Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng:
Du khách nước ngoài tố bị cản trở sau khi nhập cảnh
VHO - Chiều ngày 28.2, nhiều du khách (quốc tịch Trung Quốc) phản ánh tới Báo Văn Hoá vì bị cản trở sau khi nhập cảnh du lịch tại Đà Nẵng. Đây là nhóm du khách đến Đà Nẵng theo đường tàu biển, cập cảng Tiên Sa lúc 8h00 sáng 28.2.
Theo phản ánh của du khách cho biết, hải trình tour du lịch của tàu Adora Cruise do hãng tàu Adora Mediterranea (Trung Quốc) quản lý, tổ chức, khởi hành từ Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 26.2 và cập cảng Tiên Sa ngày 28.
Trong đó, thời gian du lịch tại Đà Nẵng từ 8h sáng đến 18h ngày 28.2 là kết thúc và quay lại Quảng Châu.


Chương trình du lịch này du khách sẽ trải nghiệm trọn vẹn trên tàu. Nếu du khách có nhu cầu tham quan trong ngày tại Đà Nẵng sẽ làm thủ tục visa ngay trên tàu trước khi tới Đà Nẵng (mức phí khoảng 15 USD/du khách).
Khi du khách được cấp visa đủ điều kiện nhập cảnh, hãng tàu sẽ cấp thêm thẻ lên bờ cho du khách để tham quan trải nghiệm theo tour do hãng tàu phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng tổ chức hoặc tự do tham quan đến thời gian quay về tàu theo quy định là 18h cùng ngày.
Hàng trăm du khách đứng chờ tại cảng Tiên Sa sáng ngày 28.2
Du khách Wen Zhao Bin (số hộ chiếu EN2584549) bức xúc cho biết, toàn bộ chương trình tour du lịch này chỉ có Đà Nẵng là điểm đến duy nhất du khách được vào đất liền tham quan du lịch.
Theo như quảng cáo trước lúc mua tour từ Quảng Châu, đây là điểm đến có nhiều danh thắng đẹp và nổi tiếng của Việt Nam, để có thể du lịch tham quan trong ngày, phù hợp với khoảng thời gian 10 tiếng theo quy định.

Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, mặc dù cả đoàn đã có đủ giấy tờ để được nhập cảnh và khám phá Đà Nẵng nhưng lại bị lực lượng chức năng địa phương ngăn cản.
Để được đi ra khỏi cảng và tham quan tại đây, chúng tôi được một nhóm người mời chào phải mua tour sẵn của một công ty lữ hành tại địa phương với giá 349 nhân dân tệ (tương đương 1,3 triệu đồng) cho 1 tour tham quan quanh thành phố thì mới được ra khỏi cảng.
Du khách Wen Zhao Bin bức xúc chia sẻ về trải nghiệm tại cảng Tiên Sa
Lịch trình tour này bao gồm: cảng Tiên Sa – chùa Linh Ứng (Sơn Trà) – bãi biển Mỹ Khê - cầu tình yêu – công viên APEC và quay lại cảng, trong đó có 1 bữa ăn trưa.
Sau 4 tiếng làm đàm phán với hãng tàu cùng lực lượng chức năng của cảng bất thành, chúng tôi vẫn không được phép đi tham quan, buộc phải mua tour trên để di chuyển khỏi cảng, tham quan tại Đà Nẵng theo chương trình du lịch không mong muốn.
Với lịch trình tour như vậy là quá đắt so với thực tế nên nhiều du khách không chấp nhận mua tour. Đối với những du khách không đi theo chương trình này, mặc dù được nhập cảnh hợp pháp nhưng lại không được phép di chuyển ra khỏi khu vực bến tàu, buộc phải quay lại tàu.
Nhóm du khách này, không được hãng tàu chuẩn bị đồ ăn trưa, do trong lịch trình đây là bữa ăn tự do tại Đà Nẵng và phải nhịn đói đến 20h tối cùng ngày.
“Chỉ có 10 tiếng tham quan tại Đà Nẵng, chúng tôi đã phải mất gần 5 tiếng cho việc làm thủ tục để được du lịch tại đây, trong khi các giấy tờ liên quan theo quy định đã có đủ và phải đi theo chương trình không mong muốn. Đây là một trải nghiệm rất tệ cho một điểm nhấn của cả tour du lịch”, du khách Wen Zhao Bin bức xúc cho biết.


Du khách Lo Keisoeng (77 tuổi, số Hộ chiếu MA0371146) cho biết, gia đình bà đã đi du lịch Đà Nẵng vài lần trước đó bằng đường hàng không nhưng vẫn chưa được đi chơi tại khu du lịch Bà Nà Hill. Nên lần quay trở lại này, gia đình bà mong muốn sẽ được đi chơi tại đây.
Tuy nhiên, phía công ty lữ hành tại Đà Nẵng không có chương trình này, gia đình bà đã liên hệ với một công ty lữ hành khác. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh mới được biết không được phép cho ra khỏi cảng và không thể đi theo chương trình cả gia đình dự định trước đó.
“Gia đình tôi đã phải quay lại tàu với tâm trạng rất bức xúc và không biết chi phí đã làm visa nhập cảnh có được hoàn trả lại hay không?”, bà Lo Keisoeng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hoá, đại diện một hãng lữ hành tại Đà Nẵng cho biết, hãng tàu Adora Mediterranea tổ chức chương trình tour Quảng Châu – Tiên Sa (hoặc cảng Chân Mây, TP. Huế) - Quảng Châu với hải trình 5 ngày 4 đêm. Chương trình tour đầu tiên được tổ chức từ ngày 22.12.2024, cập cảng Tiên Sa ngày 24.12.2024. Từ đó đến nay, hãng tàu này đã tổ chức được 10 chuyến tàu với khoảng 20 nghìn du khách Trung Quốc.
Du khách khi cập cảng tại Tiên Sa hoặc Chân Mây, sẽ lên bờ đi tham quan Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc Huế theo chương trình tour có sẵn do các đơn vị lữ hành bán trên tàu hoặc tại cảng. Ngoài ra, du khách cũng có thể tự do tham quan và trải nghiệm ẩm thực địa phương trong khoảng thời gian 10 tiếng trên đất liền.
Đối với những chuyến tàu trước, du khách sau khi nhập cảnh sẽ lên xe theo chương trình đã mua trên tàu hoặc tự do ra khỏi cảng theo nhu cầu riêng. Tuy nhiên, chuyến tàu ngày 28.2, du khách không mua tour sẵn có thì không được phép ra khỏi cảng để liên hệ với các chương trình tour khác theo nhu cầu là hết sức vô lí.
Với mức giá tour cảng Tiên Sa – chùa Linh Ứng (Sơn Trà) – bãi biển Mỹ Khê - cầu tình yêu – công viên APEC và quay lại cảng cùng 1 bữa ăn trưa hiện nay được rất nhiều hãng lữ hành tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận chào bán chỉ khoảng 600 nghìn đồng, nhưng du khách phải bỏ ra số tiền 1,3 triệu đồng và không có lựa chọn khác.
“Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh du lịch đối với du khách Trung Quốc, được xác định là thị trường lớn, quan trọng của Đà Nẵng. Đồng thời sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh du lịch chung”, vị giám đốc lữ hành này đánh giá.
Báo Văn Hoá sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.
Theo thông tin trước đó từ Sở Du lịch Đà Nẵng, tàu Adora Cruise là thương hiệu tàu biển lớn nhất của Trung Quốc, đang sở hữu tàu có sức chứa 5.600 khách tương đương với các hãng tàu lớn trên thế giới hiện nay như Costa, Royal Caribean…
Năm 2024, Đà Nẵng đón 35 chuyến tàu với 42.500 khách, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2023. Theo dự báo, số lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường biển năm 2025 có sự tăng trưởng mạnh, Cảng Tiên Sa dự kiến đón 76 chuyến tàu (tăng 41 chuyến so với năm 2024) và lượng khách ước đạt hơn 70.000 lượt, dự kiến tăng 64% so với năm 2024.