Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 2): Hiện đại hóa để phục vụ du lịch
VHO- Trao đổi với Văn Hóa về xu hướng hiện đại hóa ngành đường sắt trên thế giới, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty Du lịch TSTtourist chia sẻ, nhắc đến châu Âu, du khách sẽ nghĩ đến những lâu đài, quảng trường trung tâm, những công trình kiến trúc - lịch sử cổ xưa và kết nối châu Âu ngoài phương tiện hàng không, tàu hỏa là loại hình được nhiều du khách lựa chọn bởi sự tiện ích và những thú vị khi nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường liên tục thay đổi như bức tranh.
Hiện đại hóa ngành đường sắt để góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực cùng phát triển song hành Ảnh: ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Xu hướng chung của thế giới
Theo ông Mẫn, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy, cải thiện mạng lưới đường sắt của Khối nhằm đạt mục tiêu giảm khí thải, giảm tải cho đường bộ và hàng không. Với mục tiêu giảm 90% khí thải của ngành giao thông vận tải, Ủy ban châu Âu đã thông qua nhiều đề xuất nhằm cải thiện, hiện đại hóa hệ thống giao thông của khu vực, trong đó có việc thúc đẩy ngành đường sắt, khuyến khích người dân chuyển đổi từ đường bộ hoặc hàng không sang đi tàu cao tốc. Không riêng gì châu Âu, sự hiện đại hóa ngành đường sắt thế giới có thể nhận thấy rõ ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào… Theo xu hướng đó, Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư để theo kịp xu hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
“Hiện nay hệ thống giao thông Việt Nam khá đa dạng bao gồm vận tải đường thủy, xe lửa (tàu hỏa), đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, ngành lữ hành du lịch sử dụng phổ biến hiện nay vẫn là xe ô tô, hàng không, sau đó mới đến tàu hỏa. Bởi nhiều lý do, bao gồm sự tiện dụng, linh hoạt, tính sẵn sàng, đặc biệt là giá thành dịch vụ khi đưa vào xây dựng sản phẩm du lịch. Đối với những cung đường gần, xe ô tô là chủ yếu, với khoảng cách xa như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội thì hàng không là lựa chọn ưu tiên để tiết kiệm thời gian cho du khách, tăng thời lượng tham quan. Tuyến tàu hỏa chủ yếu phổ biến đối với các hành trình từ TP.HCM đến khu vực miền Trung”, ông Mẫn phân tích.
Với nhu cầu ngày càng đa dạng, khi chi phí hàng không không ngừng tăng cao, các tuyến cao tốc ngày càng thuận lợi. Vì vậy, cần thiết phải hiện đại hóa hệ thống giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến cao tốc đường sắt Bắc - Nam để theo kịp xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải ra môi trường, gia tăng năng lực phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đây cũng là sự mong chờ của ngành lữ hành khi tuyến đường sắt chất lượng cao, tốc độ nhanh ra đời sẽ đáp ứng được bài toán giá thành và da dạng sản phẩm du lịch hơn, ông Mẫn cho biết.
Tại cuộc họp về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ ra rằng, hiện nay ngành đường sắt đang đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức khi thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm trong khi vận tải đường bộ, hàng không ngày càng phát triển. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đổi mới tư duy, linh hoạt chuyển đổi, nghiên cứu, xây dựng phương án kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế vận tải hàng hóa bằng đường sắt để kịp thời hỗ trợ cho các phương thức vận tải khác.
Từ những thực trạng trên, hệ thống đường sắt Việt Nam cần có những đầu tư lớn, nâng cấp hiện đại theo xu hướng ưu tiên tốc độ, góp phần giảm phát thải ra môi trường, nâng tính cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung nhằm đáp nhu cầu đa dạng của du khách trong đi lại, du lịch và vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực cùng phát triển song hành.
Du khách trên tuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng Ảnh: ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Cần chuyển đổi số, giảm tối đa chi phí
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ thông tin BenThanh Tourist nhìn nhận, du lịch đường sắt đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế hiện nay thì loại hình du lịch này chưa được du khách quan tâm nhiều. Loại hình du lịch đường sắt có một hạn chế cơ bản là thời gian quá dài. Những tuyến du lịch đường sắt đang được du khách ưa chuộng và lựa chọn như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Phú Yên, chất lượng dịch vụ hiện chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nhưng vẫn thiếu sự đa dạng, chi phí vận chuyển cao.
Liên quan đến việc phục vụ khách du lịch thông qua tuyến đường sắt, ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, Giám đốc Khách sạn Ariyana Nha Trang thông tin, Nha Trang - Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước, hằng năm đón một lượng khách rất lớn trong nước và quốc tế đến đây. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khách đến Nha Trang - Khánh Hòa chủ yếu thông qua các đường hàng không, tàu biển (tàu du lịch biển) và đường bộ là chủ yếu (xe khách), riêng tàu hỏa thì du khách thường ít lựa chọn. Ông Hoàng cho rằng, hiện nay, du khách có nhu cầu đi du lịch bằng đường sắt để được thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm mới về không gian thiên nhiên cũng như khám phá các vùng đất văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng một tuyến đường sắt hiện đại sẽ góp một phần rất lớn vào việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, để phục vụ du khách đi lại thuận lợi, vừa được tham quan, vừa trải nghiệm các sản phẩm du lịch, khám phá các vùng đất, địa danh văn hóa, danh lam thắng cảnh của cả nước thì việc xây dựng một tuyến đường sắt hiện đại, thông suốt là rất cần thiết. Bởi ngoài ưu thế phục vụ một lượng hành khách rất lớn, đường sắt cũng giúp cho du khách có sự trải nghiệm mới về dịch vụ này. “Không chỉ tuyến đường sắt Bắc - Nam cần xây dựng hiện đại, mà nếu chúng ta khôi phục được tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang- Tháp Chàm đến Đà Lạt thì chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách trải nghiệm qua tuyến đường này”, ông Phạm Minh Nhựt nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sự kiện và Du lịch Kết Nối Mới (NECOTOUR), đường sắt vẫn có khả năng thu hút lượng khách cao nếu tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường sắt, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, sửa chữa hoặc đóng mới các toa tàu để đảm bảo an toàn, bố trí các trang thiết bị tiện nghi bên trong toa tàu để tạo cho du khách cảm giác an toàn, thoải mái. Bên cạnh đó, cần thiết phải thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa trong công tác vận hành, giảm thiểu tối đa chi phí. “Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ ngoại hình đến chuyên môn phục vụ trong ngành đường sắt… Bởi đây cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng phục vụ của ngành đường sắt. Đồng thời thường xuyên liên kết, hợp tác với các hãng lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài nước, các điểm đến hấp dẫn trong nước, tiến đến mở định kỳ những chuyến tàu dạng Charter (thuê chuyến). Đặc biệt, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích, tạo sự phát triển đột phá của ngành đường sắt trong thời gian tới”, ông Tài nói.
Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ ngoại hình đến chuyên môn phục vụ trong ngành đường sắt… Bởi đây cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng phục vụ của ngành đường sắt. Đồng thời thường xuyên liên kết, hợp tác với các hãng lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài nước, các điểm đến hấp dẫn trong nước, tiến đến mở định kỳ những chuyến tàu dạng Charter (thuê chuyến). (Ông NGUYỄN VĂN TÀI, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sự kiện và Du lịch Kết Nối Mới) |
HẢI - HÀ - HƯỚNG
(Còn nữa)