Bình Định: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
VHO - Bình Ðịnh chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Bình Định hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là cấp quốc gia gồm: Hát bội, bài chòi, võ cổ truyền và Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn và một số di sản văn hóa phi vật thể đang được tỉnh này làm hồ sơ đệ trình lên Trung ương công nhận . Ngoài ra, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 100 lễ hội; trong đó, lễ hội do nhà nước tổ chức như: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân và phục vụ khách du lịch.
Trong thời gian qua, Bình Ðịnh chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn
Tháng 9.2022, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý cho Sở VHTT Bình Định tổ chức xây dựng hồ sơ đề cử Nghề chằm nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vui đối với cán bô, nhân dân và làng nghề nón ngựa Phú Gia.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho rằng: Việc xây dựng hồ sơ đề cử “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là điều cấp thiết. “Chính quyền địa phương phối phợp với ngành liên quan thực hiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết làng nghề truyền thống phải lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để hình thành các dịch vụ phục vụ du lịch”, ông Ngọc chỉ ra và nhấn mạnh, xây dựng một nông thôn mới, phát triển, hội nhập thì cần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quan khách về tham quan, tìm hiểu làng nghề truyền thống.
Ở huyện Tuy Phước, ngoài việc bảo tồn hát bội, bài chòi dân gian, võ cổ truyền, thì địa phương này đang lên nhiều kế hoạch phát huy giá trị Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho hay: Cùng với việc quan tâm đến thực hành, truyền dạy các nghi lễ tổ chức Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn trong cộng đồng dân cư, tỉnh cũng quy hoạch mở rộng không gian Chùa Bà, nâng quy mô tổ chức lễ hội gắn khai thác tour du lịch văn hóa “Về miền di sản” trên địa bàn này nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, làm khởi sắc đời sống vùng nông thôn.
Di sản võ cổ truyền Bình Định là một trong những sản phẩm hút khách du lịch trong thời gian qua
Việc triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” sẽ góp phần bảo tồn các lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống… của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 11.2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở VHTT, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng bảo vệ và phát huy các di sản được công nhận và ghi vào danh mục kiểm kê; nâng cao nhận thức nghệ nhân, những người thực hành di sản; tập trung công tác quản lý nhà nước về lễ hội…
Ông Lâm Hải Giang cho biết: Địa phương đang tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa để quảng bá di sản văn hóa Bình Định đến du khách trong và ngoài nước; ban hành các chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Cùng đó, ngành Văn hóa tỉnh chú trọng lập đề án bảo tồn Lễ hội cầu ngư tỉnh Bình Định và tích cực phối hợp với Bộ VHTTDL làm hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh di sản võ cổ truyền Bình Định; đề nghị Bộ VHTTDL vinh danh di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương nâng tầm quy mô Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa bằng hình thức tổ chức sân khấu thực cảnh trong năm 2024 để tăng thời gian tổ chức lễ hội để phục vụ du khách.
PHAN HIẾU