Đà Nẵng định vị và sáng tạo với du lịch ẩm thực:

Bài 1 - Cùng là món mắm ruốc, sao người ta quen khen ngợi mắm ruốc Huế?

TẠ ĐÌNH DŨNG - THUỴ BẤT NHI

VHO - Cùng với những nỗ lực khẳng định giá trị thương hiệu thành phố du lịch, Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt chương trình, dự án xây dựng những thương hiệu sản phẩm đặc sắc, gắn liền hoạt động ngành du lịch địa phương.

Nhiều người cho rằng, “ăn Bắc, mặc Nam”, xác định những giá trị về ẩm thực ở các tỉnh phía Bắc là nổi trội. Tại miền Trung, suốt nhiều thập kỷ qua, hình ảnh ẩm thực địa phương lại ấn định vị thế gần như độc tôn của ẩm thực Huế, với những món ăn kinh kỳ cố đô đã đi vào sách vở.

Cho nên, khi TP. Đà Nẵng xác định thương hiệu “ẩm thực Đà thành” với giới trẻ và bình dân, không ít người cho rằng chỉ là biện pháp bề ngoài.

Không chỉ là ẩm thực đơn lẻ…

Câu hỏi đầu tiên được nhiều người đặt ra, ẩm thực Đà Nẵng là gì? Đã rất lâu rồi, “nôi” ẩm thực miền Trung dường như chỉ thuộc về Huế. Những món ăn xứ Huế, với những nét đặc trưng cung đình trang trọng, dân dã đặc sắc đã đi vào tâm thức nhiều người.

Bài 1 - Cùng là món mắm ruốc, sao người ta quen khen ngợi mắm ruốc Huế? - ảnh 1
Những giá trị ẩm thực Đà Nẵng, với khả năng hội tụ nhiều góc cạnh ẩm thực địa phương và vùng miền, đang được thành phố này chú ý thúc đẩy

Đến nỗi cùng là món mắm ruốc, nhưng người ta quen khen ngợi mắm ruốc Huế với vị đậm đà, tinh chất, mà chê mắm ruốc ở phía trong đèo Hải Vân nhìn “không được tươi màu”.

Rồi kể về món ăn bản địa, người dân Quảng Nam xưa nay đâu có tách biệt Đà Nẵng khỏi “âm hưởng Mẹ Thu Bồn”. Nên những gì người Quảng khen ngon, thì Quảng Nam đều xác nhận ẩm thực vị Quảng, dù có ở Đà Nẵng lâu năm cũng vậy.

Hương vị xứ Quảng là từ dùng quen thuộc, đến mức bất kỳ ai muốn khẳng định món ăn ấy đang bán ở Đà Nẵng, những người khác đều có thể dẫn giải ra hàng chục quán tương tự ở Thăng Bình, Duy Xuyên…

Vậy nên, khi ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng đề cập đến một không gian ẩm thực Đà Nẵng trong dòng chảy văn hóa du lịch thành phố biển này, có nhiều người cảm thấy “ngờ ngợ”.

Đà Nẵng chưa bao giờ là mảnh đất có thương hiệu về ăn uống, chưa bao giờ định vị một món ăn có chất liệu, hương vị riêng, mà luôn liên đới đến vùng đất Quảng Nam.

Song, rất độc đáo và dị biệt, những người làm ẩm thực ở Đà Nẵng đều khẳng định một tinh thần rất mới, khi ngành du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh đến việc xây dựng một thương hiệu Đà Nẵng ẩm thực, với một danh sách “Đà Nẵng thực phổ” đã và đang tồn tại trên những con đường phố biển này.

Ông Trần Văn Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Đà Nẵng nhận xét, căn cơ để Đà Nẵng định hình một giá trị ẩm thực cho mình, là đã mười mấy năm hoạt động du lịch địa phương này gắn chặt với những giá trị đầu tư văn hóa ẩm thực độc đáo và bản sắc.

Thực tế Đà Nẵng không có cá tính ẩm thực của mình, thì chẳng cần phải tìm cách lý giải để khẳng định một thương hiệu ẩm thực đơn lẻ cho thành phố này làm gì.

Ẩm thực chung hòa giá trị, tận dụng mọi điều kiện, thực tế, sản phẩm có được, để xây dựng nên một hệ thống giá trị ẩm thực địa phương, cộng hưởng nhiều hương vị, ấy chính là cách mà Đà Nẵng muốn tôn vinh, tạo dựng con đường ẩm thực của mình.

Kết hợp nhiều giá trị ẩm thực

Với tinh thần đó, Sở Du lịch Đà Nẵng định nghĩa ẩm thực Đà Nẵng chính là giá trị tổng hòa của ẩm thực miền Trung, giá trị của những hương vị món ăn giao thoa, tiếp cận cùng nhau phục vụ người dân và du khách.

“Vậy ẩm thực Đà Nẵng chính là nét văn hóa ẩm thực tổng hòa nhiều giá trị bản địa, làm sao mỗi giá trị được giới thiệu đưa ra, sẽ chính là bản địa đó”, lý giải của ông Trần Văn Thắng là vậy.

Bài 1 - Cùng là món mắm ruốc, sao người ta quen khen ngợi mắm ruốc Huế? - ảnh 2
Mâm cơm đồng, sản phẩm ẩm thực kết hợp nhiều hương vị đặc trưng của miền Trung

 Theo đó, chính thức với năm du lịch 2023, Đà Nẵng đã khơi nguồn giá trị về văn hóa ẩm thực địa phương, với nhiều hoạt động quảng bá, truyền thông, xây dựng hệ giá trị ẩm thực của thành phố biển và rất nhanh đã đón nhận sự hưởng ứng nhiệt liệt của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà hàng, điểm đến ẩm thực địa phương, người dân và du khách.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, lợi thế của ngành hàng ăn uống Đà Nẵng là tiếp nạp sự du nhập nhiều thể tài món ăn, nhiều chủng loại đặc sản từ các miền đất nước, danh tiếng địa phương, để làm nên một tổng thể ẩm thực.

Có thể bắt gặp ở Đà Nẵng những gánh bún bò Huế lâu năm, những quán cơm gà Hội An có tiếng, những quán mỳ Quảng Phú Chiêm…

Gần đây, với sự xuất hiện của du khách các nơi, khu vực bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng có thêm nhiều quán ăn vị Bắc với cơm niêu, bún đậu; quán Nẫu Bình Định với bánh hỏi, hương vị Phố Núi với Phở 2 tô…

Du khách từ các nơi đến Đà Nẵng để thẩm định lại chính món ăn quê nhà của họ, được bày bán ở đây, cũng chính là sự xác thực cho những giá trị ẩm thực bao năm được “sống giữa Đà thành”.

Nên Đà Nẵng dựa vào những tích hợp ấy, tô đậm thêm giá trị không gian cuộc sống của người dân ở đây, hà cớ gì không tạo nên ẩm thực Đà Nẵng?

Một chuyên gia ẩm thực từng nói, hương vị quê nhà, chính là những cảm xúc mà mỗi người chứa đựng trong lòng, khi ăn món ăn của mẹ nấu, hương vị ở góc bếp nào đó tuổi ấu thơ và vị giác lâng lâng bất ngờ không bao giờ phai nhạt của một hoàn cảnh cuộc sống thăng trầm.

Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ món ăn gì, cũng có câu chuyện để kể về món ta đã nếm, đã ăn…

Cho nên, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã phối hợp các nhà hàng, khách sạn địa phương cấu trúc nên một chuỗi các sự kiện giới thiệu ẩm thực mỗi quê hương giữa Đà Nẵng. Trong năm 2023, khởi động nên một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về ẩm thực Đà Nẵng.

Kết nối với những sự kiện lễ hội ẩm thực trước đó và năm 2024 đẩy mạnh các hoạt động ẩm thực địa phương, Đà Nẵng đến nay đã xác thực giá trị văn hóa ẩm thực, kết tinh, hội tụ những nét văn hóa ẩm thực vùng đất quê hương.

Quan trọng nhất, là tích hợp vào đó những giá trị sáng tạo, văn hóa giao tiếp riêng ở vùng đất du lịch mới nổi này, không ngừng khẳng định giá trị chung nhưng xuất sắc hơn của mình.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc