Xây dựng 500 trạm sơ cấp cứu cộng đồng

VHO - Ngày 7.9 tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, gần 700 đại biểu và lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, sinh viên, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã tham gia tập huấn diễn tập tình huống sơ cứu, hưởng ứng ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023.

Với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số”, Lễ kỷ niệm ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhằm nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thúc đẩy, lan toả, chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của người dân, cộng đồng và xã hội đối với hoạt động sơ cấp cứu.

Xây dựng 500 trạm sơ cấp cứu cộng đồng - Anh 1

Các cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tập huấn tình huống sơ cấp cứu 

Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo, là hoạt động truyền thống của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và là một trong các hoạt động trọng tâm của 192 Hội quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều hoạt động đã được tổ chức tại lễ kỷ niệm: Ký kết triển khai hoạt động đào tạo, trao tặng dụng cụ huấn luyện sơ cấp cứu, túi sơ cấp cứu/mũ bảo hiểm cho tình nguyện viên và trường học. Diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức các khóa tập huấn sơ cấp cứu cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trong các doanh nghiệp...

Tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng có tỷ lệ thương tích và tử vong cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế, số người bị thương tích trung bình mỗi năm là gần 1.150.000 trường hợp, trong đó khoảng 300 nghìn trường hợp là trẻ em và vị thành niên (từ 0 – dưới 18 tuổi). Số người tử vong vì thương tích trung bình là 33.500 người mỗi năm.

Tại Lễ kỷ niệm, bà Bùi Thị Hoà, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục.

“Nếu mọi người, mọi cộng đồng, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu và những trang thiết bị sơ cấp cứu cơ bản thì hoàn toàn có thể chủ động thực hiện sơ cấp cứu cho chính mình hoặc những người xung quanh trước khi có sự xuất hiện của các nhân viên y tế hoặc trước khi được đưa đi cấp cứu. Trong xã hội hiện đại, sơ cấp cứu không chỉ là kiến thức, kỹ năng cần biết mà cần được xem là một yêu cầu, một điều kiện thiết yếu đối với mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng”, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện nay trên cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập 500 trạm, điểm sơ cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời sơ cấp cứu cho người bị nạn.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân. Xây dựng các video hướng dẫn và mô phỏng kỹ thuật, các trò chơi kỹ thuật số để sử dụng trong các khóa huấn luyện sơ cấp cứu, giúp mọi người ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh dễ dàng tiếp thu và lưu giữ kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc