Kịp thời phát hiện những bất cập trong triển khai chính quyền địa phương 2 cấp
VHO - Các đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp.
Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại công văn hỏa tốc ngày 08.07.2025 gửi các đơn vị, địa phương về kế hoạch khảo sát, nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động của chính quyên cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc đánh giá tình hình hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp còn làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin cũng như thể chế hóa các quy định pháp lý phục vụ cho hoạt động chính quyền cấp xã thông suốt, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu, các sở, ngành, Chủ tịch UBND các xã thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong quá trình khảo sát; bố trí thời gian, lộ trình hợp lý, khoa học, tiết kiệm; đảm bảo nắm bắt đầy đủ thông tin và phản ánh đúng thực trạng tại địa phương. Đồng thời, việc khảo sát không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Những nội dung yêu cầu khảo sát gồm: tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự; nắm bắt tâm tư, tình cảm và tinh thần, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đồng thời, các địa phương khảo sát việc ban hành các văn bản, quy chế vận hành hoạt động của chính quyền cấp xã, như: quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ lãnh đạo, chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy và các tổ chức; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025; quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan tham mưu, giúp việc, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc...
Đối với việc vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu nắm bắt rõ về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được đồng bộ, thống nhất trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; số lượng hồ sơ tiếp nhận tương ứng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên phần mềm.
Các nội dung khảo sát khác như: vận hành hệ thống công nghệ thông tin; trụ sở làm việc; việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại tố cáo; các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất kiến nghị… cần được phản ánh đầy đủ để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trước ngày 13.07.
Trước đó, phát biểu tại lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã tại Đồng Nai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý, Đồng Nai cần tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình vận hành, hoạt động của bộ máy mới, nhất là cấp xã để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề mới phát sinh, đảm bảo bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả. Địa phương duy trì hoạt động bộ phận thường trực để thường xuyên hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhanh nhất trong quá trình vận hành bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới; đồng thời kịp thời báo cáo Trung ương những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo xử lý.

Sau khi hợp nhất tỉnh Bình Phước (cũ) và tỉnh Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai (mới) có 95 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó 72 xã và 23 phường.
Sau hơn 10 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hoạt động của các xã, phường, sở, ngành đang dần đi vào ổn định. Người dân bày tỏ sự hài lòng khi đến làm thủ tục hành chính tại các Trung tâm phục vụ hành chính công ở các xã, phường. Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai còn tổ chức mô hình “Trung tâm hành chính công lưu động” về tận thôn, ấp, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân một cách thuận lợi, tận tình.
Theo SỸ TUYÊN (TTXVN)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc