Thực hiện Thông tư số 06/2017-TT-BVHTTDL: Sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế
VHO-Thời gian gần đây, các quy định trong Luật Du lịch 2017 và hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 06/2017-TT-BVHTTDL về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Chuẩn hoá chuyên môn là yếu tố quan trọng hướng tới làm du lịch chuyên nghiệp
Chuẩn hoá nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao năng lực cạnh tranh
Du lịch là ngành dịch vụ phát triển nhanh chóng ở nước ta những năm gần đây. Trước đây, nguồn nhân lực ngành Du lịch chủ yếu được đào tạo chuyên môn từ các ngành khác như: sư phạm, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, ngoại thương, thương mại, kinh tế, ngoại giao...
Do đó, phần lớn người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành của Việt Nam không được đào tạo bài bản nên chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, trong khi nhóm lao động này là lao động đặc thù, liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, thậm chí liên quan đến tính mạng con người. Chỉ có một số ít người điều hành kinh doanh lữ hành thành công từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc được đào tạo đúng chuyên ngành.
Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2009 hệ thống văn bản quy định về mã ngành du lịch mới được hoàn thiện. Chính phủ đã cho phép mở các ngành đào tạo về lữ hành, khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng… với các qui định về ngành đào tạo, nội dung đào tạo cụ thể.
Trong đó, các ngành liên quan đến lữ hành được xác định ở cả lĩnh vực du lịch và lĩnh vực quản lý kinh doanh gồm 4 ngành đào tạo với 3 trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, cả đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Đến năm 2017, các ngành đào tạo nói chung được mở rộng cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, lĩnh vực du lịch và lĩnh vực quản lý kinh doanh cũng được bổ sung nhiều ngành đào tạo chuyên sâu, trong đó, những ngành liên quan đến lữ hành được bổ sung thêm 3 ngành đào tạo.
Trước khi có các qui định về các ngành đào tạo trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến lữ hành trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, hệ thống các trường từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước đã đào tạo nhiều nhóm ngành có liên quan đến du lịch và chủ yếu đào tạo theo phạm vi đào tạo hoặc theo thế mạnh của từng trường. Ví dụ: Trường ĐH KHXHNV (ĐH QGHN) từ năm 1995- 2001 đào tạo chuyên ngành Du lịch, từ năm 2002- 2011 đào tạo chuyên ngành Du lịch học; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đào tạo 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn và Quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch; Trường Đại học Thương mại Hà Nội đào tạo 3 chuyên ngành: Quản trị doanh nghiệp khách sạn du lịch, Marketing (cao đẳng); kinh doanh khách sạn- du lịch (cao đẳng); Đại học Văn hóa Tp Hồ Chí Minh và Đại học Văn hóa Hà Nội đào tạo chuyên ngành Văn hóa du lịch, Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Việt Nam học; và một số trường đào tạo Kinh tế du lịch, Ngoại ngữ du lịch, Quản trị kinh doanh...
Để hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có sự thống nhất, chuẩn hóa về nội dung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó có lữ hành. Đối với những người đào tạo chuyên ngành khác hoặc chưa đúng ngành, chưa đúng nội dung cần được bổ sung kiến thức nghiệp vụ điều hành du lịch để chuẩn hóa kiến thức và cập nhật các quy định, chính sách, chiến lược phát triển mới của ngành du lịch.
Nhiều kiến thức, chính sách, quy định mới liên quan đến phát triển du lịch được cập nhật trong các kỳ thi, khoá học nghiệp vụ du lịch
Luật Du lịch 2017 đã quy định về trình độ chuyên môn của những đối tượng này căn cứ các ngành đào tạo, nội dung và mục tiêu đào tạo theo qui định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ. Quy định mới về người điều hành đã đơn giản thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh lữ hành và chuẩn hóa trình độ nghiệp vụ nguồn nhân lực trong lĩnh vực lữ hành. Hơn thế, quy định này còn tạo điều kiện cho hàng nghìn người học các chuyên ngành khác tiếp cận và khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế
Tuy nhiên, khi thực hiện Luật Du lịch 2017 và Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL (gọi tắt là Thông tư 06) liên quan đến quy định mới về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành lại xuất hiện những bất cập, không phù hợp với thực tế và cần sửa đổi, bổ sung.
Việc ban hành quy định về chuyên ngành lữ hành tại Thông tư 06 dựa trên các cơ sở pháp lý, mang tính hệ thống của Luật Du lịch 2017 và Thông tư 24/2017/TT-BGDĐTcủa Bộ trưởng Bộ GDĐT và Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH là đúng với các quy định hiện hành.
Trong quá trình soạn thảo Thông tư 06, Bộ VHTTDL đã mời đại diện các Bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ GDĐT , Bộ LĐTBXH tham gia Tổ Soạn thảo Thông tư. Ngoài việc lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành hữu quan và các cơ sở đào tạo, dự thảo Thông tư 06 cũng được lấy ý kiến công khai qua các hội thảo và đăng tải trên mạng.
Sau khi Thông tư được ban hành, Bộ VHTTDL, TCDL và các địa phương đã đồng loạt triển khai Luật Du lịch 2017, Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Thông tư 06 trên cả nước với đối tượng rộng rãi gồm các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cá nhân.
Khi áp dụng thực tế, có những trường hợp trên bằng ghi là Quản trị kinh doanh du lịch, trong khi Thông tư 06 quy định là ngành Quản lý và kinh doanh du lịch. Hay có những người văn bằng ghi tốt nghiệp ngành Du lịch học, Văn hoá du lịch, Kinh tế du lịch, Ngoại ngữ du lịch... đều không đúng với Thông tư 06, lo ngại không đủ điều kiện kinh doanh hoặc mất quyền điều hành. Trước thực tế đó, TCDL đã áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp có sự sai lệch ít về tên ngành đào tạo như ở trên, vẫn cấp đăng ký kinh doanh bình thường. Đồng thời dự kiến trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL rà soát các ngành hiện có (7 ngành) quy định tại Thông tư 06, cụ thể hóa và bổ sung một số nội dung liên quan đến các chuyên ngành được công nhận tại Thông tư 06 sau khi sơ kết một năm thực hiện, có xem xét đến một số chuyên ngành đào tạo đã được công nhận trước đây liên quan trực tiếp đến quản trị kinh doanh lữ hành, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH.
Thực tiễn quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính về lữ hành cho thấy, do sự chưa đồng bộ trong việc qui định danh mục ngành, nghề đào tạo trong một thời gian dài, một số trường không chuẩn hóa ngành đào tạo theo qui định của pháp luật nên dẫn đến tình trạng có những người đã theo học và tốt nghiệp các ngành có liên quan đến lữ hành nhưng không đúng ngành đào tạo được qui định trong danh mục nên không được chấp nhận văn bằng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lữ hành. Ngoài ra còn phát sinh một số vấn đề về tên gọi của ngành đào tạo được ghi trên văn bằng hoặc liên quan đến văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp…
Để giải quyết những trường hợp đã tốt nghiệp tại các trường, khoa du lịch trước Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.3.2009 và các văn bản hướng dẫn, TCDL đang rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL sửa đổi một số điều của Thông tư 06 theo tinh thần đảm bảo các sinh viên đã tốt nghiệp có học các chuyên ngành du lịch, lữ hành sẽ được công nhận đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành.
Với những người đã tốt nghiệp ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng và các lĩnh vực chuyên môn khác, theo Thông tư 06 chỉ cần tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch chứ không bắt buộc phải tham gia các khóa học mới được thi.
P.V
Những quy định về trình độ nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành
Luật Du lịch 2017
Điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 31 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp chuyên ngành về lữ hành trình độ trung cấp trở lên (đối với lữ hành nội địa) và cao đẳng trở lên (đối với lữ hành quốc tế); trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch (nội địa hoặc quốc tế tương ứng).
Khoản 5 Điều 31 giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chi tiết về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Như vậy Thông tư được ban hành theo đúng thẩm quyền.
Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL
Khoản 1 Điều 3: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành: là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Khoản 2 Điều 3: Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch.
Căn cứ pháp lý để xác định các ngành/chuyên ngành được coi là chuyên ngành về lữ hành quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL:
- Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012
- Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân,
- Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ đại học
- Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành Danh mục, ngành nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Trong đó, các quy định về tên ngành đào tạo và nội dung đào tạo của các ngành liên quan đến du lịch tại các văn bản trên đã kế thừa và bổ sung quy định tại các văn bản từ năm 2005 gồm:
- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005
- Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2009 Về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân
- Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2010.
- Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2013.
- Thông tư số 17/2010/TT- BLĐTBXH ngày 04/06/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban hành Bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề
Các ngành, nghề đào tạo liên quan đến lữ hành
TT | Các ngành, nghề đào tạo được qui định tại Quyết định 38/2009/QĐ-TTg, Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT, Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT và Thông tư số 17/2010/TT- BLĐTBXH | Các ngành đào tạo được quy định tại Quyết định 01/2017/QĐ-TTg, Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2017/TT- BLĐT |
A. | Lĩnh vực kinh doanh và quản lý | Lĩnh vực kinh doanh và quản lý |
1 | Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; | Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành |
2 | Marketing du lịch; | Marketing du lịch; |
3 |
| Du lịch |
4 |
| Quản lý và kinh doanh du lịch |
B. | Lĩnh vực Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân | Lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân |
5 | Quản trị lữ hành; | Quản trị lữ hành; |
6 | Điều hành tour du lịch; | Điều hành tour du lịch; |
7 |
| Du lịch lữ hành; |