Để Hội An được "yêu và thương sâu hơn"
VHO - Chia sẻ cùng Văn Hóa trong ngày đầu năm mới 2025, Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh nhấn mạnh: “Thành phố sẽ làm hết sức mình để lan tỏa tinh thần con người Hội An xưa và nay, là một cộng đồng không gian văn hóa bền vững, nơi tình cảm gắn quyện, yêu và thương sâu hơn”.
Theo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An, trong dịp đón năm mới 2025, đô thị này tổ chức hàng loạt sự kiện, chương trình cộng đồng và văn hóa nghệ thuật.
Mở đầu là các chương trình “biểu diễn nghệ thuật đường phố” diễn ra chiều tối 30 và 31.12 tại Công viên Kazik, với sự tham gia của các nghệ sĩ múa cùng các ban nhạc truyền thống và đương đại. Đêm 31.12, chương trình giao lưu âm nhạc “Hội An - Xuân và Tuổi trẻ” và dạ hội “Hội An chào năm mới 2025” sẽ diễn ra tại Công viên Hội An. Sáng 1.1.2025, Hội An đón đoàn khách đầu tiên tham quan Đô thị cổ.
Trên toàn địa bàn thành phố, người dân cùng tổ chức nhiều hoạt động trang trí, sinh hoạt, thể hiện các sắc thái văn hóa độc đáo, nhằm chào đón năm mới 2025 và sẵn sàng đón năm mới Ất Tỵ.
Ông Trần Ánh nhìn nhận, những hoạt động này, thực chất đã luôn diễn ra tại đô thị cổ. Phải lưu ý rằng, Hội An với vị trí thương cảng đầu tiên ở miền Trung mở cửa đón thương khách nước ngoài đến làm ăn từ rất sớm, nên sự hòa trộn văn hóa, hội nhập những sự kiện, lễ nghi giao tiếp đã xuất hiện từ lâu giữa người dân Hội An và các đoàn thương nhân, du khách bên ngoài.
Những nét văn hóa ở Hội An đã có sự giao thoa gần gũi với văn hóa các nước, như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, trong đó có cả người Bồ Đào Nha, Hà Lan… Nên người dân Hội An khá nhạy cảm với thời khắc giao mùa, tiễn đưa năm cũ đón năm mới theo phong tục phương Tây và dịp Tết Nguyên đán với cộng đồng người gốc Hoa.
Mấy chục năm qua, từ khi đón nhận vị thế Di sản văn hóa thế giới, hoạt động mừng năm mới ở Hội An càng diễn ra sâu sắc hơn. Không chỉ có các cơ quan ban ngành, chính quyền, mà người dân cũng đã quen có các sự kiện, sinh hoạt chào đón năm mới theo cách của họ.
Khi du lịch phát triển, các hoạt động này càng phổ biến, đến mức ngày đầu năm ra phố cổ, có thể thấy cả người Hội An lẫn du khách cùng hòa chung, gần như không có sự phân biệt.
Từ góc nhìn đó, theo ông Trần Ánh, năm 2025 càng có nhiều thách thức, thì hoạt động du lịch tại Hội An lại càng cần có những động thái đầu tư, triển khai quan trọng để đạt được những kết quả tích cực hơn.
Thứ nhất, Hội An cần tiếp tục khẳng định vị thế điểm đến tốt nhất đã được bình chọn ở năm 2023, với không gian chính là cộng đồng cư dân văn hóa.
Thứ hai, công tác bảo tồn phố cổ chú ý những công trình, kiến trúc đang bị xuống cấp trong khu vực phố cổ, tìm kiếm các giải pháp an toàn hơn cho các công trình, vật thể; nghiên cứu mở rộng vùng quản lý bảo tồn ra khỏi phố cổ, nghiên cứu xây dựng danh mục các công trình có giá trị văn hóa di sản, văn hóa cộng đồng nằm ngoài phố cổ.
Thứ ba, thành phố tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng cư dân Hội An trong triển khai các đề án, hoạt động, tạo sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu trải nghiệm sinh hoạt, lối sống của người dân với tâm lý, cảm xúc của du khách.
Thứ tư, cần tăng cường quản lý giám sát theo quy chế bảo tồn đã có, kiểm soát vấn đề bán vé, thu phí tham quan phố cổ song hành với các trách nhiệm truyền thông quảng bá, định vị các điểm đến hấp dẫn hơn. Nhất là 6 bảo tàng trong phố cổ phải xây dựng được các chương trình vận động cụ thể, hấp dẫn du khách, để tăng tính hiệu quả trong bán vé và chăm sóc du khách.
Ông Trần Ánh chia sẻ, điều cần nhấn mạnh ở đây, là dù có phát triển thế nào, Hội An cũng là vùng đất níu giữ du khách, bằng cái tình người chân thật, cái cảm xúc hòa đồng thân ái. Không gian cộng đồng dân cư ở thành phố này, chính là cơ sở quan trọng để những giá trị văn hóa bản địa được giữ gìn và phát triển. Cho nên, Hội An phải hết sức quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người dân, lắng nghe họ trần tình, diễn đạt mà có các biện pháp đáp ứng kịp thời.
“Ngày đầu năm mới này, Hội An rộn rã, ai cũng thấy, nhưng phía sau có rất nhiều nỗi lo toan riêng chung, cần được thấu hiểu, tìm thấy. Tôi mượn lời ca của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, để nói đến một chút ân tình trong lòng người xứ Quảng quê tôi. Ấy là dù thế nào, con người nơi đây vẫn chân thành, “yêu và thương sâu hơn”. Phải làm tất cả để giữ gìn, tôn vinh cái tình cảm đó, làm cho Hội An, Quảng Nam ngày một thiết tha mặn mà, chân thành trao gửi.
Làm được như vậy, thì ngày nào, Hội An cũng là ngày vui, và du khách đến đây, sẽ luôn cảm nhận được cái tình người, đậm đà và bền chắc!”, ông Trần Ánh nói.