lịch Đường Lâm.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần cam kết cùng địa phương bảo tồn giá trị văn hóa và kiến trúc nhà cổ, hỗ trợ cộng đồng làm du lịch bài bản, tránh thương mại hóa quá mức làm mất đi bản sắc vốn có của làng cổ.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 3
Làng cổ Đường Lâm có lợi thế lớn về giá trị văn hóa, lịch sử nhưng chưa được khai thác hiệu quả

Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm chung của doanh nghiệp du lịch và cộng đồng

Một điểm nhấn quan trọng của chương trình lần này là phát động bảo vệ môi trường du lịch bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa tại Đường Lâm. Sự gia tăng khách du lịch trong thời gian qua cũng kéo theo áp lực lên môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa từ chai nước, túi nilon, hộp xốp… đang ảnh hưởng đến cảnh quan làng cổ.

Các doanh nghiệp du lịch có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Khi doanh nghiệp chủ động hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, khuyến khích du khách mang theo bình nước cá nhân, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, thì dần dần thói quen này sẽ lan tỏa rộng rãi.

Sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch trong việc giảm rác thải nhựa không chỉ giúp bảo vệ cảnh quan mà còn góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Hà Nội xanh – sạch – bền vững.

Nhiều mô hình thành công ở Hội An, Huế, Sa Pa, Cô Tô… đã chứng minh rằng du khách hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa nếu có sự hướng dẫn và khuyến khích từ doanh nghiệp.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 4
Đoàn khảo sát tại làng cổ Đường Lâm

Tại sự kiện lần này, các đại biểu tham gia nhiều hoạt động với những trải nghiệm hấp dẫn như: Khảo sát đền Và - chùa Mía; lăng vua Ngô Quyền, lăng vua Phùng Hưng; tham quan, khám phá làng cổ; tìm hiểu phong tục tập quán của người dân...

Điểm nhấn của Chương trình là Lễ phát động và gắn biển tuyên truyền: “Doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường: Nói không với rác thải nhựa” tại Làng cổ Đường Lâm.

Tại đây, các đại biểu, hội viên Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã cùng người dân tham gia thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh làng cổ...

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 5
Lễ phát động và gắn biển tuyên truyền: “Doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường: Nói không với rác thải nhựa” tại Làng cổ Đường Lâm

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: “Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh rác thải và rác thải nhựa đang là một vấn nạn của thế giới. Trong đó, các hoạt động du lịch cũng là một trong những nguồn tạo ra rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi luôn khuyến khích các địa phương, điểm đến, cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhằm giảm tỷ lệ phát thải”.

“Qua sự kiện lần này, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với du khách trong quá trình trải nghiệm khám phá các điểm đến của Hà Nội nói chung và Đường Lâm nói riêng”, ông Trần Trung Hiếu nói

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 6
Sau lễ phát động, thành viên đoàn khảo sát tham gia dọn rác tại Đường Lâm

Giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường du lịch

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn cần cam kết giảm nhựa dùng một lần. Các công ty lữ hành có thể yêu cầu đối tác nhà hàng, khách sạn sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cung cấp nước uống không dùng chai nhựa.

Xây dựng các điểm du lịch xanh bằng việc địa phương và doanh nghiệp cần thiết lập khu vực thu gom rác phân loại, đặt thùng rác tái chế tại các điểm du lịch, sử dụng công nghệ số để giảm sử dụng tài liệu in ấn.

Lan tỏa ý thức đến cộng đồng và du khách qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục, vận động người dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường, hướng dẫn du khách giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 7
Rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường điểm đến và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, cộng đồng để giảm rác thải nhựa

Hà Nội hướng tới phát triển du lịch bền vững

Sự kiện lần này không chỉ giúp thúc đẩy liên kết doanh nghiệp để phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc mà còn đặt ra trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường cho ngành du lịch Hà Nội. Muốn du lịch Hà Nội phát triển bền vững, cần một chiến lược dài hạn, trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt trong việc đổi mới sản phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hà Nội: Liên kết phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tại Làng cổ Đường Lâm - ảnh 8
Đường Lâm là một điểm đến giàu tiềm năng phát triển du lịch

Việc khảo sát và liên kết hợp tác tại Đường Lâm là một bước đi cần thiết để biến di sản này thành một điểm đến hấp dẫn hơn, có khả năng đón khách thường xuyên và dài hạn, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Hà Nội.

Cùng với đó, khi doanh nghiệp lữ hành, chính quyền và cộng đồng đồng lòng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, hình ảnh du lịch Hà Nội sẽ ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện và bền vững hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc