Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch

VHO- Ngày 16.2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tổ chức hội thảo khởi động dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, thực hiện từ tháng 1.2023 đến tháng 6.2024.

Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển.  Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do RTN, trên thế giới, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến ở các cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề RTN, ngày 16.8.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch - Anh 1

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng RTN ra môi trường. Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu RTN. Đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu RTN trong ngành du lịch đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Dự án gồm 3 hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm RTN trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu RTN trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý RTN đối với doanh nghiệp du lịch. Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở VHTTDL Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai Dự án (UBND xã Gia Vân, Gia Hòa, Ninh Bình).

Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch - Anh 2

Nhiều đại biểu, doanh nghiệp chia sẻ về các mô hình, sản phẩm hạn chế rác thải nhựa

“Rác thải, trong đó có rác thải nhựa là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cơ quan, nhiều bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động và nhiều địa phương phát triển du lịch đã triển khai một số hoạt động nhằm hạn chế rác thải nhựa. Với trách nhiệm của ngành Du lịch, đối tượng hướng đến của Dự án là đối tượng kinh doanh du lịch, hoạt động lịch, họ làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch. Bởi vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành du lịch. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước. Qua việc triển khai dự án, các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm RTN trong du lịch được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu RTN. Áp dụng triển khai thí điểm các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN  tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước; “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN” được xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành…”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc