TP Hội An, Quảng Nam:

Giữ xanh làng nghề để phát triển du lịch nông thôn

KHÁNH CHI

VHO - Với việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng triển khai 3 tuyến tham quan xanh của UBND TP Hội An tại hai làng nghề truyền thống là nghề gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà), nghề trồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), cùng với nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) đã được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội để bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh bền vững ở TP Hội An (Quảng Nam).

Giữ xanh làng nghề để phát triển du lịch nông thôn - ảnh 1
Khách quốc tế tham quan làng gốm Thanh Hà

 Theo đó, phạm vi thực hiện là vùng lõi khu Đông của điểm tham quan làng rau Trà Quế và vùng lõi của làng gốm Thanh Hà. Trong thời gian 12 tháng sẽ thực hiện các nội dung hỗ trợ, hướng dẫn thực hành du lịch xanh tại các cơ sở kinh doanh home­stay, villa, nhà hàng và điểm dạy nấu ăn, cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm, cơ sở bán nước giải khát tại các khu vực nói trên của hai làng nghề…

Mục tiêu đặt ra là 100% các cơ sở kinh doanh homestay, villa được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh (DLX) của Quảng Nam; 50% các cơ sở kinh doanh nhà hàng, điểm dạy nấu ăn tại làng rau, các cơ sở sản xuất gốm thủ công, trải nghiệm chuốt gốm thực hành du lịch xanh; triển khai hoạt động truyền thông về thực hành du lịch xanh cho khách tham quan; 5 cơ sở kinh doanh homestay, 3 doanh nghiệp lữ hành tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, 5 điểm tham quan được công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh theo Bộ tiêu chí DLX của Quảng Nam; 50% cơ sở bán hàng lưu niệm, nhà hàng tại bãi Ông, bãi Chồng, đơn vị vận chuyển khách ra đảo, nhà điều hành bến du lịch Cửa Đại, nhà đón tiếp khách tại bãi Chồng thực hành du lịch xanh…

Tuy nhiên, qua khảo sát về hiện trạng phát triển, các điểm đến trên đang gặp các khó khăn như: Thiếu hoạt động đánh giá hiện trạng du lịch xanh; việc tuyên truyền và vận động thực hành du lịch xanh chưa đạt hiệu quả cao, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi và thực hành du lịch xanh; công tác quản lý tại cơ sở dịch vụ và hoạt động du lịch tại làng gốm theo định hướng xanh chưa được thực hiện đầy đủ theo tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí DLX của Quảng Nam…

“Chính vì vậy, việc thực hiện xây dựng tuyến tham quan xanh tại Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà của TP Hội An là cần thiết nhằm thực hiện định hướng trên, đồng thời cung cấp hướng dẫn, bài học kinh nghiệm cho việc nhân rộng và thúc đẩy việc thực hành mô hình du lịch xanh đến các điểm tham quan khác trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam chia sẻ: “Thay đổi để phát triển du lịch xanh là lựa chọn tất yếu. Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã hiện thực hóa ý tưởng du lịch xanh vào thực tế sinh động, sáng tạo những tour “xanh” kết hợp bảo vệ môi trường - trồng trọt thuận tự nhiên theo mô hình tuần hoàn, trải nghiệm giá trị truyền thống; thiết kế sản phẩm du lịch nương tựa vào nền tảng nông nghiệp mang lại giá trị phục vụ từ chất liệu của nghề thủ công - văn hóa truyền thống… Những hiện hữu này đã góp phần định hình thương hiệu “điểm đến xanh”, xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa - giá trị truyền thống, nền tảng nông nghiệp thuận tự nhiên của du lịch Quảng Nam”.

Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 của tỉnh Quảng Nam cũng tập trung vào công tác bảo vệ môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn.

Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp giá trị làng nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn du lịch sinh thái… theo hướng du lịch xanh, bền vững. 

 Từ ngày 9-11.12, Bộ VHTTDL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism. Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu từ cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân. Trong khuôn khổ sự kiện, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức khảo sát điểm đến dành cho đại biểu tham dự Hội nghị, khám phá các sản phẩm du lịch nông thôn và văn hóa nổi bật của làng rau Trà Quế và làng gốm Thanh Hà.