Để Đà Nẵng là thành phố đáng đến
VHO- Định vị thương hiệu là thành phố đáng đến và đáng sống, Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng là một trong số các trung tâm du lịch lớn của cả nước, thành phố còn đang trỗi dậy, trở thành một đô thị hiện đại với những khu nghỉ dưỡng cao cấp và liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch, đô thị Việt Nam.
Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” thu hút rất nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch, bất động sản
Vượt lên danh xưng là thành phố đáng sống
Tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, diễn ra ngày 27.6 do Báo Đầu tư và Tập đoàn SunGroup tổ chức, các diễn giả và đại biểu đã đưa ra nhiều ví dụ thực tế, thực trạng phát triển, những thách thức và giải pháp để phát triển Đà Nẵng thành nơi thực sự đáng đến và đáng sống.
Trong đó, có các giải pháp để Đà Nẵng đạt được mục tiêu kép: vừa là thành phố du lịch với nhiều trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp; vừa xứng tầm là thành phố đáng sống, đáng đến, đáng để đầu tư với quy mô và tiện ích đẳng cấp quốc tế.
Trong bối cảnh mới, Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thành phố cũng được định vị là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Đồng thời, là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển. Bài toán đặt ra là Đà Nẵng cần “làm mới” để đón cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không để tụt lại phía sau.
Hiện nay, Đà Nẵng đang là một trong những trung tâm du lịch lớn và uy tín của cả nước. Vậy dấu ấn tạo nên Đà Nẵng đáng đến, đáng trải nghiệm trong bối cảnh mới là như thế nào khi Đà Nẵng chọn đẳng cấp và khác biệt cho các sản phẩm du lịch của mình. Nhiều người đã từng nói, Đà Nẵng giống như Việt Nam thu nhỏ với một vị trí không thể thuận lợi hơn. Nằm ở trung tâm miền Trung, trên con đường di sản nổi tiếng nối với các điểm đến Hội An, Mỹ Sơn, Huế và “vương quốc” hang động Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng một mặt hướng biển, một mặt dựa núi, sông Hàn thơ mộng chạy giữa thành phố, có rừng, có những bãi biển đẹp... Hầu hết các thương hiệu du lịch lớn đều có mặt ở Đà Nẵng: Accor, Hyaft, Melia, Crown, Intercontinental, Mercure, Novotel (quốc tế) và những Tập đoàn du lịch lớn trong nước như: SunGroup, VinGroup, Mường Thanh, BRG... Đây cũng là môi trường và cơ hội tốt để thu hút dòng khách du lịch cao cấp và cả các nhà đầu tư các dự án trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng, đẳng cấp.
Các ý kiến đều khẳng định Đà Nẵng là thành phố đáng đến
Đà Nẵng cũng đang chuyển dịch cơ cấu để trở thành trung tâm công nghiệp – công nghệ cao; tổ hợp đô thị - công nghiệp – dịch vụ hiện đại, mở ra không gian phát triển, không gian sống mới, thu hút nguồn lực cho đầu tư, phát triển, cả nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Định hướng và tầm nhìn của Đà Nẵng đều đã rõ: Phải trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là Đà Nẵng sẽ tự làm mới mình như thế nào để tiếp tục bứt phá, tăng tốc, để mãi xứng danh là nơi đáng đến và nơi đáng sống bậc nhất?
Thành phố đã có những cơ chế, chính sách nào để khai thác tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển, từ đó vượt lên danh xưng là thành phố đáng sống, trở thành nơi “đại bàng” làm tổ, nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại diện cho nhà đầu tư ở Đà Nẵng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là nếu một điểm đến đáng sống rồi thì phải làm cho đáng sống hơn nữa, đặc sắc rồi phải đặc sắc hơn nữa. Vì vậy, Sun Group đặt mục tiêu các công trình sau phải khác biệt, đặc sắc, thu hút hơn nữa và liên tục có sự thay đổi, sáng tạo.
Nhiều sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng để thu hút du khách, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến
“Chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực góp phần làm cho Đà Nẵng không chỉ là điểm đến không ngủ về đêm tại Bà Nà, công viên châu Á Asia Park, Sky36 mà còn giúp cho Đà Nẵng thực sự trở thành một điểm đến không ngủ. Sự đầu tư của Sun Group trong năm 2022 chào đón du khách trở lại chính là mang lại “điểm đến cũ, sức sống mới”. Sun Group luôn trăn trở để mang lại giá trị, cơ hội đầu tư mới. Ở Sun World Bà Nà Hills, ngoài lâu đài, show diễn, nhà hàng có sức chứa lên đến 10.000 khách một buổi, tương lai chúng tôi sẽ còn có những đầu tư nữa. Chúng tôi sẽ triển khai thêm nhiều công trình lớn ví dụ như: Hầm rượu nơi mà du khách có thể chiêm ngưỡng quá trình sản xuất rượu tại chỗ và thưởng thức những loại rượu hảo hạng ngay trên núi Chúa; thêm nhiều show diễn như Show diễn núi lửa, nơi các hoạt động diễn ra vào buổi tối kết hợp đầu tư âm thanh, ánh sáng với lửa....
Tuy nhiên, theo bà Trần Nguyện, nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà không làm sự kiện, lễ hội, không làm marketing điểm đến thì chúng ta thiếu đi rất nhiều. Và để đóng góp cho điểm đến tốt hơn, đặc biệt đưa Đà Nẵng trở thành vị thế số 1 về du lịch SunGroup đã đồng hành với thành phố để tổ chức các sự kiện như: chuỗi Carnival Sun Fest với 10 đêm liên tiếp; lễ hội âm nhạc sẽ diễn ra vào ngày 9.7 và đại nhạc hội EDM.
“Sun World cũng sẽ thực hiện mô hình Downtown để thực sự biến công viên Châu Á và Đà Nẵng thành một điểm vui chơi về đêm không giới hạn. Đây là mong muốn cũng là điều Sun Group thực hiện trong tương lai gần. Để chỉ trong khoảng 2 năm nữa thôi, khi Đà Nẵng quay trở lại bứt phá, chúng tôi đã kỳ vọng Sun World Bà Nà Hills không chỉ là 5 triệu khách như năm 2019 mà tới 10 triệu, 20 triệu lượt. Khi ấy Đà Nẵng phải sẵn sàng đón lượng khách 20-30 triệu lượt. Chúng tôi tin rằng tới 2030, con số này không nằm ngoài tầm với khi ở đây chính quyền địa phương và doanh nghiệp đồng lòng đưa Đà Nẵng thành điểm đến không chỉ nhất Việt Nam mà còn hàng đầu châu Á”, bà Trần Nguyện nói.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch- TAB chia sẻ: “Không nghi ngờ gì, Đà Nẵng là điểm đến số 1, điểm đến tốt nhất Việt Nam, chỉ rộng 1.000 km2 nhưng Đà nẵng có tất cả mọi thứ, từ đô thị xinh xắn, là một trong những nơi biển đẹp nhất châu Á, sở hữu một trong các bãi biển đẹp nhất thế giới, hệ sinh thái về du lịch là số 1 Việt Nam”.
Các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp để Đà Nẵng thực sự trở thành nơi đáng sống
Với những lợi thế này, ông Nam cho rằng Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nếu với cả nước du lịch đóng góp 9% vào GDP thì Đà Nẵng phải tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để đóng góp vào tăng trưởng cao hơn, khoảng 15% mới xứng đáng với tiềm năng.
Theo ông Lương Hoài Nam cho rằng cần làm rõ Đà Nẵng đáng đến với đối tượng nào, vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều. Việt Nam chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu. Hiện nay cả nước không có một chiếc trực thăng VIP, trực thăng y tế, trong khi 1 khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình thường. Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu và Đà nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu.
Điều cần làm nhất lúc này để Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến là cần nhanh chóng mở rộng Sân bay Đà Nẵng về phía Đông với đẳng cấp quốc tế và trong đó có cả nhà ga phục vụ máy bay VIP. Điều này cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Làm gì để Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu và nơi đáng sống bậc nhất?
Là người yêu mến Đà Nẵng, luôn quan tâm tới sự thay đổi của thành phố, vô cùng chân thành và thẳng thắn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu. Phải làm thế nào đó để người ra sẵn sàng “ném” cả cuộc đời mình vào Đà Nẵng, sẵn sàng đến Đà Nẵng sống. Muốn thế, Đà Nẵng cần định vị lại khả năng của mình trong tương lai, để đổi mới, hợp với xu thế, ngang tầm thế giới và phải đầy sáng tạo. Đà Nẵng cần được định hướng để trở thành trung tâm sáng tạo, đổi mới quốc gia. Ông gợi ý thành phố này cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch; phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển. Muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí… Tiếp đến là các sự kiện quy mô về lễ hội văn hóa, giải trí, các giải đấu quốc tế, các hội nghị MICE quốc tế. Năm 2017 Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức APEC, đó là 1 dấu ấn. Nhưng Đà Nẵng cần nhiều hơn những dấu ấn như thế.
Đà Nẵng có tiềm năng và hệ sinh thái khá hoàn chỉnh để phát triển du lịch và trở thành thành phố đáng sống
“Có nghĩa là, Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các “đại bàng”: cái này thì nhiều địa phương đều cần, nhưng Đà Nẵng lại cần phải có những “đại bàng” khỏe nhất, mạnh nhất. Phải lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính… Không hút được “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn thì Đà Nẵng sẽ thất bại”.
Hiện Đà Nẵng đã hút được nhiều đại bàng du lịch, như Sun Group, Vingroup,…, nhưng các lĩnh vực khác thì sao? Hút được các nhà đầu tư về mới kéo theo được một đội ngũ nhân sự, chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước về Đà Nẵng, tạo nên một lực lượng lao động hùng hậu đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Có vậy mới bứt lên được.
Tóm lại, Đà Nẵng đang có rất nhiều thứ, nhưng cũng đang thiếu rất nhiều thứ. Và nhiệm vụ đặt ra là phải biết rõ mình đang giàu có điều gì, và nghèo thứ gì, từ đó phát huy thế mạnh và bổ sung cái thiếu. Nếu cứ phát triển bình bình, thì có thể sẽ có những thành phố đáng đến hàng đầu khác, chứ không còn là Đà Nẵng.
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng thành phố đáng sống phải có bản sắc riêng. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn, thì những gì “đáng sống” ở Đà Nẵng vẫn chủ yếu dựa vào tự nhiên sẵn có (thiên nhiên, khí hậu), nền tảng hạ tầng cơ sở đã có và nhiều năm nay vẫn như vậy… Đà Nẵng chưa kiến tạo được những điểm nhấn đủ sức thu hút giới thượng lưu đến để sống, để mua nhà, sở hữu tài sản, làm ăn kinh doanh và thu hút những người trẻ giỏi đến học tập, lập nghiệp, phát triển sự nghiệp…
Đà Nẵng cần tập trung để phát triển kinh tế ban đêm và thu hút sự đầu tư, phục vụ giới siêu giàu
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, với lợi thế sát biển và điều kiện tự nhiên bao trọn vịnh Đà Nẵng, thành phố này được định hướng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên. Lợi thế này Đà Nẵng nên hiện thực hóa tham vọng đưa công xưởng du thuyền châu Âu về thành phố. Không chỉ là trung tâm sản xuất du thuyền khi toàn ngành du thuyền thế giới hiện đang rơi vào tình trạng cháy hàng, quá tải đơn hàng đến tận năm 2026- 2027, Đà Nẵng còn là nơi thu hút giới siêu giàu, thượng lưu đến bằng siêu du thuyền. Vậy thì phải có đầu tư cả các bến du thuyền đẳng cấp, tương xứng, các tour trải nghiệm dành cho giới siêu giàu này, thậm chí thành phố cần tính tới việc gia tăng sức hút để giới siêu giàu mua nhà ở Đà Nẵng, thường xuyên đến đây như về ngôi nhà thứ 2…
Tổng giám đốc Sun Property Nguyễn Ngọc Thúy Linh cho biết: Với vai trò là một nhà đầu tư gắn bó với Đà Nẵng suốt 15 năm qua và là nơi SunGroup khởi nghiệp ở Việt Nam, Tập đoàn đã hình thành các thương hiệu giải trí hàng đầu như: Sun World Bà Nà Hills, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, góp phần làm sứ mệnh đưa Đà Nẵng thành một Đà Nẵng thành một thành phố đáng đến. Qua thương hiệu Sun Property lại mang sứ mệnh là thành phố đáng sống với việc hình thành các bất động sản nghỉ dưỡng du lịch, khai thác dòng sản phẩm khu đô thị cao cấp, khu đô thị ven sông ở Đà Nẵng như sông Hàn, sông Cổ Cò. Trong đó, Khu đô thị ven sông lớn nhất miền Trung- đô thị Nam Xuân Hòa hướng tới điều này. Cái chúng tôi mong muốn là mang tới cho những người tài, cho thế giới thượng lưu một cuộc sống an toàn, an yên, chất lượng cao. Chính những điều này sẽ góp phần giải bài toán làm thế nào để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống.
HOÀNG CÚC; ảnh: KHÁNH MINH