Bánh quê “hút khách”, làng nghề xứ Thanh thêm sức sống
VHO - Không còn là những góc làng âm thầm với tiếng chày giã bột, những bếp lửa riu riu lửa sớm hôm, nhiều làng nghề truyền thống ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nay đã bước vào hành trình mới: kết nối với du lịch, lan tỏa hương vị quê nhà tới du khách gần xa. Từ bánh gai Tứ Trụ trứ danh cho đến những chiếc bánh lá răng bừa dân dã, làng nghề nơi đây đang được “đánh thức” bởi dòng chảy của trải nghiệm và sáng tạo.
Hương quê níu chân du khách
Nằm nép mình bên con đường làng nhỏ thuộc xã Thọ Diên, cơ sở sản xuất bánh gai Tứ Trụ của gia đình ông Lê Hữu Lâm sáng rực ánh lửa mỗi sớm. Mùi thơm nồng nàn của lá gai, đậu xanh, mỡ lợn và bột nếp như quấn lấy từng bước chân du khách, đưa họ về miền ký ức tuổi thơ.

Không chỉ là nơi sản xuất, cơ sở của ông Lâm giờ đây là điểm đến của hàng chục đoàn khách mỗi tháng. “Học sinh, khách du lịch từ khắp nơi đến đây tham quan, tìm hiểu cách làm bánh, chụp ảnh và trải nghiệm quy trình làm bánh truyền thống,” ông Lâm chia sẻ, tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh đen óng trong lớp lá chuối mỏng.
Mỗi lượt khách đến là một lần “kể lại” câu chuyện bánh gai. Họ được tận mắt chứng kiến quy trình từ chọn nguyên liệu, giã lá gai, làm nhân đậu cho đến gói bánh và hấp chín trong nồi than hồng. Sau đó, từng chiếc bánh nóng hổi sẽ được bày ra mâm để thưởng thức – một cách truyền thông không lời nhưng đầy cảm xúc.
“Chính nhờ kết nối với du lịch mà bánh gai nhà tôi được nhiều người biết đến hơn. Mỗi ngày, cơ sở làm hàng nghìn chiếc bánh, vào dịp lễ tết còn không kịp đơn hàng,” ông Lâm tự hào cho biết. Thương hiệu gia đình hiện đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, trở thành sản phẩm tiêu biểu của xã Thọ Diên.
Cách Thọ Diên không xa, ở xã Xuân Lập, hương thơm từ bánh lá răng bừa len lỏi trong từng con ngõ nhỏ. Đây là loại bánh truyền thống của người dân địa phương, có hình dáng thuôn dài, gói bằng lá chuối, nhân đậu xanh trộn dừa và mỡ, vỏ bằng gạo nếp dẻo thơm.

Tại cơ sở sản xuất của bà Mai Thị Tú ở thôn Trung Lập, người làm bánh tay thoăn thoắt từ sáng sớm. “Nghề này là của ông bà để lại. Chúng tôi làm suốt quanh năm, nhưng vài năm nay, khách du lịch về làng nhiều hơn, nhất là dịp cuối tuần, lễ hội,” bà Tú chia sẻ trong lúc xếp bánh vào nồi hấp.
Nhờ được công nhận OCOP 3 sao và tích cực quảng bá trên mạng xã hội, thương hiệu bánh lá răng bừa của gia đình bà Tú ngày càng lan rộng. “Du khách đến không chỉ mua bánh mà còn muốn tự tay làm thử. Có hôm đông quá, tôi phải nhờ thêm người trong thôn đến giúp chỉ dẫn khách,” bà kể.
Hiện toàn xã Xuân Lập có khoảng 200 hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 270 lao động với mức thu nhập 2–7 triệu đồng/người/tháng. “Mỗi ngày, riêng cơ sở tôi cũng sản xuất từ 2.000–3.000 chiếc bánh, xuất đi khắp các tỉnh phía Bắc,” bà Tú nói thêm.
Du lịch làng nghề – hướng đi mới của Thọ Xuân
Với hàng chục làng nghề và nghề truyền thống như bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, nón lá Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân đang từng bước quy hoạch và phát triển các tuyến du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề. Mỗi sản phẩm truyền thống không chỉ là món ăn đặc trưng mà còn là “sứ giả” kể chuyện vùng quê tới du khách.
“Chúng tôi xác định phát triển du lịch làng nghề không chỉ là bảo tồn văn hóa mà còn mở hướng thoát nghèo bền vững. Hiện huyện đã có kế hoạch đầu tư hạ tầng, hỗ trợ mở rộng thị trường và phát triển các điểm đến trải nghiệm cho du khách,” đại diện Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thọ Xuân cho biết.
Huyện cũng đã ban hành Đề án phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021–2025, trong đó bố trí 200 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ phát triển nghề truyền thống và tới 2 tỷ đồng cho mỗi làng nghề được công nhận.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, nhiều xã còn chú trọng đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân, đặc biệt là kỹ năng đón tiếp, thuyết minh, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động như làm bánh, trình diễn dệt thổ cẩm, đan nón, hoặc chế biến món ăn truyền thống được tổ chức bài bản, thu hút sự tò mò và thích thú của khách tham quan.

Dù tiềm năng lớn, nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch làng nghề ở Thọ Xuân vẫn còn nhiều rào cản. Cơ sở hạ tầng tại các làng nghề còn thiếu đồng bộ; dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ du khách chưa được đầu tư bài bản. Đặc biệt, lực lượng lao động làm du lịch chưa qua đào tạo chiếm phần lớn, khiến trải nghiệm đôi khi còn rời rạc.
“Tôi đến đây rất thích không khí làng nghề, nhưng khó khăn là đường nhỏ, không có chỗ đậu xe, khu vệ sinh còn thiếu. Nếu địa phương cải thiện thêm, tôi nghĩ sẽ có nhiều đoàn khách muốn quay lại,” một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ sau khi tham quan cơ sở bánh lá ở Xuân Lập.
Thực tế này cho thấy, nếu muốn biến làng nghề thành điểm đến hấp dẫn, cần có sự đầu tư bài bản hơn về hạ tầng, truyền thông và dịch vụ. Đồng thời, sự vào cuộc đồng bộ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để hiện thực hóa tiềm năng đã có.
Từ những nếp nhà bình dị, những chiếc bánh quê truyền thống, làng nghề Thọ Xuân đang từng bước chuyển mình. Và nếu biết gìn giữ đúng cách, kết hợp hài hòa giữa văn hóa – du lịch – kinh tế, thì những hương vị quê nhà ấy sẽ còn vươn xa hơn nữa, trở thành điểm nhấn của du lịch xứ Thanh trong tương lai gần.