Tô Lịch - dòng chảy ký ức và khát vọng hồi sinh
VHO - Khi Hà Nội đặt quyết tâm “tái sinh” sông Tô Lịch, đó không đơn thuần là một dự án môi trường, đô thị mà là một hành trình hồi sinh văn hóa, khơi dậy tình yêu với mảnh đất này và ươm mầm cho tương lai bền vững

Dòng sông nào cũng có linh hồn. Với người Hà Nội, sông Tô Lịch không chỉ là một tên gọi địa danh. Đó là ký ức văn hóa, là tiếng vọng từ quá khứ Thăng Long ngàn năm, là nhân chứng lặng lẽ của một đô thị từng nở rộ trong lòng đất kinh kỳ.
Bởi thế, khi Hà Nội đặt quyết tâm “tái sinh” sông Tô Lịch, đó không đơn thuần là một dự án môi trường, đô thị mà là một hành trình hồi sinh văn hóa, khơi dậy tình yêu với mảnh đất này và ươm mầm cho tương lai bền vững.
Sông Tô Lịch là nhánh của sông Nhĩ Hà, là dòng sông cổ của Thăng Long: “Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, Quán Giò trăng khuya”. Dòng song này đã in dấu trong các văn bản cổ và trong tâm thức bao thế hệ người Hà Nội.
Từng là tuyến giao thông thủy huyết mạch, nơi thuyền bè chở lúa, chở sách, chở tiếng rao vọng vào nếp sống thanh lịch của kinh đô, Tô Lịch gắn với ký ức thanh bình của những mái đình, bến nước, những mùa thu rơi lá, mùa sen thơm dịu dọc đôi bờ.
Nhưng rồi dòng sông ấy đã từng bị lãng quên, bị biến dạng bởi chính sự phát triển thiếu kiểm soát của đô thị hóa.

Qua hàng chục năm, hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả xuống không thương tiếc, sông Tô Lịch dần trở thành “dòng sông chết” đen xì, đặc quánh rác thải và bốc mùi hôi thối.
Người dân đi qua phải bịt mũi, trẻ con chẳng còn dám nô đùa gần bờ như những ngày xưa. Từ một con sông đẹp chảy giữa thành phố, Tô Lịch bỗng thành biểu tượng cho ô nhiễm, cho sự bất lực của đô thị trước những di sản bị thương tổn.
Thế nên, khi thành phố Hà Nội khởi động dự án cải tạo sông Tô Lịch vào đầu tháng 2 năm 2025, đó là tin vui lớn không chỉ về mặt môi trường, mà còn là hồi chuông đánh thức giá trị văn hóa đã bị vùi lấp.
Ngay sau chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về dự án này, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai nhân lực và thiết bị để nạo vét bùn thải tại thượng nguồn sông Tô Lịch, khu vực từ đường Hoàng Quốc Việt đến Bưởi (quận Cầu Giấy).
Dự án gồm ba hợp phần: Nạo vét và làm sạch lòng sông để loại bỏ bùn thải; bổ cập nước sạch từ sông Hồng nhằm tái tạo dòng chảy và xây dựng hệ thống cống gom thu gom nước thải để xử lý trước khi thải ra sông.
Tất cả đều đang được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.
Hơn 40.000 mét khối bùn thải – con số khô khan nhưng lại là minh chứng rõ rệt cho tình trạng báo động mà dòng sông phải gánh chịu.
Những chiếc máy xúc, xe bồn, công nhân ngày đêm túc trực ven bờ sông, từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Nguyễn Trãi. Họ đang cẩn trọng từng mét đất, từng khối nước. Họ không chỉ làm một công việc vệ sinh đơn thuần mà đang trả lại thanh danh cho một biểu tượng.
Sở Xây dựng phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ hoàn thành công tác nạo vét vào tháng 8.2025.
Sống ven sông đã lâu, bà Nguyễn Thị Lan ở quận Đống Đa, không giấu nổi niềm hi vọng: “Tôi đã sống ở đây hơn 30 năm. Nhìn dòng sông ngày càng ô nhiễm khiến tôi buồn lắm. Nhưng giờ thấy thành phố quyết tâm cải tạo, tôi tin sông Tô Lịch sẽ sống lại như ngày xưa.”

Sự hồi sinh của Tô Lịch, nếu được bảo vệ bền vững, sẽ mang lại không chỉ lợi ích về môi trường mà còn là giá trị cảnh quan, sinh thái và văn hóa to lớn.
Hãy thử hình dung một ngày không xa, đôi bờ sông Tô Lịch trở thành công viên ven sông xanh mát, nơi người dân tản bộ, trẻ em đạp xe, những buổi hòa nhạc ngoài trời vang lên giữa làn gió sông mát rượi.
Khi ấy, dòng sông không chỉ chảy trong lòng phố, mà còn chảy trong lòng người như một dòng chảy ký ức được làm mới cho thời đại hôm nay.
Tô Lịch còn là biểu tượng của văn hóa bản địa, dòng sông quê hương của nhiều người. Bây giờ vẫn nhiều người kể với chúng tôi thanh niên thời xưa được huy động nạo vét lòng sông, chia nhau từng ổ bánh mì, mệt nhưng vui vì được làm đẹp cho thành phố.
Bên cạnh đó, những ngôi đền cổ ven sông, những dấu vết lịch sử liên quan đến kinh thành xưa cần được phục dựng và gắn kết trở lại trong một chỉnh thể cảnh quan - văn hóa - tâm linh.
Việc cải tạo sông Tô Lịch là cơ hội vàng để Hà Nội thể hiện bản lĩnh “đô thị văn hiến”, vừa hiện đại, vừa gìn giữ được chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, hành trình hồi sinh ấy không thể thành công nếu chỉ dựa vào một dự án vài tháng. Cần có chiến lược lâu dài, với sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội.
Hệ thống thu gom nước thải phải hoạt động hiệu quả. Các khu dân cư ven sông cần được hỗ trợ để nâng cấp hệ thống vệ sinh và ý thức môi trường.
Trường học, tổ dân phố cần trở thành nơi lan tỏa tình yêu với dòng sông bằng các hoạt động cộng đồng. Và đặc biệt, cần phát huy vai trò của văn hóa như cầu nối tinh thần giữa người dân với di sản tự nhiên quanh mình.
Nếu chúng ta dạy trẻ em biết yêu dòng sông từ thơ ca, từ những câu chuyện lịch sử, từ những bức tranh và cuộc thi sáng tác về Tô Lịch, khi ấy, dòng sông sẽ không còn cô đơn. Nó sẽ là dòng chảy của tình yêu, của trách nhiệm và hi vọng.
Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Và trong dòng chảy ấy, Tô Lịch – với những thăng trầm, thương tích đang bước vào một chương mới: Chương của hồi sinh, của văn hóa, của lòng người.
Dòng sông từng một thời bị lãng quên, nay đang được cả thành phố nhìn lại với sự trân trọng. Bởi hồi sinh một dòng sông cũng chính là hồi sinh một phần linh hồn Hà Nội.