Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh

TÂN BÌNH

VHO - Tròn 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc, với những chiến sĩ hải quân trực tiếp tham gia trận đầu trên sông Gianh, hình ảnh những con tàu, những người lính anh dũng kiên cường chiến đấu với máy bay địch mãi mãi khắc sâu trong trái tim…

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 1
Chứng tích lịch sử cầu cảng sông Gianh, nơi diễn ra trận đánh máy bay giặc Mỹ.    Ảnh: Xuân Thi

Sẵn sàng chiến đấu

Tài liệu Cục Chính trị Quân chủng Hải quân về kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại: Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 2.8.1964, đêm 4.8.1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy lý do mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” sử dụng máy bay đánh phá miền Bắc từ Cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 2
Đổi thay trên quê hương Tân Mỹ, làng quê bên cửa sông Gianh, nơi diễn ra trận đánh máy bay lịch sử

Trên địa bàn Quảng Bình, lúc 12 giờ 30 phút ngày 5.8.1964, địch dùng 8 máy bay F8U bay từ phía biển vào đèo Ngang, chia làm 2 tốp, một tốp oanh tạc các căn cứ Hải quân ở cửa sông Gianh, mũi Roòn, ném bom tàu đo đạc 527 đang làm nhiệm vụ ở cửa Roòn và tốp còn lại vòng theo dãy Trường Sơn lên phía thượng nguồn sông Gianh rồi quay về bắn phá cảng Gianh.

Tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6), thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời cơ động chiến đấu, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch.

Vào lúc 16 giờ 18 phút cùng ngày, địch tiếp tục sử dụng 11 máy bay F8U bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. Ngay loạt đạn đầu, bộ đội ta đã bắn cháy 1 máy bay địch...

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 3
Những người lính hải quân năm xưa kể lại "bài ca chiến thắng" cho các chiến sĩ hải quân hôm nay. Ảnh: X.T

Chiều tháng 8, bên bờ sông Gianh, nơi chiếc cầu tàu - minh chứng lịch sử còn sót lại ở phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn, chúng tôi được nghe những người lính hải quân trực tiếp tham gia trận đánh máy bay giặc Mỹ trên sông Gianh kể lại “bài ca chiến thắng trận đầu”.

Nhớ về những năm tháng hào hùng, cựu chiến binh Lê Văn Trí, chiến sĩ Hải quân sông Gianh năm xưa (80 tuổi, hiện sinh sống ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) vẫn nhớ rõ từng sự kiện đã diễn ra của trận đánh.

Giữa trưa ngày 5.8.1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng rất nhiều máy bay từ 2 tàu sân bay ở ngoài biển chia thành nhiều tốp, bay ở độ cao thấp khác nhau bổ nhào ném bom sát thương, bom nổ trên không, bom napan, bom bi, bắn rocket và đạn 20 ly vào quân cảng sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 4

Cựu chiến binh Lê Văn Trí, chiến sĩ Hải quân sông Gianh năm xưa kể lại những sự kiện lịch sử ở nơi diễn ra trận đánh

Theo ông Trí, ngay từ đầu năm 1964, nhận định đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh, leo thang bắn phá miền Bắc bằng không quân, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo mọi đơn vị chuyển sang trạng thái thời chiến. Từ tháng 7.1964, lực lượng hải quân cũng chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Người Trung sĩ năm xưa kể lại, do chuẩn bị từ trước nên bộ đội ta không bất ngờ. Tàu trực ban rời cảng trước, các tàu 161, 167, 173, 175, 177, 181, 183 thuộc phân đội 5, 6, 7 (Khu tuần phòng 5 Hải quân) do các đồng chí phân đội trưởng chỉ huy nhanh chóng dàn thành đội hình chiến đấu trên sông Gianh để đánh trả máy bay giặc Mỹ.

Bộ đội ta trên các tàu anh dũng kiên cường, bình tĩnh vừa chiến đấu đánh trả máy bay giặc Mỹ, vừa lái tàu khi tiến, khi lùi, khi sang phải, qua trái, lúc nhanh, chậm tránh bom đạn của địch từ trên không nhằm hạn chế tối đa thương vong của bộ đội, bảo vệ được hạm tàu.

Ngay lúc đó ở trên bờ, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Cảng vụ trưởng và Chính trị viên cảng Gianh, bộ đội đã nhanh chóng cơ động ra trận địa đánh trả máy bay giặc Mỹ. Các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ đợi khi máy bay địch bổ nhào xuống thấp cắt bom thì đồng loạt nổ súng bắn vào đầu máy bay của địch.

Vang mãi chiến công

Cùng trở lại thăm trận địa xưa, theo 2 cựu chiến binh Nguyễn Xuân Vầy và Trần Chí Sỹ (năm nay đã ngoài 80 tuổi, ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn): Mặc dù trận đánh buổi trưa chỉ diễn ra khoảng 25 phút nhưng máy bay của địch liên tục trút bom đạn không ngớt xuống doanh trại, cầu cảng, kho bãi, đốc tàu.

Đạn của ta ở dưới bắn lên dày đặc từ Tân Mỹ, cửa sông Gianh, sang Thanh Khê. Tiếng máy bay địch gầm rú, tiếng bom đạn nổ, mùi thuốc súng, bom đạn khét lẹt, khói lửa bốc lên cao, đen ngòm phủ kín cả bầu trời, mặt đất và dòng sông Gianh.

Trận đánh này ta đã bắn rơi 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ: một chiếc rơi ở ngoài khơi cách làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch khoảng 30km, một chiếc rơi ở phía tây huyện Bố Trạch, cách cửa sông Gianh khoảng 50km.

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 5
Tiếp nối thế hệ già và trẻ - những chiến sĩ Hải quân

Ông Nguyễn Xuân Vầy nhớ lại: “Lúc đó tôi là hạ sĩ, trước sự ác liệt của trận đánh,  tôi cùng với những đồng đội khác ở bộ phận báo vụ đã khẩn trương di chuyển máy móc thông tin liên lạc lên động cát phía Tây Bắc xóm Tân Mỹ (phường Quảng Phúc hiện nay) để làm việc, giữ vững thông tin liên lạc. Dưới làn bom đạn của địch, chúng tôi tập trung cao độ để dịch những bức điện khẩn mật bằng tín hiệu đi và đến để chỉ huy nắm được tình hình, đề ra phương án đánh địch tối ưu nhất”.

Bị đánh trả quyết liệt ở trận đầu, máy bay địch buộc phải rút về căn cứ phía biển. Không dừng lại ở đó, chiều muộn cùng ngày, địch tiếp tục sử dụng nhiều máy bay bắn phá cảng Gianh lần thứ hai.

Các tàu Hải quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy một chiếc máy bay địch. Ngay loạt đạn đầu, bộ đội ta đã bắn cháy 1 máy bay địch...

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 6
Các cựu chiến binh thăm lại trận địa xưa, nơi 60 năm trước diễn ra trận đánh ác liệt

Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và máy bay địch còn có sự góp sức của lực lượng tự vệ Xí nghiệp đánh cá Sông Gianh, Đồn Biên phòng cửa Gianh, dân quân địa phương trong chiến đấu, vận chuyển liệt sĩ, thương binh từ tàu vào bờ, tiếp tế đạn dược cho bộ đội trên tàu.

Cựu chiến binh Trần Chí Sỹ xúc động: “Chúng tôi không quên sự đùm bọc, che chở của nhân dân xóm Tân Mỹ, xóm Quán, xóm Trà trong những ngày đóng quân ở Khu tuần phòng 5 Hải quân bên cảng Gianh”.

Vang mãi bài ca chiến thắng trận đầu trên sông Gianh - ảnh 7
Đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Tân Mỹ (phường Quảng Phúc)

Bên cầu cảng sông Gianh - dấu tích còn sót lại của trận chiến, những người lính Hải quân từng tham gia trận chiến cứ ao ước được một lần gặp lại đông đủ đồng đội năm xưa để ôn lại những chiến công và tri ân những người đã hy sinh để bài ca “chiến thắng trận đầu trên sông Gianh” tiếp tục vang mãi.