Vi phạm giao thông trên cao tốc: Xử lý nghiêm để tránh hiểm họa rình rập
VHO - Vi phạm giao thông trên các tuyến đường cao tốc đang có dấu hiệu gia tăng, trong đó không ít vụ việc phải trả giá bằng cả mạng sống của con người.
Dù theo Nghị định số 168.2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, mức phạt ở nhiều nội dung vi phạm đã được tăng lên, song tình trạng trên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Thực tế trên cho thấy, cần có thêm những giải pháp mạnh tay và đồng bộ hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Muôn kiểu vi phạm
Chỉ trong vài ngày cuối tháng 6.2025, hàng loạt vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc đã được lực lượng chức năng ghi nhận và xử lý. Điển hình là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong sáng 25.6 tại Km26 Đại lộ Thăng Long (thành phố Hà Nội), khiến người đi xe máy tử vong tại chỗ sau va chạm với xe tải. Nạn nhân được xác định đã đi ngược chiều, trong khi 2 chủ xe ô tô khác, do mâu thuẫn riêng, điều khiển xe chạy tốc độ cao để rượt đuổi nhau, dẫn đến va chạm. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) sau đó đã xác minh và khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó, ngày 22.6, một nữ tài xế điều khiển xe ô tô, chỉ vì đi quá đường, đã bất chấp nguy hiểm để lùi xe trên đoạn nút giao Sông Công, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho các phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao. Nữ tài xế này đã bị phạt 35 triệu đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Cũng theo Cục Cảnh sát giao thông, trong hai ngày từ 23 đến 24.6, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện 6 tài xế lái xe sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện trên cao tốc. Cả 6 trường hợp vi phạm nêu trên đều là phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. Mỗi lái xe vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt từ 4-6 triệu đồng và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Cần hình phạt nghiêm khắc hơn
Đáng ghi nhận là sự vào cuộc nhanh chóng, xử lý quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông ngay sau khi xảy ra các vụ việc. Các đội cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc đã liên tục sử dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, có trường hợp đã bị khởi tố hình sự.
Đặc biệt, từ ngày 23.6, Cục Cảnh sát giao thông đã mở đợt ra quân kiên quyết xử lý các nhóm hành vi vi phạm giao thông trên các tuyến cao tốc, như: Dừng đỗ, đón trả khách, hàng hóa không đúng quy định; sử dụng điện thoại; tránh, vượt, đi sai phần đường, làn đường, chuyển làn không có tín hiệu báo trước, đi vào làn khẩn cấp và vi phạm quy định về tốc độ…
Trong 3 ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý trên 800 trường hợp vi phạm trên các tuyến cao tốc. Các đơn vị cho biết sẽ tiếp tục tuần tra lưu động, bí mật ghi hình, theo dõi các lái xe qua thiết bị camera trên xe để xử lý việc dừng xe, lùi xe, đi vào làn khẩn cấp, vi phạm về tốc độ trên cao tốc, kể cả đi dưới tốc độ cho phép, để nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông.
Thiếu tá Đinh Vạn Sơn, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: "Qua những ngày đầu ra quân cho thấy, lỗi vi phạm nhiều nhất mà các tài xế thường mắc phải là đi quá tốc độ cho phép, dừng đỗ xe không đúng quy định, chạy xe trên làn đường khẩn cấp, vi phạm chuyển làn và sử dụng điện thoại trong khi lái xe".
Theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu, một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông hàng đầu trong nhiều năm qua là ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn kém. Vì vậy, tăng mức phạt để người dân lưu tâm hơn đến luật, dần dần thay đổi ý thức, xây dựng nền nếp trong giao thông là điều nên làm. Cụ thể là Nghị định số 168.2024/NĐ-CP của Chính phủ đã nâng mức phạt hành vi đi ngược chiều, quay đầu, lùi xe trên cao tốc lên 30-40 triệu đồng và trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, để giải quyết tận gốc tình trạng vi phạm trên cao tốc, không thể chỉ dựa vào phạt tiền. Cần xem xét áp dụng những biện pháp mạnh hơn nữa như tước giấy phép lái xe trong thời gian dài, buộc tái kiểm tra kỹ năng lái xe, thậm chí đưa vào diện lao động công ích nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cần được triển khai sâu rộng hơn nữa. Việc cập nhật kỹ năng sử dụng thiết bị định vị, lái xe an toàn cũng cần được đưa vào các khóa đào tạo, sát hạch lái xe bắt buộc…
Cao tốc là tuyến đường tốc độ cao, yêu cầu cao về ý thức và kỹ năng của người điều khiển phương tiện. Để hạn chế tối đa những vi phạm trên các tuyến đường này - nơi mọi sai lầm đều có thể trả giá bằng mạng sống, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng, sự nghiêm khắc từ chế tài pháp luật và trên hết là tinh thần trách nhiệm từ mỗi tài xế.
Theo HIỀN PHƯƠNG/Báo Hà Nội Mới
Link bài viết gốc