Thực hiện quy tắc ứng xử tại Hà Nội: Người dân được hưởng lợi
VHO - Ngày 12.9, Đoàn kiểm tra của TP Hà Nội về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và tại nơi công cộng tiếp tục làm việc tại huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng.
Đoàn kiểm tra đã tới các bộ phận tiếp dân, bộ phận một cửa của xã, huyện, nhà văn hoá thuộc 4 huyện. Tại các cơ sở, nhiều quy định về trang trí, bộ nhận diện thương hiệu một cửa, đồng phục cán bộ, giao tiếp được Đoàn kiểm tra đánh giá khá tốt, cơ sở vật chất được đầu tư, tuân thủ các hướng dẫn, quyết định trong thực hiện Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động và nơi công cộng; công khai đường dây nóng của Chủ tịch xã, có hộp thư tiếp nhận kiến nghị, có khẩu hiệu hành chính…
Đoàn kiểm tra khảo sát tại bộ phận một cửa UBND thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ
Tuy nhiên, thành viên Đoàn kiểm tra cũng góp ý cho các địa phương một số mặt còn hạn chế như bộ nhận diện thương hiệu một cửa còn thưa thớt, chưa cập nhật các văn bản mới tại bộ phận một cửa, cần trồng thêm nhiều cây xanh để tạo không gian môi trường làm việc xanh – mát, thân thiện…
Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sông văn hoá và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) – Trưởng Đoàn kiểm tra cho rằng, việc thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử chính là để bản thân cán bộ, công chức và người dân được thụ hưởng. Đồng thời, đề nghị các địa phương bên cạnh nêu lên những mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử cũng cần góp ý những hạn chế, điều chỉnh những quy định không phù hợp.
Theo báo cáo của các địa phương, công tác tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Đó là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, qua các hội nghị, tuyên truyền lưu động tới các ngõ, xóm… Từ đó, nhiều hội thi, phong trào, mô hình sáng tạo gắn với 2 Bộ quy tắc được ra đời thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia.
Tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) thực hiện mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính. Khi công dân đến làm thủ tục vào ngày này sẽ được cán bộ, Đoàn Thanh niên điền vào các giấy tờ, hồ sơ; được giải quyết ngay trong ngày mà không hẹn lấy kết quả vào hồm khác. Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, mô hình này được triển khai tại bộ phận một cửa của huyện, xã, thị trấn nhằm hỗ trợ công dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hướng đến sự hài lòng của công dân trên địa bàn huyện.
Người dân quét mã QR để tải các loại gấy tờ cần thiết tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất
Tại huyện Thạch Thất, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử không tách rời riêng biệt mà được lồng ghép trong các cuộc thi. Chẳng hạn thi giáo viên dạy giỏi thì phần lý thuyết là thi ứng xử; các cuộc thi của Hội nông dân, Hội phụ nữ cũng đề cập đến những quy định trong 2 Bộ quy tắc ứng xử. Ở các nhà văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng đều niêm yết các quy định ứng xử ở những nơi dễ nhìn để người dân cùng thực hiện.
Cũng không áp dụng một cách cứng nhắc, Bộ quy tắc ứng xử được huyện Phúc Thọ lồng ghép trong bộ tiêu chí ứng xử gia đình. Đưa quy tắc ứng xử vào tiêu chí bình xét các danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua thực hiện văn hoá công sở và nơi công cộng. Qua đó làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ứng xử phù hợp, đúng mực với người dân tại nơi làm việc cũng như tại nơi công cộng…
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Trưởng phòng VH&TT huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, để triển khai thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng thành công nhiều mô hình tạo niềm vui, hứng khởi trong nhân dân. Đó là: mô hình thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội; mô hình Tổ dân phố kiểu mẫu; mô hình sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi… Các mô hình được Hội phụ nữ, Hội Nông dân, MTTQ địa phương cùng chung tay và kêu gọi hội viên tích cực hưởng ứng nên đã đạt nhiều kết quả tốt.
Bên cạnh những thành tích, các địa phương cũng chỉ ra những hạn chế như một số công chức, viên chức vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc thực hiện quy tắc ứng xử nên vẫn còn vi phạm; một bộ phận người dân cư ý thức chưa cao trong việc chấp hành quy định, luật cũng như quy tắc ứng xử. Do đó, đại diện các địa phương đều cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thì cần tăng cường các chế tài xử phạt để việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử một cách hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: QUỲNH HOA