Việt Nam đẩy mạnh kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí

XUÂN QUANG

VHO - Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn, Việt Nam đang triển khai hàng loạt giải pháp kiểm soát nguồn thải, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí gia tăng đáng lo ngại

Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có xu hướng gia tăng, trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe người dân và quá trình phát triển bền vững.

Để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp khả thi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.

Việt Nam đẩy mạnh kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí - ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo

Theo báo cáo của Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Hà Nội và TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều thời điểm vượt mức trung bình, thậm chí chạm ngưỡng kém, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhận định, ô nhiễm không khí là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố này thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém, gia tăng ô nhiễm trong những giai đoạn gần đây, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại 2 thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và so với khuyến cáo của WHO.

 Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa, mà còn lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân.

Theo Thứ trưởng Ngô Công Thành, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; Hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời...

Một vấn đề đáng lưu ý khác là các nguồn phát thải tự nhiên và xuyên biên giới – như bụi từ hoạt động nông nghiệp, cháy rừng và ô nhiễm không khí từ các nước lân cận – cũng đang được xem xét vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nước.

Hướng tới chiến lược kiểm soát hiệu quả

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mãn tính.

Việt Nam đẩy mạnh kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí - ảnh 2
Ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Các nghiên cứu trong nước đã cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, dị ứng, bệnh da liễu và các bệnh mãn tính khác.

Không khí ô nhiễm không chỉ làm tăng tỉ lệ nhập viện và chi phí y tế, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế.

Về phía chính sách, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, ô nhiễm không khí không giới hạn bởi ranh giới hành chính, do đó, cần tiếp cận kiểm soát ô nhiễm không khí theo hướng liên ngành, liên vùng và có sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội.

Đồng thời, với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”,  cần ưu tiên việc chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường trong đó có môi trường không khí thay vì  khắc phục, xử lý môi trường khi đã bị ô nhiễm. 

Các đại biểu đến từ các quốc gia, tổ chức đã thảo luận những vấn đề cốt lõi liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Việt Nam; đánh giá tổng quan hiện trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm, bao gồm các nguồn thải chính như giao thông, xây dựng, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời phân tích tác động của điều kiện khí hậu, thời tiết.

Hội thảo cũng tổng kết kết quả triển khai của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện chất lượng không khí giai đoạn 2025–2030, với các nhóm giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực như năng lượng, giao thông, xây dựng và kiểm kê nguồn thải.

Đồng thời, Bộ đã triển khai một số nhiệm vụ trọng điểm như dự án kiểm kê phát thải tại các khu vực kinh tế trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam, nhằm phục vụ việc xây dựng mô hình dự báo và kịch bản ô nhiễm không khí.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Một số chương trình đang được triển khai với sự hỗ trợ của UNDP, ADB, Worldbank, UNEP và các doanh nghiệp lớn như VinGroup, nhằm phát triển mạng lưới trạm đo nhanh, thúc đẩy giao thông xanh và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, giải quyết ô nhiễm không khí đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và cộng đồng.

Trong khi đó, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam là nền tảng quan trọng để chuyển hóa thành chính sách và hành động cụ thể, từ đó đem lại một môi trường sống trong lành hơn cho người dân.

Hội thảo cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và từng bước hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững. Không khí sạch không chỉ là nhu cầu sống còn của người dân mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo tương lai phát triển kinh tế – xã hội bền vững, văn minh và nhân văn.