Trồng 3.000 cây gỗ bản địa phục hồi rừng trên đảo Cù Lao Chàm
VHO - Lễ phát động trồng phục hồi rừng trên đảo Cù Lao Chàm– vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhằm góp phần phục hồi rừng tự nhiên trên đảo, hướng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
Sáng ngày 30.9, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đã tổ chức lễ phát động trồng phục hồi rừng trên đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Qua đó nhằm góp phần phục hồi rừng tự nhiên trên đảo Hòn Lao, đặc biệt là tại các khu vực rừng bị suy thoái và các taluy của công trình đường quanh đảo.
Lễ phát động nằm trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” ( dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và các bên liên quan trong công tác phục hồi rừng.
Tại lễ phát động, lãnh đạo UBND TP.Hội An, BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đại diện các đơn vị liên quan cùng người dân địa phương đã trồng khoảng 3.000 cây ngô đồng, mù u, thanh thất (bút)... trên tuyến đường từ khu vực Eo Gió đến Bãi Hương.
Các loại cây được chọn để trồng phục hồi trong dịp này là các loại cây gỗ bản địa, có tính thích ứng và chịu được các yếu tố ngoại cảnh xấu tác động.
Ngoài giá trị về mặt đa dạng sinh học còn là các loài gắn với chức năng tạo cảnh quan và gắn với văn hóa truyền thống lâu đời của người dân xứ đảo, là biểu tượng đặc trưng có giá trị truyền thông.
Lễ phát động là dịp để kêu gọi các bên liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chức năng của hệ sinh thái rừng; cân nhắc hơn trong các hoạt động có tác động đến tài nguyên rừng và cần huy động sự tham gia, có trách nhiệm trong công tác quản lý, hỗ trợ phục hồi rừng trên đảo.
Dự án BR do GEF tài trợ thông qua UNDP nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và các bên liên quan trong công tác phục hồi rừng được đồng thực hiện tại Hà Nội và 3 khu dự trữ sinh quyển thí điểm là Cù Lao Chàm- Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và Tây Nghệ An (tỉnh Nghệ An).
Trong khuôn khổ dự án, trước đó, ban triển khai dự án đã tổ chức 1 khóa tập huấn về kỹ thuật nhận biết cây rừng, quy trình thu hái, gieo ươm và chăm sóc cây bản địa tại Cù Lao Chàm cho đại diện các đơn vị liên quan, tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng.
Các học viên được học lý thuyết và thực hành thực tế tại rừng Cù Lao Chàm và tại vườn ươm cây bản địa đã được thiết lập do Dự án BR tài trợ.