Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

VHO - Doanh nghiệp du lịch Việt Nam muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chuyển đổi dần sang mô hình bán hàng trực tuyến (B2C) để thích ứng với xu thế tất yếu của thế giới. Quá trình chuyển đổi này, yếu tố chuyển đổi số giữ vai trò sống còn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu cũng như tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu - Anh 1

 Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại hội thảo

 Đây là nội dung được nhiều diễn giả khẳng định tại hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 4.4. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của “Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2024”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong dự và phát biểu chỉ đạo.

Xu hướng thị trường nội khối giữ vai trò chủ đạo

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận, không chỉ hành vi và thói quen tìm kiếm thông tin sản phẩm du lịch của du khách đã thay đổi, ngay cả nhu cầu sử dụng sản phẩm và trải nghiệm điểm đến của du khách cũng đã và đang thay đổi đáng kể. Điều này vừa tạo cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành du lịch trong việc tiếp cận thị trường khách quốc tế. Để thích nghi với sự thay đổi nói trên, ngành du lịch cần thay đổi phương thức kinh doanh, xây dựng sản phẩm có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến và sản phẩm du lịch trong nước, đáp ứng được thị hiếu của du khách, hướng đến mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company nhấn mạnh, xu hướng thị trường nội khối đang giữ vai trò chủ đạo ở hầu hết các điểm đến trên toàn cầu. Trong khi đó, thị trường khách châu Á được xác định là thị trường du lịch lớn nhất thế giới về chi tiêu ở thời điểm hiện tại, sự bùng nổ của thị trường này sẽ tiếp tục kéo dài nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mới. Đặc biệt là sự bùng nổ của thị trường Ấn Độ và sự quay trở lại của thị trường Trung Quốc, khi được phục hồi hoàn toàn. Cũng theo ông Phước, du lịch tự túc sẽ bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng khách du lịch ưu tiên tự tìm kiếm thông tin cho chuyến đi và kỳ nghỉ trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời đang có xu hướng sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt dịch vụ cho chuyến đi. Đây cũng là xu hướng chủ đạo của thị trường outbound Hàn Quốc, với hơn 72% du khách lựa chọn chuyến du lịch nước ngoài theo hình thực tự túc hoặc tự túc một phần.

“Sự xuất hiện của những phân khúc du khách mới sẽ đi cùng với những nhu cầu mới, theo đó thì các mô hình lưu trú hay sản phẩm mang tính bền vững, du lịch hướng tới giá trị, sản phẩm mang tính bản địa nguyên bản… được xem là tương lai của ngành du lịch. Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là xu hướng của ngành du lịch để hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin, tư vấn kế hoạch hành trình chuyến đi”, ông Phước khẳng định.

Sự lên ngôi của mô hình B2C

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, cách tiếp thị của du lịch thế giới đã và đang thay đổi theo mô hình B2C. Theo đó, cách tiếp thị B2B (bán hàng truyền thống) không còn là lựa chọn tối ưu của du lịch Việt Nam, vì phương pháp truyền thống phải qua đối tác trung gian. Để thích ứng và tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, du lịch Việt Nam nên thay đổi dần sang mô hình B2C. Các báo cáo cũng cho thấy dự kiến đến 2028, 66% tổng doanh thu của thị trường lữ hành và du lịch Việt Nam sẽ được tạo ra thông qua bán hàng trực tuyến.

Theo bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương (phụ trách Việt Nam), xu hướng khách hàng của ngành du lịch hiện nay và trong 10 năm tới chính là thế hệ Gen Z. Bà Quỳnh cho biết, dữ liệu thu nhập trong 5 năm gần đây của Google cho thấy, xu hướng du lịch cá nhân đang thay thế cho xu hướng du lịch giá rẻ, điển hình là gần đây du lịch Việt Nam đã đón lượng khách du lịch Ấn Độ theo dòng thị trường ngách, cụ thể là nhiều tỉ phú Ấn Độ chọn Việt Nam để tổ chức đám cưới.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong khẳng định, B2C là xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng 4.0. Doanh nghiệp du lịch trong nước nếu muốn phát triển, cần chuyển đổi dần sang mô hình kinh doanh nói trên để thích ứng với xu hướng chung của thế giới, bởi mô hình B2C trực tiếp hướng đến khách du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay để đưa điểm đến, sản phẩm tới gần hơn với du khách và ngược lại. Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, trong sự dịch chuyển sang mô hình B2C, yếu tố chuyển đổi số đóng vai trò sống còn. Việc ứng dụng công nghệ và mở rộng diện tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp với thị trường trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến đổi khó lường. Qua đây, làm mới mình để phấn đấu đạt mục tiêu thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc