Du lịch tầm thấp mở ra hành trình khám phá mới ở Tây Bắc Trung Quốc
VHO - Thay vì chinh phục những bậc đá dựng đứng, du khách giờ đây có thể “ngắm nhìn lịch sử từ trên trời”, đó là cách mà du lịch tầm thấp đang viết lại trải nghiệm khám phá các di sản văn hóa tại Tây Bắc Trung Quốc.

Từ eVTOL, trực thăng cho đến khinh khí cầu và ô tô bay, công nghệ đang mở đường cho một mô hình du lịch không gian thấp, nơi quá khứ gặp gỡ tương lai.
Khám phá Maiji từ độ cao 300m: Tương lai gặp gỡ 1.600 năm lịch sử
Hang động núi Maiji, một báu vật Phật giáo được chạm khắc trên vách đá cao chót vót ở tỉnh Cam Túc, giờ đây không chỉ được tiếp cận bằng đôi chân và lòng kiên trì.
Từ tháng 3.2025, Ban quản lý Danh lam thắng cảnh đã triển khai dịch vụ bay eVTOL - loại máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng, đưa du khách bay ở độ cao 300 mét, phóng tầm nhìn toàn cảnh xuống di sản 1.600 năm tuổi.
“Đó sẽ là cách chúng ta di chuyển trong thế kỷ 21”, một người dùng bình luận trên WeChat, hàm ý rằng việc kết hợp công nghệ và di sản là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên mới.
Không đơn thuần là một dịch vụ tham quan, eVTOL tại Maiji còn gợi mở cách thức mới để tiếp cận các giá trị văn hóa cổ xưa mà không làm tổn thương đến địa hình hay phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
Du lịch tầm thấp: Cánh cửa mới cho Tây bắc Trung Quốc
Ngày Du lịch Quốc gia 19.5 năm nay chứng kiến sự quan tâm đặc biệt đến “kinh tế vùng thấp” - một chiến lược phát triển mới được nhấn mạnh trong Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc 2024. Trong đó thúc đẩy các ngành liên quan đến không gian bay dưới 1.000m như: Hàng không du lịch, vận tải, nghiên cứu và giải trí.
Tây bắc Trung Quốc với cảnh quan núi non trùng điệp, ánh sáng rực rỡ quanh năm và mật độ dân cư thấp được xem là “mảnh đất vàng” để triển khai mô hình du lịch hàng không.
Không giống với miền Đông và miền Nam thường xuyên mưa mù, các tỉnh như: Cam Túc, Tân Cương, Thanh Hải… có tới hơn 320 ngày thời tiết tốt cho bay mỗi năm.
Ví dụ, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương - vùng lãnh thổ rộng gần 1,8 triệu km² đang hướng tới mục tiêu xây dựng 98 sân bay hàng không chung vào năm 2035. Tính trung bình, mỗi 100.000 km² sẽ có gần 6 sân bay, một mật độ cao ấn tượng trong lĩnh vực bay dân dụng.

Du lịch bằng mắt và trái tim
“Bay qua Danxia, trên những rặng núi nhiều màu sắc của các tầng địa chất bị phong hóa khiến tôi có cảm giác như thể tôi có thể với tay ra và chạm vào những sắc màu rực rỡ bằng đầu ngón tay của mình”, du khách Wang Jiao chia sẻ sau hành trình trên trực thăng ở Danxia Zhangye (Cam Túc) - nơi địa hình đá sa thạch đỏ tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ hiếm thấy trên thế giới.
Tại Tân Cương, trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động, du khách Deng Lili chọn trải nghiệm một chuyến bay trực thăng 25 phút từ Shihezi, bay qua dãy Tianshan hùng vĩ và Grand Canyon sông Manas. “Tuyệt đẹp. Ngắm nhìn những dòng sông màu ngọc lục bảo và những tảng đá đỏ quanh co từ trên cao thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời”, cô chia sẻ đầy phấn khích.
Các địa phương khác cũng nhanh chóng triển khai các dịch vụ tương tự, như tour bay dọc sông Hoàng Hà và các hồ chứa nước tại Cam Túc hay khinh khí cầu cho du khách ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên.
Từ du lịch ngách thành động lực tăng trưởng
Theo các cơ quan du lịch địa phương, loại hình “du lịch hàng không” đã thoát khỏi khuôn khổ của một trải nghiệm ngách và đang trở thành xu hướng phổ biến. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu trải nghiệm ngày càng cá nhân hóa, mà còn là kết quả của chiến lược phát triển đồng bộ giữa hạ tầng, công nghệ và truyền thông.
Dữ liệu từ nền tảng Xiaohongshu - mạng xã hội chia sẻ phong cách sống cho thấy hơn 820.000 lượt xem liên quan đến chủ đề chụp ảnh bằng drone tại Tân Cương. Nhiều người dùng chia sẻ cách lựa chọn địa điểm, thời điểm ánh sáng và mẹo kỹ thuật để có những thước phim như điện ảnh.
Một số điểm danh thắng đã cung cấp dịch vụ drone dùng chung, đồng thời tổ chức khóa đào tạo cho phi công drone có chứng chỉ. Việc dân chủ hóa công nghệ bay cũng đồng nghĩa với việc mở rộng khả năng tham gia của cộng đồng địa phương và du khách.
Du lịch tầm thấp và tầm nhìn xa
Đằng sau những chuyến bay lãng mạn là tầm nhìn chiến lược về phát triển “kinh tế tầng thấp”. Các loại phương tiện bay mới như ô tô bay Xpeng - được mệnh danh là “tàu sân bay mặt đất” hay eVTOL tự hành EH216-S do EHang phát triển đang được thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt tại Tân Cương và Thanh Hải.
“Trung Quốc có chuỗi cung ứng và hệ thống cực kỳ toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, điều này lý giải cho sự phong phú của các loại xe bay tầm thấp”, chuyên gia Wei Xiang từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc phân tích.
Theo ông, khả năng tích hợp giữa công nghệ, sản xuất và thị trường tiêu dùng là thế mạnh đặc biệt mà ít quốc gia nào sánh được.
Tuy nhiên, Wei cũng nhấn mạnh: “Để phát triển lĩnh vực này tốt hơn, cần đơn giản hóa các quy định không phận, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực chất lượng cao”.
Khi bầu trời trở thành bảo tàng mở
Du lịch tầm thấp tại Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng như: Tân Cương, Cam Túc không chỉ mở rộng cách tiếp cận di sản văn hóa và thiên nhiên, mà còn minh chứng cho một xu hướng phát triển mới: Công nghệ không phá vỡ giá trị truyền thống mà nâng tầm trải nghiệm của con người.
Hành trình “về phương Tây” không còn là biểu tượng của sự gian nan leo núi, mà đã trở thành một cuộc viễn du trên không, nơi người ta không chỉ nhìn thấy mà còn thấu cảm chiều sâu của lịch sử từ một góc độ hoàn toàn mới.