Vẫn phải làm thật nghiêm

LÂM SƠN

VHO - Hôm qua người viết đi từ nhà đến cơ quan với quãng đường chừng hai mươi cây số bằng phương tiện xe ôm. Ông xe ôm trạc tuổi ngoại ngũ tuần kể đã “hành nghề” được chục năm nay, mỗi tháng cũng kiếm được dăm triệu gửi về quê, còn lại tằn tiện “cơm ngày ba bữa”, không lo sợ đói rét. Rồi bỗng dưng ông chuyển chủ đề như “phanh gấp” sang hẳn chuyện xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ông nói cứ như nhập đồng: “Nói gì thì nói, dân ta là cứ đánh thẳng vào dạ dày chú ạ, còn ngồi trông đợi vào tự nâng cao ý thức thì còn lâu lắm. Vượt đèn đỏ mất toi cả tháng lương là trật tự ngay”.

 “Không biết tình hình rồi sẽ thế nào chứ mấy ngày nay ở Hà Nội xe pháo đi lại ngon hẳn, ai nấy chấp hành nghiêm chỉnh. Cứ đèn đỏ là dừng, không có phương tiện nào đi phía trước hay lực lượng chức năng đứng gác cũng tự dừng, còn trước đó thì đèn đỏ cũng như không. Chú em thấy đấy, từ Gia Lâm sang đây, cảnh người xe dừng lại khi gặp đèn đỏ nghiêm túc chưa. Hơi bị hiếm đấy nhá. Nhưng liệu rồi có được lâu không chú em nhỉ”, ông xe ôm cứ “bắn liên thanh”, rồi bỗng dưng hạ câu hỏi chưng hửng khiến... chột dạ. Người viết bảo, “ông nói như nhà đài ấy nhỉ. Nắm bắt thông tin ở đâu mà nói như đài phát thanh thế”, ông cười giòn: “Làm nghề này mà không biết thì toi hả chú em. Một ngày chạy khỏe lắm cũng được đôi trăm, không may bị “quệt” đèn đỏ thì mốc mồm à”. Nói rồi ông thủng thẳng “chém gió” vào không trung: “Phạt nặng thế mà nhiều người vẫn thản nhiên vượt đèn đỏ. Cũng chẳng thấy lực lượng chức năng tóm lại. Như thế thì không công bằng chú nhỉ. Cứ vi phạm là phải bị xử phạt chứ. Hay là phải tăng lên chục triệu cho họ biết tay”. 

Hơn tuần qua Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ... đã đi thẳng vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành giao thông. Nhiều hình ảnh hiếm có về trật tự an toàn giao thông đã bắt đầu xuất hiện, người dân đã nâng cao ý thức hơn nhờ vào biện pháp tăng nặng xử phạt, góp phần nâng cao văn hóa giao thông.

Tuy nhiên vẫn còn đó tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn vạch, phóng nhanh vượt ẩu; xe leo lên vỉa hè. Những hình ảnh này liên tục xuất hiện cả trên camera giao thông lẫn báo chí, như một thái độ thách thức pháp luật. Như ông xe ôm ở trên hỏi, những người này có bị phạt nguội không, nếu không thì liệu có công bằng. Ai đó lại nói, phạt nặng là để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông đường bộ. Phạt nặng để cảnh tỉnh, răn đe cho nhiều người khác. Phạt nặng để văn hóa giao thông dần hình thành như thói quen hằng ngày. Chứ không thể mãi trông chờ vào lực lượng chức năng, nghĩa là lực lượng chức năng không thể cắm chốt tất tần tật tại các điểm nút giao thông để xử lý; không thể hoạt động 24/24h… 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, muốn nâng cao hơn nữa văn hóa trong giao thông; văn hóa giao thông phải ngấm vào từng người dân thì phải: Xử phạt thật nặng, thật nghiêm và liên tục cộng với thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Một vấn đề nữa là đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Làm được như vậy sẽ thúc đẩy văn hóa giao thông.