Chàng trai với ước mơ đưa văn hóa Dao “vươn tầm”
VHO- Biết khai thác thế mạnh của địa phương cũng như dân tộc mình để phát triển du lịch cộng đồng, chàng trai người Dao Triệu Tà Pú (sinh năm 1991) ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã khởi nghiệp thành công từ mô hình homestay. Mô hình của anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên dân tộc ở thôn bản…
Anh Triệu Tà Pú (bên trái) chụp ảnh cùng khách du lịch tại Triệu Pú homestay
Bảo tồn văn hóa truyền thống nhờ làm du lịch
Những ngày hè tháng 6, giữa không gian mênh mông của núi rừng Tây Côn Lĩnh, homestay của anh Triệu Tà Pú tấp nập khách du lịch đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm. Vừa dẫn du khách đi tham quan vườn chè nổi tiếng ở Hoàng Su Phì, Triệu Tà Pú vừa chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên, tôi trở về quê thành lập HTX chè Hồ Thầu. Trong quá trình đó, tôi có cơ hội được hướng dẫn khách đi hái chè, tham quan những địa danh nổi tiếng tại Hoàng Su Phì. Nhận thấy quê hương mình có tiềm năng phát triển du lịch, không chỉ với những thửa ruộng bậc thang, đỉnh Chiêu Lầu Thi mà còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao, tôi quyết định đầu tư, xây dựng mô hình homestay”.
Năm 2019, nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của gia đình; từ số vốn dành dụm được, Pú vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 60 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị, sửa sang, trang trí lại ngôi nhà truyền thống của mình theo tiêu chuẩn du lịch cộng đồng để tiếp đón du khách đến tham quan, khám phá. Hướng đến tiêu chí xây dựng homestay theo kiểu truyền thống, gần gũi với thiên nhiên, toàn bộ ngôi nhà được Triệu Tà Pú xây dựng chủ yếu bằng tre, nứa; mang đậm dấu ấn văn hóa của người Dao. “Thời gian đầu mới khởi nghiệp, ngoài khó khăn về vốn, tôi còn gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng. Bởi homestay của tôi ở dưới bản, đi xa hơn và khó tìm hơn so với những điểm ở trung tâm huyện, xã. Cũng chính vì hơi khuất nên xây xong, tôi “đau đầu” mất một thời gian để tìm ra chiến lược quảng bá…”, anh Pú nói.
Cuối năm 2019, Triệu Pú homestay bắt đầu đi vào hoạt động. Tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách, cùng với sự giới thiệu của bạn bè, homestay của anh ngày một đông và đã có nhiều khách quốc tế tìm tới. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, trong suốt thời gian giãn cách, anh Pú cũng có những lúc buồn, nhớ về những ngày được dẫn du khách đi trải nghiệm; được giới thiệu với bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa của người Dao bằng cả sự tự hào. Buồn nhưng không nản chí, tận dụng thời gian đó, anh tiếp tục tu sửa, trang trí, cải tạo lại khuôn viên. Cùng với đó, tận dụng lợi thế từ mạng xã hội, anh thường xuyên đăng tải những video, hình ảnh về phong cảnh tươi đẹp của quê hương, những nét văn hóa đặc sắc để hấp dẫn du khách; khiến họ phải xách ba lô lên và đi ngay sau khi đại dịch được khống chế.
Nặng lòng với văn hóa bản địa
Đến với Triệu Pú homestay, du khách được trải nghiệm không gian đậm nét văn hóa của đồng bào Dao từ ẩm thực đến phong tục, tập quán; cùng với đó là tham gia vào các hoạt động như thêu, dệt thổ cẩm, lễ nhảy lửa, làm giấy dó…
Vào mùa nước đổ tháng 8, tháng 9 hằng năm, lượng khách du lịch đến homestay rất đông. Do đó, anh Pú phải thuê thêm lao động trong bản để đảm bảo khách đến sẽ được phục vụ tận tâm, có những trải nghiệm tốt nhất. Trung bình có 3-7 lao động làm thường xuyên tại gia đình anh, với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày; tạo nguồn thu ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, các thành viên trong homestay ngày càng có niềm tin, gắn bó và có thêm động lực để không ngừng học hỏi, nâng cao khả năng phục vụ du khách. Trong quá trình thực hiện, anh Pú còn liên kết các thanh niên, người dân trong xã thành lập đội văn nghệ để tổ chức các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, trình diễn nhảy lửa, tắm lá thuốc người Dao, dịch vụ xe đưa đón… để phục vụ du khách; góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.
Càng làm, chàng thanh niên người Dao lại càng hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ môi trường; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nghề truyền thống và nâng cao nhận thức cho người dân địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng cũng tạo việc làm, giúp tiêu thụ nông sản tại làng bản. Xây dựng mô hình homestay theo hướng truyền thống, Triệu Tà Pú luôn mong muốn du lịch sẽ phát triển dần phù hợp với cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.
“Hoàng Su Phì với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, đỉnh Chiêu Lầu Thi hùng vĩ là những thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch. Bên cạnh phong cảnh kỳ thú được tạo hóa ban tặng, trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm mô hình homestay, kết nối với nhiều bà con, thanh niên trong thôn bản xây dựng đội văn nghệ để quảng bá những nét văn hóa truyền thống của người Dao, thu hút thêm khách du lịch đến với con người và vùng đất Hoàng Su Phì”, anh Pú chia sẻ.
MINH KHÔI