Bắc Giang: Nhiều cơ hội phát triển du lịch đột phá
VHO - Ngày 11.11, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch của tỉnh.
Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang 2023
Nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch
Theo ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang: “Chương trình khảo sát và tổ chức Hội nghị Xúc tiến điểm đến du lịch tỉnh Bắc Giang 2023 là hoạt động thiết thực để các nhà quản lý, các đơn vị xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp du lịch trải nghiệm, khảo sát cụ thể về những điểm đến, những sản phẩm của du lịch Bắc Giang. Đây cũng là diễn đàn trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bắc Giang, qua đó giúp cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin, có cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch, kết nối tour, tuyến trong tỉnh, trong vùng”.
Bắc Giang là một tỉnh miền núi nằm cách Hà Nội 50km. Trong những năm gần đây, với vị trí địa lý thuận lợi, gần các Trung tâm kinh tế lớn của vùng, tỉnh Bắc Giang đã huy động mọi nguồn lực, phát huy lợi thế và đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế xã hội.
Từ năm 2020 Bắc Giang là một điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội với nhiều chính sách thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng trong top đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước.
9 tháng đầu năm 2023 và ước tính cả năm 2023 Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng GRDP ước khoảng 11,6% vào top đứng đầu cả nước… Điều này khẳng định Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ ở lĩnh vực công nghiệp mà cả lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: “Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong nhiều nhiệm kỳ đã rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển du lịch. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng từ năm 2010 đến nay đều có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch ở địa phương. Trong đó, công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng”.
Tỉnh cũng quan tâm tới công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh vùng, liên vùng. Nhờ đó hình ảnh du lịch Bắc Giang đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: điểm du lịch Chùa Vĩnh Nghiêm, khu khởi nghĩa Yên Thế, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, điểm du lịch chiến thắng Xương Giang, khu du lịch Tây Yên Tử huyện Sơn Động… Gần đây, vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn đang được biết đến như một điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thu hút được khá nhiều du khách quan tâm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 750 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có 5 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt (với 34 điểm); 95 di tích quốc gia; 617 di tích cấp tỉnh; có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.
Bắc Giang cùng với các địa phương khác có quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thực hành nghi lễ Then người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể của Bắc Giang được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 12 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã.
Bên cạnh đó, với địa hình phong phú và đa dạng, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng bản Ven Yên Thế…
Đặc biệt là vùng cây ăn trái quanh năm tươi tốt ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam đang rất phù hợp với xu thế hiện nay, xu hướng trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn hiện nay thì tôi tin rằng phát triển thì vùng cây ăn quả của Bắc Giang đang là một điểm đến vô cùng hấp dẫn.
Thực hiện Nghị quyết 112/NQ-TU của Ban thường vụ tỉnh uỷ Bắc Giang về việc phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh Bắc Giang xác định: Phát triển du lịch là trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương.
Trên cơ sở quan điểm đó, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến đến năm 2025 đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỉ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6 nghìn lao động.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Bắc Giang đang định hướng phát triển các không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao giải trí gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch và nhu cầu trong tỉnh, Vùng Thủ đô Hà Nội, các khu vực xung quanh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương xung quanh, kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng như: Hà Nội- Bắc Ninh- Bắc Giang- Lạng Sơn; Hà Nội- Bắc Giang- Quảng Ninh- Hà Nội; Hà Nội- Quảng Ninh- Bắc Giang- Hà Nội; Thái Nguyên- Bắc Giang- Quảng Ninh…
Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch của tỉnh
Tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực
Định hướng phát triển du lịch Bắc Giang đến năm 2030 tập trung Quy hoạch khu du lịch rừng Sơn Động gắn với du lịch biển Hạ Long; khu du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; khu du lịch cấp quốc gia từ các khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử huyện Sơn Động đến khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia.
Quy hoạch khu du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền huyện Yên Dũng, thành phố Bắc Giang. Xây dựng 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại các khu du lịch, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng hoặc ở vị trí thuận lợi. Ưu tiên dành quỹ đất, các vị trí thuận lợi, để thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư cho các dự án lớn về du lịch; xây dựng các tổ hợp khách sạn, resort,hệ thống nhà hàng, siêu thị, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa du lịch - thương mại.
Thời gian tới, Bắc Giang sẽ ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; du lịch cộng đồng.
Trong đó, tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng qua đó, xây dựng phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Tiếp tục thu hút đầu tư dự án tại Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn; khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao..
Thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang và một số sân golf tại huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam. Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động và Yên Thế.
Bắc Giang sẽ tập trung khai thác 4 dòng sản phẩm chủ lực
Trong những năm vừa qua đã có một lượng khách du lịch không nhỏ cả trong và ngoài nước đến với Bắc Giang. Tuy nhiên đối tượng khách du lịch chủ yếu là tự phát của các học sinh, sinh viên, các nhóm phật tử hành hương hay các đoàn khoa học đi nghiên cứu, hoặc khách công vụ.
Thời gian thường là đi trong ngày và do các nhóm tự tổ chức. Mức chi phí cho các chuyến du lịch thấp và cách thức tổ chức thiếu bài bản. Nguyên nhân cũng do các dịch vụ phục vụ du khách vẫn còn thiếu về điều kiện ăn, ở, dịch vụ còn hạn chế và chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng...
Hiện nay, các công ty du lịch chưa mở tour thường xuyên đến các điểm du lịch kể trên, nếu có thì sản phẩm chưa hoàn thiện và chất lượng dịch vụ chưa cao… Để khắc phục tình trạng này và khai thác hiệu quả các điểm đến du lịch của địa phương, chúng tôi đang tập trung triển khai tốt các giải pháp đồng bộ.
Trong đó thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát giới thiệu các điểm đến, tổ chức các hội nghị, tạo đàm nhằm thu thập những ý kiến xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch của tỉnh. Giới thiệu tiếp thị các điểm đến, sản phẩm du lịch đến các đơn vị làm công tác du lịch, các công ty lữ hành với mong muốn các công ty lữ hành sẽ xây dựng các tour du lịch có điểm đến là Bắc Giang, tạo đà hút khách đến với Bắc Giang.
Định hướng của Bắc Giang hiện nay và trong thời gian tiếp theo là tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hoá, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống giao thông thủy, bộ; gắn kết với các danh thắng, di tích, di sản văn hoá phi vật thể tạo thành hệ thống tuyến điểm du lịch...
Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thương mại, chuyển dịch cơ cấu sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các mô hình làng nghề, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình liên kết du lịch nội, ngoại tỉnh.
Mục đích là tạo ra các sản phẩm phù hợp, đặc trưng hướng xuất khẩu và phục vụ dịch vụ du lịch, làm cơ sở cho phát triển du lịch xuyên suốt các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng....
Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với lợi thế là một trong những trung tâm hoa trái miền Bắc
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Bắc Giang đang có rất nhiều chính sách ưu tiên để phát triển du lịch mà không phải tỉnh, thành nào cũng có được. Ngành du lịch tỉnh cần tận dụng tốt các chính sách này và các cơ hội để phát triển đột phá.
“Du lịch văn hóa đang là xu hướng của du lịch thế giới hiện nay nhằm tìm về những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Ngành du lịch Bắc Giang nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung cần đi sâu vào yếu tố văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ du khách. Thời gian tới, Bắc Giang cần tập trung để khai thác tốt hơn du lịch văn hóa, nông thôn và du lịch cộng đồng”, ông Bình nhấn mạnh.
Lấy ví dụ trước đây miền Bắc rất ít hoa trái, chủ yếu nguồn hoa trái từ miền Nam ra nhưng gần đây, Sơn La trở thành trung tâm hoa trái quốc gia. Bắc Giang hiện nay là địa phương có sản lượng vải lớn nhất cả nước, hoàn toàn có thể có những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vì thế, ông Vũ Thế Bình cho rằng, khi quy hoạch phát triển nông thôn phải có nội dung liên quan đến du lịch trong đó.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận tìm các giải pháp, cách làm cụ thể để khơi dậy tiềm năng, lợi thế để Bắc Giang phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh; đưa ra các biện pháp thực tế, có tính khả thi cao nhằm xây dựng được những sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch đến với Bắc Giang.
Nhiều ý kiến góp Bắc Giang xác định những việc cần thực hiện trong công tác quy hoạch, liên kết phát triển, đầu tư xây dựng các sản phẩm, giải pháp xúc tiến, quảng bá hình ảnh Bắc Giang. Đặc biệt là giải pháp thu hút các nhà đầu tư vào Bắc Giang, cũng như tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch một cách hiệu quả.
NGUYỄN ANH; ảnh: ĐOÀN HOA