Đoàn công tác Bộ VHTTDL thăm làng gốm Chăm Bàu Trúc
VHO - Trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL vừa có buổi tham quan và làm việc với các nghệ nhân làng gốm Chăm Bàu Trúc và Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước).
Đoàn công tác tham quan và trải nghiệm tại làng gốm Chăm Bàu Trúc
Tại đây, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã đến làng gốm Chăm Bàu Trúc tham quan, trao đổi với các nghệ nhân về nghệ thuật làm gốm và các hoạt động văn hóa nhằm thu hút khách du lịch đến đây.
Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), cho biết: Hiện nay làng gốm Chăm Bàu Trúc có gần 600 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu. Trong khu phố, hầu như 100% gia đình dân tộc Chăm đều có người biết làm gốm và có trên 50% hộ gia đình thường xuyên làm gốm truyền thống. Trong Làng cũng có hàng trăm nghệ nhân gốm có tay nghề cao.
Theo ông Quyết, vào những năm 1980 gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của không những dân tộc Chăm mà còn nhiều dân tộc khác ở khắp các địa phương trên cả nước như: Lu, chum, vại, lò, ấm, nồi…Ngày nay, gốm Bàu Trúc đã phát triển thêm nhiều dòng gốm mỹ nghệ được chế tác phong phú hơn phục vụ chủ yếu cho đời sống thẩm mỹ mang đậm nét văn hóa Chăm và đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Nghệ thuật làm gốm Chăm Bàu Trúc độc đáo "làm bằng tay, xoay bằng mông"
Các sản phẩm gốm như: Đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm làm từ gốm Bàu Trúc đã xuất hiện tại các điểm du lịch, khách sạn, Resort nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Tại làng gốm Chăm Bàu Trúc đã và đang thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con. Thông qua việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và đưa vào hoạt động các tổ, đội phục vụ văn hóa văn nghệ, ẩm thực nói chung nhằm phục vụ du khách tham quan.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đề nghị: Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL cần tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào các dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận được tham gia một số sự kiện lớn tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Bộ VHTTDL cần quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong đó có làng gốm Chăm Bàu Trúc; hàng năm tạo điều kiện để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục huy động nghệ nhân các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhất là đồng bào DTTS chưa có dịp tham gia các hoạt động.
Các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc
Tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư các công trình mang nét đặc thù của từng dân tộc, các thiết chế văn hóa nhằm phù hợp với đời sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc khi tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho nhóm bà con dân tộc thiểu số phát triển nghề gốm tại địa phương.
XUÂN HƯỚNG