Bình Định: Hướng đến du lịch cộng đồng
VHO-Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch cộng đồng” đến năm 2025, trong đó có làng chài khu vực Bãi Xép, thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn. Đây là cơ hội để người dân làng chài nơi đây phát huy, khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch cộng đồng sẵn có; cũng như hướng đến mục đích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, làm du lịch thân thiện với môi trường.
Làng chài bãi Xép được định hướng phát triển du lịch cộng đồng
Hiện khu vực Bãi Xép có 6 cơ sở kinh doanh lưu trú homestay, có nhiều resort dọc theo tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, đạt 7.000 lượt khách; năm 2018 đạt 10.000 lượt khách (tăng trưởng trung bình 15%/năm); khách nội địa chiếm 60%, khách quốc tế chiếm 40%. Tại khu vực Bãi Xép có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái. Năm 2016, Bãi Xép lọt top 16 điểm đến hấp dẫn ít người biết đến ở châu Á do Tạp chí Business Insider bình chọn; bãi này có 6 đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên sinh vật biển phong phú với 19,6ha rạn san hô.
Bãi Xép được chia làm 2 khu vực ngăn cách bởi quốc lộ 1D, xóm trên nằm ở triền núi phía Tây, nhìn ra biển; xóm dưới là khu vực làng chài sát biển. Theo tìm hiểu, hiện một số hộ dân tại xóm trên “rục rịch” đầu tư làm du lịch cộng động, theo hướng kiểu vườn trái cây có sẵn. Anh Phan Duy Khánh, một người dân xóm trên khu vực Bãi Xép cho biết: Tôi rất muốn đầu tư, xây dựng các homestay để phát triển du lịch cộng đồng, đưa và dẫn khách trải nghiệm cuộc sống bản địa nơi đây. “Vườn trái cây (quýt, bưởi) khoảng gần 2 ha của gia đình đã trồng hơn 10 năm nay, là điều kiện tốt để hướng đến làm du lịch cộng đồng trải nghiệm. Khát vọng của người dân được xây dựng làm homestay, nhưng cần sự cho phép của chính quyền địa phương. Nói rõ hơn, người dân đang kỳ vọng từ một chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, để phát triển làm du lịch. Bởi thắng cảnh nơi đây rất đẹp, một bên giáp rừng, bên còn lại giáp biển phù hợp cho du lịch trải nghiệm”, anh Khánh bộc bạch.
Khung cảnh thơ mộng nơi đây đang trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước
Trước đây ở khu vực Bãi Xép đã phát triển manh mún câu chuyện làm du lịch cộng đồng, với những homesaty được đầu tư từ người ngoài địa phương. Song giờ đây, khi đề án phát triển du lịch cộng đồng được triển khai sẽ như một đòn bẫy đưa du lịch địa phương “cất cánh”. Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: Địa phương rất vui mừng vì được UBND tỉnh chọn để phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2024, đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chúng tôi đang chờ kế hoạch triển khai cụ thể từ cơ quan chuyên môn của UBND TP. Quy Nhơn. Nếu đề án triển khai, sẽ là điều kiện để địa phương hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch vươn xa, từ đó làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống của người dân.
Người dân nơi đây háo hức khi được định hướng phát triển du lịch cộng đồng
Trong khi đó, theo Sở Du lịch Bình Định, “Đề án phát triển du lịch cộng đồng” đến năm 2025, tại vị trí Bãi Xép có ưu thế rất lớn, vừa có vườn trái cây và có một làng chài với bãi biển tuyệt đẹp. Trong đó, xóm trên khu vực Bãi Xép phù hợp hơn để phát triển du lịch cộng đồng, theo hướng các tour thăm quan vườn trái cây kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa như trải nghiệm các lễ hội (Cầu Ngư, Nghinh Ông…), thưởng thức Bài chòi dân gian và thăm các tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao trực tiếp cho UBND TP. Quy Nhơn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án; Sở Du lịch sẽ hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng.
Cũng theo Sở Du lịch Bình Định, từ năm 2018 Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các lớp truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động dịch vụ du lịch, phát triển du lịch cộng đồng. Các lớp truyền thông đã trang bị cho cộng đồng kiến thức cơ bản về du lịch bền vững, quy định pháp luật về hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Người dân cũng được hướng dẫn nghiệp vụ du lịch cơ bản như lễ tân, buồng, quảng bá, ứng xử văn minh du lịch...
PHAN HIẾU