Về Thẩm Rộc nghe gỗ kể chuyện

VHO - Múa rối cạn là một trong những giá trị văn hóa độc đáo của người Tày ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên), tạo nên sự khác biệt trong bức tranh văn hóa của người Tày nơi đây với những khu vực khác trên cả nước. Từ những khúc gỗ tưởng chừng vô tri, qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân phường rối Thẩm Rộc, từng quân rối như được “thổi hồn” sống dậy trước sự trầm trồ, tán dương của khán giả.

Về Thẩm Rộc nghe gỗ kể chuyện - Anh 1

 Để tạo ra con rối hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn

 Nghệ thuật múa rối cạn được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015. Cùng với sự quan tâm và các chính sách hỗ trợ của địa phương, nghệ thuật biểu diễn rối cạn Thẩm Rộc dần “hồi sinh”, mở rộng phạm vi biểu diễn ở nhiều nơi như phố đi bộ Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… tạo điều kiện cho các nghệ nhân duy trì và phát triển di sản của ông cha, giúp cho giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó trở thành tiềm năng phát triển du lịch.

Múa rối cạn ở Định Hóa nổi tiếng nhất là thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên do dòng họ Ma Quang sáng tạo và gìn giữ. Không có ghi chép cụ thể về thời gian hình thành phường rối Thẩm Rộc, nhưng theo tư liệu của dòng họ, đến nay đã truyền được 13 đời, tương ứng gần 300 năm. Một phường rối thường hơn 10 người, đều là anh em, con cháu trong họ và chỉ có trưởng họ được thừa kế, giữ gìn quân rối, đạo cụ, sách giáo trò…

Trước khi có tên gọi múa rối, người Tày gọi nghệ thuật biểu diễn này là “ổi lỗi”. Ban đầu, một bộ rối chỉ có 6 con, trong đó có 2 con rối to nhất là rối bố (mặt đỏ) và rối mẹ (mặt trắng). Sau dựa trên nhiều tích truyện mà phát triển thêm, đến nay đã có 33 quân cả rối người và động vật. Các quân rối được làm bằng gỗ thừng mực - một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Để tạo ra một con rối, trung bình người nghệ nhân cần khoảng 3 ngày với nhiều công đoạn như chọn vật liệu, tạo hình, phơi khô, lên màu, may trang phục. Màu sử dụng trong phường rối Thẩm Rộc đều là những nguyên liệu từ tự nhiên như màu trắng từ vôi, màu đen từ nhọ nồi, màu vàng từ củ nghệ, màu nâu từ củ nâu…

Rối hình người được tạc bán thân (nửa thân trên), còn rối hình thú thì đầy đủ. Các bộ phận, chi tiết rối ghép lại với nhau bằng những mối lạt giang hay lạt mây, tạo thành các khớp, giúp cử động dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào con rối và tích truyện mà người điều khiển vừa sử dụng que tre vừa dùng dây, tay hay sào để biểu diễn. Với quân rối chỉ tạc nửa thân trên, một que tre cắm nối thêm để cầm giữ cả con rối, hai que cắm vào hai khuỷu tay để cử động rối. Với những quân rối có cử động phức tạp hơn, nghệ nhân thường điều khiển bằng cả que và dây, giấu kín trong quần áo. Sự đơn giản trong tạo hình, điều khiển, kỹ thuật chế tác chính là thử thách, đồng thời cũng là điều kiện để nghệ nhân sáng tạo ra nhiều động tác đẹp trong khi biểu diễn.

Trước đây, một buổi biểu diễn rối truyền thống gồm 8-12 trò, kéo dài cả buổi. Nay được rút ngắn lại còn một trò gồm nhiều tiết mục nhỏ, mục đích là để mua vui cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, buổi diễn rối không thể thiếu tiết mục “leo cây bắt tắc kè”. Theo quan niệm dân gian, tắc kè là loài vật có khả năng dự báo thời tiết. Trong trò diễn, tắc kè được coi là biểu tượng của thiên nhiên, còn người bắt tắc kè tượng trưng cho loài người. Cuộc rình đuổi bắt tắc kè thể hiện mong ước chinh phục tự nhiên, để tự nhiên phục vụ con người. Người leo cây bắt được tắc kè đồng nghĩa với nắm được khả năng phán đoán thời tiết để đối phó kịp thời, giúp mùa màng bội thu. Thông qua các bài diễn, phường rối Thẩm Rộc gửi gắm vào đó thông điệp yêu lao động, ca ngợi người chăm chỉ, chê bai kẻ lười biếng, khuyên nhủ mọi người phải đoàn kết gắn bó cùng phát triển.

Trước đây múa rối cạn Thẩm Rộc thường xuất hiện trong dịp Tết hoặc trong các lễ hội mang tính tâm linh của người Tày, nhưng hiện nay đã biểu diễn phổ biến hơn để du khách gần xa cùng thưởng thức. Xem một buổi diễn rối, không ít khán giả phải trầm trồ tấm tắc khen những người nghệ nhân Thẩm Rộc khéo léo tài hoa, đã biến hóa những khúc gỗ đơn sơ trở nên linh hoạt và sống động lạ thường. Đến với phường rối Thẩm Rộc, du khách không chỉ được xem trình diễn, mà còn được những nghệ nhận nơi đây hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ cách để tạo ra một quân rối cho riêng mình.

Nghệ nhân phường rối Thẩm Rộc Ma Khắc Dũng chia sẻ: “Tôi biểu diễn ở phường rối Thẩm Rộc đã hơn 20 năm và tôi rất yêu nghề. Mỗi lần lên sân khấu, tôi đều hòa mình vào nhân vật và lắng nghe lời thoại, lời giáo, âm nhạc để động tác của con rối phối hợp thật nhịp nhàng. Đây là nghề của tổ tiên, dòng họ trao truyền cho mình nên phải có trách nhiệm giữ gìn, truyền thừa. Tôi mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục học nghề để lưu giữ giá trị di sản văn hóa rối cạn của dân tộc mình”. 

HOÀNG LINH

Ý kiến bạn đọc