Vai trò của giới trẻ trong gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt

THÙY TRANG

VHO - Chương trình Văn hóa trà Việtvới hai nội dung Talkshow “Chế phẩm trà truyền thống và trà hiện đại” cùng Workshop “Văn hoá trà Việt trong thời 4.0”vừa diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), thu hút đông đảo sinh viên.

Vai trò của giới trẻ trong gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt - ảnh 1
Các nghệ nhân trò chuyện với sinh viên về văn hóa trà

Sự kiện do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cùng Công ty CP Phúc Long Heritage và HUTECH phối hợp tổ chức, bàn về văn hóa, xu hướng thưởng trà của người Việt nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa trà truyền thống và trà hiện đại trong cuộc sống hiện nay.

Đây là tập số hai trong chuỗi Chương trình Văn hóa trà Việt do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức, tiếp nối tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch” diễn ra tại TP.HCM cuối tháng 8.2024.

Chuỗi Chương trình Văn hóa trà Việt được tổ chức liên tục với các chủ đề đa dạng, diễn ra tại nhiều địa điểm và thu hút nhiều đối tượng tham gia khác nhau. Mục tiêu của chuỗi sự kiện là tôn vinh giá trị văn hóa trà Việt, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch thông qua ngành trà.

Vai trò của giới trẻ trong gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt - ảnh 2

Tại Talkshow “Chế phẩm trà truyền thống và trà hiện đại”, các nghệ nhân trà như: ông Nguyễn Lê Uyên Viễn - nhà nghiên cứu văn hóa trà và sưu tập trà cụ; ông Nguyễn Ngọc Tuấn - nghệ nhân trà truyền thống Việt Nam; ông Đặng Quốc Hùng - Giám đốc Marketing đại diện Công ty Phúc Long Heritage, và ông Trần Lê Thanh Thiện - giảng viên khoa Quản trị Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đưa người tham gia đi qua hành trình từ những câu chuyện lâu đời về trà Việt đến những xu hướng trà mới đang nổi lên trong xã hội hiện đại.

Theo chuyên gia, trà truyền thống và trà hiện đại là hai thế giới song hành, mỗi loại mang trong mình một giá trị riêng biệt. Trà truyền thống Việt Nam với hương vị tinh túy như trà sen, trà xanh, trà cổ thụ được chế biến tỉ mỉ, phản ánh văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Trong khi đó, trà hiện đại, với các sản phẩm như trà sữa, trà túi lọc hay trà trái cây, lại hướng đến sự tiện lợi và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của lối sống nhanh chóng và phong cách thưởng thức mới. Dù khác biệt về hình thức, cả hai đều góp phần làm phong phú thêm văn hóa trà Việt.

Trà Việt không chỉ đơn giản là một thức uống, mà là biểu tượng của nền văn hóa lâu đời, là nơi kết nối những giá trị tinh thần, phong tục, và tập quán của người dân Việt Nam.

Talkshow mang đến một cơ hội tuyệt vời để những người tham gia tìm hiểu về nguồn gốc, các loại danh trà, trà địa phương, các nét đặc trưng và sự thay đổi của trà từ xưa đến nay, đồng thời suy ngẫm về những yếu tố đã làm nên sự trường tồn của văn hóa trà Việt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt.

Talkshow cũng đặc biệt chú trọng đến vai trò của giới trẻ trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt. Các chuyên gia đều nhất trí rằng, để trà Việt mãi trường tồn, cần phải truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hiểu và yêu mến trà, từ đó biết cách thưởng thức trà một cách tinh tế và trọn vẹn.

Những buổi tọa đàm, các chương trình tìm hiểu về trà truyền thống, cũng như việc kết hợp trà với du lịch và các hoạt động văn hóa khác sẽ là những bước đi quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Trong khuôn khổ tọa đàm văn hóa trà Việt lần thứ hai, workshop “Văn hoá trà Việt trong thời 4.0” là cơ hội để những người tham gia cùng nhìn lại lịch sử phát triển của trà, đồng thời hiểu rõ hơn về sự chuyển mình của trà trong thế giới hiện đại.