Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống

VHO - Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển- đảo”. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang xây dựng Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 đối với khu đô thị, dịch vụ đông nam Dung Quất và khu đô thị Lý Sơn nhằm đưa huyện đảo Lý Sơn thành đô thị du lịch biển năng động, hấp dẫn và đáng sống.

Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống - Anh 1

Xây dựng Quy hoạch với mục tiêu đưa huyện đảo Lý Sơn thành đô thị du lịch biển năng động, hấp dẫn và đáng sống

Phát triển du lịch Lý Sơn bền vững

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW; đề cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc xác định nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh

Định hướng phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhiều năm qua huyện đảo Lý Sơn được đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ kinh tế biển quy mô lớn gồm cảng giao thông, cảng cá, vũng neo đậu tàu thuyền, kè chống sạt lở, đưa điện lưới quốc gia ra đảo…

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tập trung bố trí vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng huyện đảo. Từ năm 2015 đến nay, 11 công trình lớn và đang triển khai thực hiện với tổng vốn hơn 1.457 tỷ đồng; chuyển tiếp kế hoạch đầu tư công đến năm 2025 gần 632 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai mới 7 dự án lớn có tính kết nối, tác động lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trên huyện Lý Sơn.

Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là đô thị ven biển, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là nền tảng để huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh mẽ.

Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống - Anh 2

Phát triển du lịch Lý Sơn theo đúng định hướng, nguyên tắc phát triển bền vững

Ngày 14.11.2022, UBND huyện Lý Sơn cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Với quan điểm chính là phát triển du lịch huyện Lý Sơn từng bước trở thành mũi nhọn của huyện, hạt nhân của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Phát triển du lịch Lý Sơn theo đúng định hướng, nguyên tắc phát triển bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, đặc sắc, mang nét đặc trưng riêng của Lý Sơn và có khả năng cạnh tranh cao. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn  hoá của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mục tiêu là phát triển du lịch Lý Sơn thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của huyện; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hướng đến hình thành khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 Lý Sơn trở thành Khu du lịch quốc gia.

Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống - Anh 3

Phát triển du lịch Lý Sơn từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Lý Sơn đặt mục tiêu đón 300-320 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 6-7 nghìn lượt khách quốc tế; tổng số buồng phòng đạt 1.200 phòng; tổng doanh thu du lịch đạt từ 700- 750 tỉ đồng vào năm 2025.

Đến năm 2030 đón 400- 450 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 10- 15 nghìn  lượt khách quốc tế; tổng số buồng phòng đạt 1.700 phòng; tổng doanh thu du lịch đạt từ 1.000- 1.200 tỉ đồng.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế huyện đảo đạt 2.100 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, nông- ngư nghiệp chiếm 46,18%, thương mại dịch vụ chiếm 46,08%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/ năm.

Du lịch, thương mại- dịch vụ tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại đảo còn 8,7%. Tỉ trọng ngành du lịch huyện đảo chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Vì vậy, kinh tế du lịch được xác định là ngành mũi nhọn của huyện trong giai đoạn mới.

Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống - Anh 4

Lý Sơn đặt mục tiêu đón 300-320 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 6-7 nghìn lượt khách quốc tế vào năm 2025

Tầm nhìn phát triển đảo Lý Sơn thành một thành phố du lịch quốc tế

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu để đạt được các mục tiêu trên là công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ. Trong đó, ở đảo Lớn Lý Sơn, xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đảo Lý Sơn trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2.000 huyện Lý Sơn và Quy hoạch phát triển đô thị Lý Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 vào chung Quy hoạch khu kinh tế Dung Quất.

Chiều 25.9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến về ý tưởng Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 đối với khu đô thị, dịch vụ đông nam Dung Quất và khu đô thị Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn có tổng diện tích 1.523ha, trong đó đất liền hơn 1.000 ha. Trong quá trình lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị Lý Sơn, đơn vị vấn đã cụ thể hóa các định hướng của điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng huyện đảo Lý Sơn phù hợp chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là xây dựng huyện đảo Lý Sơn thành đô thị du lịch biển năng động, hấp dẫn và đáng sống với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật- xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; xứng đáng với vị thế của một trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, vùng và của quốc gia; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh- quốc phòng.

Xây dựng mới kết hợp cải tạo các khu hiện hữu để hình thành khu đô thị hiện đại, đồng bộ, tiện nghi, cảnh quan đô thị đẹp; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị.

Đưa Lý Sơn thành đô thị du lịch biển đáng sống - Anh 5

Quy hoạch xác định toàn đảo chia thành 7 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển

Xác định chức năng sử dụng đất kèm theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể cho từng ô đất, đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất, quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định hiện hành có liên quan.

Với tầm nhìn phát triển đảo Lý Sơn thành một thành phố du lịch quốc tế xanh- sạch- đẳng cấp; phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị cốt lõi mang tính độc- lạ- hiếm, về văn hóa- khám phá- thiên nhiên- nghỉ dưỡng, đơn vị tư vấn đưa ra các định hướng phát triển về không gian và sử dụng đất; thiết kế đô thị; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; giải pháp bảo vệ môi trường; phân kỳ đầu tư và các dự án ưu tiên đầu tư...

Đối với định hướng phát triển về không gian và sử dụng đất, trên cơ sở hình thái, cấu trúc và định hướng phát triển không gian tổng thế phù hợp với yêu cầu phát triển mới, quy hoạch xác định toàn đảo chia thành 7 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển, gồm: phân khu sân bay Lý Sơn và cơ sở hạ tầng; phân khu đô thị dịch vụ phía đông, phía tây và phía bắc; phân khu đô thị dịch vụ trung tâm; phân khu nêm xanh đa chức năng; phân khu đảo nhỏ.

Theo Chủ tịch Đặng Văn Minh, quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 đối với khu đô thị, dịch vụ đông nam Dung Quất cực kỳ quan trọng, sẽ làm thay đổi toàn bộ hiện trạng cũng như thay đổi bức tranh về phát triển đô thị, dịch vụ của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Do vậy, khi lập phân khu này phải gắn với với quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị Lý Sơn.

BẢO NGÂN - BẢO AN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc