Điện ảnh, cú hích phát triển du lịch (Bài cuối): Đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết giữa điện ảnh với du lịch
VHO- Khẳng định hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu du lịch qua điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, cùng với tiềm năng dồi dào về cảnh đẹp, danh thắng, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, như cơ sở vật chất hiện đại, các chính sách ưu đãi, phù hợp với đặc thù của các dự án phim.
Nhiều bộ phim nổi tiếng của Việt Nam đã chọn những cảnh đẹp ở TP Nha Trang để làm bối cảnh phim Ảnh: SODAPHAM
“Nhưng cũng phải thấy rằng, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Văn Hóa xung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về sự kết nối giữa điện ảnh và du lịch Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt ở góc độ nhìn gắn với phát triển công nghiệp văn hóa?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Chúng ta đã nhìn thấy hiệu ứng từ một số bộ phim tạo nên những điểm đến có sức hút khó cưỡng. Nhiều du khách lựa chọn tour đến với bối cảnh trong các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chuyện của Pao, Kong - Skull Island (Đảo đầu lâu), Mắt biếc, hay gần đây nhất là Hành trình tình yêu của một du khách, bộ phim Mỹ đầu tiên quay hoàn toàn tại Việt Nam.
Nhưng cũng phải thấy rằng, sự gắn kết giữa điện ảnh và du lịch thời gian qua vẫn chỉ là sự ngẫu nhiên. Những cái “bắt tay” thật chặt và hiệu quả đến nay vẫn chưa có. Điện ảnh là ngành nghệ thuật mũi nhọn trong các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cũng đã có những bộ phim xô đổ các kỷ lục về doanh thu, gần đây là Bố già, doanh thu trên 400 tỉ đồng, Nhà Bà Nữ thu được 500 tỉ đồng. Điện ảnh cũng là môn nghệ thuật có khả năng tiếp cận quốc tế một cách mạnh mẽ để tìm tiếng nói chung giữa các vùng đất; sử dụng công nghệ nên rất thích hợp trong quảng bá du lịch, đưa khung cảnh ngoài đời vào lăng kính điện ảnh. Kinh phí quảng bá qua điện ảnh cũng thấp hơn nhiều so với các hoạt động xúc tiến quảng bá. Với những bộ phim thành công, độ phủ sóng của bối cảnh trong phim lại càng rộng lớn hơn. Nắm bắt được thế mạnh đặc thù này, điện ảnh và du lịch Việt Nam sẽ có sự đồng hành hiệu quả hơn.
Nhiều nền điện ảnh đã tạo nên những điểm du lịch hút khách nhờ bối cảnh trong các bộ phim. Việt Nam cũng đã có những điểm đến tạo sức hút, nhưng còn manh nha. Có thể lý giải thực tế này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy phim ảnh và âm nhạc là con đường để “tiếp thị” hình ảnh đất nước, con người nhanh nhất, hiệu quả nhất. Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp… đều sử dụng phương pháp này. Điển hình như Hàn Quốc, các trào lưu thịnh hành KPop, thời trang, du lịch... đều xuất phát từ điện ảnh, hướng tới việc đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá giá trị thương hiệu của xứ sở kim chi.
Quay trở lại Việt Nam, dù chúng ta sở hữu kho tài sản khổng lồ về bối cảnh phim nhưng vì sao điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thực sự “làm giàu” được từ khối tài sản này, vẫn là điều còn trăn trở. Việc quảng bá cảnh đẹp, danh thắng Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia chưa đầy đủ, chưa có kết quả như mong muốn. Chúng ta cần có nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Đó là cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi như hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim vay vốn với lãi suất thấp… Từ kinh nghiệm của thế giới cùng với những thành công bước đầu của điện ảnh trong nước, Bộ VHTTDL thấy rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gắn kết thương hiệu điện ảnh Việt Nam với du lịch.
Chúng ta sở hữu kho tài sản khổng lồ về bối cảnh phim nhưng vì sao điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thực sự “làm giàu” từ khối tài sản này, vẫn là điều còn trăn trở. Việc quảng bá cảnh đẹp, danh thắng Việt Nam ra ngoài biên giới quốc gia chưa đầy đủ, chưa có kết quả như mong muốn. Vì thế, chúng ta cần có nhiều hơn về cơ chế, chính sách nhằm tạo sức hút với các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Đó là cơ sở vật chất hiện đại, chính sách ưu đãi như hỗ trợ địa điểm, lưu trú, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, ưu đãi các đoàn làm phim vay vốn với lãi suất thấp… Từ kinh nghiệm của thế giới cùng với những thành công bước đầu của điện ảnh trong nước, Bộ VHTTDL thấy rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gắn kết thương hiệu điện ảnh Việt Nam với du lịch. (Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG) |
Định hướng này được thể hiện trong Luật Điện ảnh năm 2022 như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Luật Điện ảnh mới đã tạo điều kiện thu hút các đoàn làm phim đến khai thác các bối cảnh, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính xin cấp phép bối cảnh quay tại Việt Nam đến phê duyệt kịch bản. Với các đoàn làm phim nước ngoài, chúng ta chỉ phê duyệt những nội dung cảnh quay tại Việt Nam. Trong các Hội đồng thẩm định về điện ảnh nhiệm kỳ 2023-2025 vừa ra mắt, chúng ta có một Hội đồng chuyên thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Đây là Hội đồng nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng thêm sức hút với các đoàn phim trong và ngoài nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chờ các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam thì cần đẩy mạnh hơn việc thu hút chính các đoàn phim trong nước, với những chính sách thuận lợi hơn. Thứ trưởng có quan điểm như thế nào?
- Dù là đoàn phim ở nước ngoài hay trong nước thì chúng ta đều cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy, tạo sức hút. Tôi cho rằng, để không lãng phí tiềm năng, một mặt cần tăng cường các giải pháp quảng bá để thu hút các đoàn làm phim quốc tế, mặt khác, ngay ở trong nước, chúng ta cũng có rất nhiều nhà làm phim, các đạo diễn tài năng cần được tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng cho ra đời nhiều hơn những bộ phim thu hút người xem. Trung tuần tháng 6 tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch - điện ảnh Việt Nam trong quá trình phát triển. Các chính sách thuận lợi cho các đoàn làm phim cũng là một nội dung quan trọng tại chuỗi sự kiện này.
Những kỳ vọng đặt ra tại Diễn đàn lần này là gì, thưa Thứ trưởng?
- Đây là sự kiện đầu tiên để khẳng định tầm quan trọng và hiệu quả kết nối giữa điện ảnh và du lịch, hướng đến sự phát triển bền vững. Các nhà điện ảnh trong nước và quốc tế sẽ cùng đánh giá lại thế mạnh của môn nghệ thuật thứ bảy trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ thu hút khán giả tại các rạp chiếu mà trên không gian mạng, phim ảnh cũng có sức thu hút mạnh mẽ. Tại diễn đàn sẽ có một triển lãm giới thiệu về những danh thắng, tiềm năng cho các bối cảnh quay phim tại Nha Trang và nhiều địa phương trong cả nước. Nha Trang vốn là điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim, với nhiều tác phẩm đã ra đời như Tự thú trước bình minh của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam; Về nơi gió cát của đạo diễn, NSND Huy Thành… Những bộ phim nổi tiếng đã được quay tại Nha Trang cũng sẽ được giới thiệu trong khuôn khổ diễn đàn, cùng phóng sự ngắn về cảnh đẹp Nha Trang; Đại nhạc hội về chủ đề gắn kết du lịch và điện ảnh…
Điểm nhấn quan trọng nhất là hai hội thảo với các nội dung về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim; kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy kết nối điện ảnh-du lịch. Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế là các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, người làm chương trình… sẽ tham dự diễn đàn. Đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng tham dự sự kiện để đóng góp ý kiến cũng như lấy thêm kinh nghiệm nhân rộng mô hình này, hướng tới thu hút, phát triển điện ảnh - du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, Nha Trang cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách nhằm kích cầu, thu hút các đoàn làm phim. Các nhà làm phim, đại biểu trong nước và quốc tế sẽ có những đề xuất để xây dựng Nha Trang sớm trở thành Thành phố điện ảnh.
Trong số nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam, vì sao Nha Trang được nhận định là hội đủ các yếu tố để trở thành một Thành phố Điện ảnh, thưa Thứ trưởng?
- Thành phố điện ảnh là mô hình không mới trên thế giới. Chẳng hạn, nhắc đến Cộng hòa Séc, khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật này sẽ nhớ đến Thành phố điện ảnh Karlovy Vary, nơi tổ chức LHP quốc tế Karlovy Vary danh tiếng, hội tụ nhiều diễn viên điện ảnh và đạo diễn nổi tiếng. Chúng ta mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh và du lịch thì cũng cần phải có những mô hình xứng tầm, như một thành phố điện ảnh. Không chỉ xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc tổ chức Festival Biển, Khánh Hòa cũng đang hướng tới xây dựng Nha Trang trở thành Thành phố điện ảnh. Lễ trao giải thưởng Cánh diều lần thứ 19 năm 2022 được Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại Nha Trang đã tạo điều kiện để công chúng quan tâm hơn đến điện ảnh.
Nhiều đơn vị sản xuất phim trong nước đã đến đây để khảo sát bối cảnh quay, xây dựng phim trường. Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng được thỏa thuận sẽ tổ chức thường niên tại Nhà hát Đó mới khai trương cách đây không lâu…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
BẢO NGÂN - BẢO AN (thực hiện)