Hà Nội:

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị

QUỲNH HOA

VHO - Sáng ngày 6.8, Đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2024 đã có buổi làm việc thực tế tại một số chợ, di tích và cơ quan thuộc quận Hà Đông và Hai Bà Trưng.

Xây dựng mô hình chợ văn minh

Tại khu vực chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), đoàn kiểm tra ghi nhận quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được niêm yết công khai, dễ thấy tại cổng ra vào. Bên cạnh đó, các kiôt kinh doanh cũng được trưng bày gọn gàng, ngăn nắp; vệ sinh môi trường khu vực chợ cũng sạch sẽ, thoáng mát…

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 1
Đoàn kiểm tra quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chợ Hôm (quận Hai Bà

 Báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Thành Thị Kiều Oanh, Phó trưởng Phòng Văn hoá (quận Hai Bà Trưng) cho biết, những năm qua, UBND quận đã tổ chức tuyên truyền tại các chợ truyền thống bằng các hình thức đa dạng như: Tập huấn các nội dung QTƯX cho ban quản lý các chợ; sử dụng đĩa, file âm thanh để phát thanh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh các chợ; đưa nội dung quy tắc ứng xử vào nội quy chợ, đóng khung treo tại khu vực trung tâm để người mua-bán đều dễ quan sát, thực hiện.

Ban quản lý các chợ in ấn, cấp phát bộ QTƯX nơi công cộng cho các hộ dân kinh doanh; tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại…

Hội LHPN quận tuyên truyền, vận động Hội viên phụ nữ kinh doanh khối chợ thực hiện văn hoá ứng xử văn minh thương mại tại chợ như: sắp xếp hàng hóa kinh doanh gọn gang, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy; giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp văn minh, lịch sự; không nói thách quá mức; giữ gìn vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự tại chợ.

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 2
Đoàn kiểm tra làm việc với quận Hai Bà Trưng và phường Lê Đại Hành

Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước trong hoạt động kinh doanh tại chợ như niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo chất lượng; không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả...

Tương tự, tại quận Hà Đông, các cửa hàng kinh doanh trên phố lụa Vạn Phúc đều niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, thực hiện mô hình tuyên truyền chợ văn minh, Phòng đã làm điểm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, hướng dẫn tiểu thương các nghiệp vụ bán hàng, thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép giá du khách sử dụng sản phẩm, thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Đánh giá về việc thực hiện bộ QTƯX tuyên truyền xây dựng chợ văn minh, mô hình di tích lịch sử văn hoá – điểm đến an toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hoàng Thu Hồng - thành viên Đoàn kiểm tra cho biết, từ năm 2018 đến nay Hội Phụ nữ Hà Nội phối hợp với các địa phương thực hiện bộ QTƯX nơi công cộng và cụ thể hóa thành ba mô hình, bao gồm: mô hình tổ dân phố văn hóa, kiểu mẫu; mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả và mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, điểm đến an toàn. 

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 3
Một gian hàng giầy dép tại chợ Hôm

Sau một thời gian triển khai, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 58 tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu, tổ dân phố và thôn văn hóa kiểu mẫu; 20 mô hình chợ và 30 mô hình di tích, thắng cảnh.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là xây dựng mô hình chợ văn minh bởi vì mô hình chợ truyền thống không còn như trước nữa, bởi vì các chị em tiểu thương phải cạnh tranh với mô hình bán hàng online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, các chị em cũng nhận thấy môi trường chợ truyền thống ngày càng văn minh hơn thì sẽ càng thu hút được khách mua hàng, khoảng cách giữa chợ và siêu thị sẽ ngắn lại và làm cho người dân không ngại đến chợ nữa.

“Để làm việc đó, các chị em đã ký cam kết không niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không nói thách quá… và các chị em tiểu thương cũng đã rất là tích cực tham gia. Ngoài ra, các chị em đã có ý thức trong việc giữ gìn với cảnh quan môi trường, tránh việc mất vệ sinh, thực phẩm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc… Các chị em nhận thấy sự thay đổi trong chính bản thân để khách hang cảm thấy vui vẻ và sẽ duy trì được mối quan hệ thường xuyên giữa khách hàng tiểu thương”, bà Hoàng Thu Hồng chia sẻ.

Mô hình di tích lịch sử văn hoá, điểm đến an toàn

Đình làng Vạn Phúc được xây dựng từ lâu đời, thờ tổ nghề dệt lụa và được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986. Hằng năm, nhân dân trong làng và khách quốc tế đến đi lễ và tham quan rất đông.

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 4
Đình làng Vạn Phúc

Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc (Hà Đông) Đỗ Xuân Thuỷ, cho biết, từ khi có bộ QTƯX năm 2017 và được niêm yết ngay phía ngoài, người dân và du khách bước vào cổng đình có thể nhìn thấy ngay.  Nội dung bộ quy tắc phù hợp với phong tục, tập quán nên việc chấp hành của người dân rất thuận lợi khi đến tham quan hay dự lễ hội, tuân thủ từ trang phục, đến ứng xử, giao tiếp…

Ngoài việc tuyên truyền QTƯX tại bảng niêm yết thì trong cuộc họp tổ dân phố, chi bộ đảng, các cấp chính quyền cơ sở luôn nhắc nhở người dân tôn trọng và thực hiện QTƯX. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Thuỷ, bảng niêm yết QTƯX đã được treo 7 năm, trải qua mưa nắng đã bị phai mờ, nên ông đề xuất cần một bảng mới trang trọng hơn, nổi bật, rõ ràng hơn.

“Bên cạnh đó là quy tắc cần phải được dịch ra tiếng Anh, để 1 bên tiếng Việt, 1 bên tiếng Anh để du khách nước ngoài đến họ cũng có thể nắm bắt được”,  Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc đề nghị.

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 5
Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc (Hà Đông) Đỗ Xuân Thuỷ cho rằng quy tắc ứng xử cần dịch ra tiếng Anh phục vụ du khách nước ngoài

Theo ghi nhận, không chỉ đình làng Vạn Phúc, mà tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng như tại khu Trung tâm kinh doanh lụa, khu văn hóa tâm linh đình, đền, chùa của phường Vạn Phúc… nhân dân tại địa phương cũng như các đoàn du khách đều chấp hành tốt các nội dung quy định và cảm thấy hài lòng khi được cán bộ quản lý, nhân viên tuyên truyền, phổ biến các nội dung thuộc quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như các nội quy, quy định khác tại khu di tích của địa phương.

Tại quận Hai Bà Trưng, việc xây dựng mô hình di tích lịch sử văn hoá, điểm đến an toàn được thể hiện bằng việc “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch” (số hóa công tác quản lý hồ sơ tại các di tích).

Dự án thực hiện các nội dung số hóa tài liệu, tạo lập kho dữ liệu; số hóa 3D hiện vật, không gian cảnh quan di tích; phần mềm quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin lưu trữ và cài đặt phần mềm quản lý kho dữ liệu số hóa.

Xây dựng văn hoá ứng xử để chợ truyền thống cạnh tranh với siêu thị - ảnh 6
Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết nổi bật tại chùa Viên Minh (quận Hai Bà Trưng)

Tổ chức giới thiệu và ra mắt Website “360o di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961 - 2024).

Đoàn Thanh niên quận xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021 - 2025” nhằm mã hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận.

Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử cũng như cung cấp, chia sẻ dữ liệu về các điểm di tích lịch sử cho người dân, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu số để lan tỏa các giá trị lịch sử - văn hóa trong cộng đồng; tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước trong thanh thiếu nhi và nhân dân thông qua trang mạng xã hội facebook và các fanpage của Quận đoàn Hai Bà Trưng.

Phối hợp Đoàn thanh niên các trường Đại học trên địa bàn Quận trong công tác tạo lập mã QR của các di tích. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai thành công 26 mã QR tại 28 điểm di tích lịch sử đưa vào ứng dụng…