Từ chuyện nợ tiền cơm
VHO - Mới đây, trước thềm sáp nhập các xã nhỏ thành những xã lớn có quy mô hơn để thực hiện chủ trương mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỗng dưng ở một xã nọ thuộc vùng Tây Nguyên, một quán cơm có đơn gửi lên cấp trên (huyện) đòi tiền cơm mà cán bộ xã ấy đang nợ. Lại xuất hiện trường hợp “nợ cơm” tương tự ở một số nơi khác trong nước. Số tiền không nhiều, có nơi dưới trăm triệu, có nơi một vài trăm triệu đồng.
Thời gian tích nợ lại khá dài, hàng năm mười năm, cộng dồn lại. Chỉ có một số ít xã trong nước xuất hiện tình trạng này. Nhưng chính món nợ ít, thời gian nợ dài, cùng tình huống nực cười của sự việc khiến ta lại không khỏi suy nghĩ mà thấm thía. Tất nhiên việc đòi nợ tiền cơm diễn ra đúng thời điểm xã cũ sắp giải thể, xã mới sẽ xác lập, chủ nợ đứng trước nguy cơ mất tiền nên phải đòi. Nếu số cán bộ nợ cơm hứa chắc sẽ trả hoặc thanh toán luôn tiền ấy, hẳn các quán cơm không phải gửi đơn lên cấp trên làm gì.
Ta có thể hình dung rằng đây là tiền cơm, không phải tiền nhậu nhẹt, nên số tiền cũng rất khiêm tốn. Theo như thông tin, trong số tiền nợ cơm ấy, có số tiền nợ chung của xã, có số tiền nợ của cá nhân cán bộ. Sự việc rồi cũng được giải quyết ổn, xã nợ xã trả, cá nhân nợ cá nhân trả. Nhưng sao số nợ nhỏ nhoi ấy lại cứ để dây dưa không chịu thanh toán, bây giờ mới “lòi” ra?
Trộm nghĩ, số tiền như trên chỉ là “chuyện nhỏ” đối với ngân sách của một xã, cũng là chuyện nhỏ đối với lương bổng của cá nhân, nhất là khi ta chia ra quãng thời gian bị nợ. Vậy sao người ta không thanh toán quách cho xong?
Ở đây xin loại trừ khả năng tham nhũng hoặc chiếm đoạt, bởi giá trị chúng không đáng kể. Nếu nó là “nợ công” (nợ chung của xã) thì hẳn là chuyện “cha chung không ai khóc”. Cũng có thể phỏng đoán rằng số cán bộ mắc nợ nghĩ rằng là “chuyện nhỏ” nên không quan tâm giải quyết, trở thành món nợ dây dưa khó đòi.
Lại nghĩ, là “chuyện nhỏ” so với khách hàng, song lại không hề nhỏ so với một tiệm cơm. Ở một xã vùng cao nguyên xa xôi, người bán cơm có lẽ cũng chỉ sống qua ngày với số khách hàng ít ỏi, cơm nước bình dân, lời lãi không bao lăm, không thể giàu có gì.
Đó là cái mà chắc số cán bộ nợ nần kia không hề nghĩ tới. Không hề nghĩ tới bởi họ không cảm thấu chỗ khó khăn của người dân, ở đây là người bán cơm. Nhưng không hiểu thấu nỗi khó của người bán cơm mà hằng ngày mình giáp mặt, nằm trong diện quản lý của mình, thì còn hiểu chuyện gì?
Ắt hẳn đó chính là thói vô cảm. Người dân có thể có người khá giả, nhưng cũng không ít người khó khăn. Có quá nhiều người khó khăn, người công chức tiếp xúc, nghe thấy đến chật tai đầy mắt, đôi khi trở thành trơ lỳ. Nhưng trơ lỳ lại rất kỵ với cán bộ công chức là người không thể bàng quan trước cuộc sống của người dân. Lại một vấn đề “tâm lý” ở đây chăng?
Đó là ta ăn rồi, ta bỗng thấy… tiếc tiền trả? Pay now (trả liền) khác với Pay later (trả sau) dù cùng một số tiền nhưng hiệu ứng tâm lý lại khác, dù hình thức trả sau khiến cho khách hàng dễ chịu hơn, nhất là khi trong túi (hay tài khoản) của ta không sẵn tiền. Nhưng tâm lý “mất mát” khiến “con nợ” trở nên dây dưa “khó đòi”, nghĩa là họ trả ơn chủ nợ bằng… sự khó khăn.
Một số doanh nghiệp đôi khi cũng mắc chứng bệnh này, khi thanh toán khoản hàng hóa mà họ đã mua trước, khiến đối tác gặp phải nhiều khó khăn. Nếu cuối cùng không trả thì người ta gọi đó là sự “chiếm dụng”. Và tất cả đều tại lòng tham.
Người ta có thể chia sẻ, cảm thông với nỗi khó khăn của người cán bộ công chức, nhưng tôi chắc rằng người ta sẽ không thông cảm với thói trơ lỳ, vô cảm. Bởi từ thói này ắt sinh ra những khuyết tật khác, như lãng phí, tham nhũng, hạnh họe người dân. Từ chuyện nhỏ như chuyện nợ cơm, hãy suy nghĩ điều lớn lao hơn, đó là về mối quan hệ ngay thẳng, nhân văn với mọi người.