Tình người ấm áp trong “Xóm chạy thận”

NGUYỄN LINH

VHO - Không chỉ là nơi nương náu của những bệnh nhân nghèo mắc bệnh suy thận, khu nhà trọ 0 đồng - thường được gọi là “Xóm chạy thận” - nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa đã trở thành mái ấm thứ hai của những con người đang đứng giữa lằn ranh sinh tử.

 Tình người ấm áp trong “Xóm chạy thận” - ảnh 1
Các nhà hảo tâm thăm hỏi, hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân chạy thận

 Ở nơi mà sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, tình người càng thêm bền chặt, sưởi ấm những số phận éo le, khốn khó.

 Nương tựa nhau qua những ngày gian khó

Mỗi người trong xóm chạy thận đến từ một vùng quê khác nhau, nhưng tất cả đều có chung số phận nghiệt ngã khi mắc bệnh suy thận mạn. Họ quây quần trong những căn phòng trọ đơn sơ, chia sẻ từng bữa cơm, từng gói thuốc, từng lời động viên để cùng nhau chống chọi bệnh tật.

Hầu hết bệnh nhân ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe suy yếu, buộc phải thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc chạy thận định kỳ. Người mới thì gắn bó 4-5 năm, người lâu cũng đã gần 1,5 thập kỷ, cuộc sống của họ cứ thế xoay quanh những lần lọc máu đều đặn mỗi tuần, như một vòng quay không thể dừng lại.

Nhiều người không có người thân bên cạnh chăm sóc, nhưng trong xóm chạy thận, họ đã tìm thấy một gia đình đặc biệt - nơi sự yêu thương không tính bằng máu mủ mà bằng sự đồng cảm và sẻ chia.

Một chiều cuối tháng Hai, khi trời đã nhá nhem tối, tôi đến xóm chạy thận ở tổ 3, khu phố 9, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Dù vừa trải qua một ngày điều trị mệt mỏi, nhưng những thành viên của xóm vẫn ngồi trò chuyện, động viên nhau.

Trên gương mặt hốc hác, những đôi mắt trũng sâu, những cánh tay chằng chịt vết kim tiêm, dường như nỗi đau thể xác không thể che lấp sự kiên cường và khát vọng sống của họ.

Anh Nguyễn Văn Hưng (44 tuổi, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) vừa chạy thận về, khẽ kể với tôi: “Hầu hết mọi người đều bị suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để duy trì sự sống. Cứ 3 lần/tuần, 12 lần/tháng đều đặn, nếu bỏ một lần, cơ thể sẽ suy kiệt ngay lập tức. Sau mỗi lần chạy thận, chúng tôi như được hồi sinh, cảm giác tay chân linh hoạt hơn hẳn”.

Đã hơn 10 năm anh Hưng sống chung với căn bệnh quái ác. Sức khỏe ngày càng giảm sút, trên cánh tay anh hằn lên những cục u nhức buốt - dấu tích của vô số lần kim tiêm chọc vào tĩnh mạch để lọc máu. Cũng từng ấy năm, anh phải xa gia đình, thuê trọ gần bệnh viện để chạy thận.

Những ngày đầu, vì kinh tế eo hẹp, anh chỉ dám thuê những căn phòng nhỏ, chật chội, nhưng ngay cả vậy, chi phí chỗ ở và sinh hoạt vẫn là gánh nặng lớn. Cả gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nghề nông, trong khi chi phí điều trị lại không hề nhỏ.

Năm 2017, trong một lần tình cờ, anh Hưng được các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa giới thiệu đến khu nhà trọ miễn phí dành cho bệnh nhân chạy thận. giúp anh giảm bớt gánh nặng đồng thời tìm được sự sẻ chia và một gia đình thứ hai giữa những ngày tháng chống chọi bệnh tật.

“Từ khi về đây, tôi và mọi người thấy thoải mái hơn, không còn đau đầu lo nghĩ về tiền thuê trọ. Chúng tôi xem nhau như người thân, cùng nương tựa vào nhau để sống”.

 Tình người ấm áp trong “Xóm chạy thận” - ảnh 2
Các thành viên trong xóm quây quần bên nhau chuẩn bị bữa cơm chiều

Hy vọng nhỏ bé, nghị lực lớn lao

Mỗi người trong xóm chạy thận là một câu chuyện đời khác nhau, éo le và đầy bi kịch. Người lớn tuổi nhất gần 60, người trẻ nhất mới qua tuổi 15. Tất cả đều có chung một nỗi ám ảnh mang tên suy thận - căn bệnh chẳng khác nào “án tử” lơ lửng trên đầu.

Chính bởi ý thức sâu sắc về sự sống vô cùng mong manh, họ càng thêm gắn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Dù nghèo khó, nhưng trong xóm chạy thận 0 đồng, tình người chưa bao giờ vơi cạn.

Trong xóm, bà Trần Thị Liên (55 tuổi, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) là một trường hợp đặc biệt. Đã hơn 10 năm gắn bó với nơi này, bà không chỉ là người có “thâm niên” lâu nhất, mà còn như chất keo gắn kết mọi người trong xóm.

Cuộc đời bà trải qua không ít bi kịch: Chồng mất sớm, hai con gái đi lấy chồng, hoàn cảnh cũng khó khăn, nên từ năm 2015, khi phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, bà một mình khăn gói xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để điều trị.

Những ngày đầu, không người thân bên cạnh, không thu nhập, bà từng muốn buông xuôi: “Lúc này, tôi thấy cuộc đời mình tăm tối quá. Nhưng nhờ những lời động viên từ những người cùng cảnh ngộ, tôi dần vực dậy và tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”. Cũng từ đó, bà Liên trở thành điểm tựa tinh thần cho những bệnh nhân khác. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, luôn hỏi han, trò chuyện, giúp không khí xóm trọ trở nên vui vẻ, đầm ấm.

Đã từ rất lâu, những bệnh nhân trong xóm chưa một lần được về thăm quê. Không chỉ vì quãng đường xa xôi, mà lịch chạy thận ba lần mỗi tuần khiến họ gần như không thể thu xếp được thời gian.

Một số bệnh nhân may mắn có người thân bên cạnh chăm sóc, nhưng phần lớn đều một thân một mình chống chọi với bệnh tật. Người còn sức khỏe thì chăm sóc người yếu hơn, lúc đau ốm không có ai bên cạnh, họ dựa vào sự giúp đỡ của hàng xóm, láng giềng quanh khu trọ.

“Trong câu chuyện chúng tôi kể cho nhau, có những lời hỏi thăm, động viên, có sự sẻ chia gian khó hằng ngày, giống như cha mẹ lo lắng cho con cái, như anh chị em trong một nhà. Có những ngày, một thành viên trong xóm chưa kịp nhận tiền từ gia đình, mọi người lại cùng san sẻ từng củ khoai, cân gạo, hộp sữa, chiếc bánh… Đến bữa tối, cả xóm quây quần bên mâm cơm đạm bạc, vừa ăn uống vừa trò chuyện. Ở xóm trọ 0 đồng này, tình người chính là nguồn động lực lớn nhất giúp chúng tôi tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác”, bà Liên bày tỏ.

Hơn mười năm qua, xóm chạy thận 0 đồng vẫn lặng lẽ tồn tại giữa lòng thành phố, trở thành chỗ dựa cho những bệnh nhân mắc suy thận mạn giai đoạn cuối. Hiện xóm có 7 phòng trọ nhỏ, mỗi phòng chỉ khoảng 10m², là nơi sinh sống của 8 bệnh nhân nghèo đến từ các huyện xa xôi của tỉnh Thanh Hóa.

Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2021, chi phí thuê trọ của xóm đã được hỗ trợ hoàn toàn, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các bệnh nhân.

Ngoài ra, các tổ chức từ thiện, các Mạnh Thường Quân cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Những sự giúp đỡ ấy không chỉ có giá trị vật chất, mà còn là liều thuốc tinh thần quý giá, giúp xoa dịu nỗi đau và sự cô đơn của những con người kém may mắn.

Rời xóm chạy thận, tôi hiểu rằng, có lẽ những bệnh nhân trong xóm trọ nghèo không chờ đợi bất kỳ một phép màu nào xảy ra, nhưng trong hành trình gian khó ấy, tình thương yêu, sự sẻ chia từ cộng đồng, y bác sĩ và những con người cùng cảnh ngộ đã trở thành điểm tựa giúp họ có thêm niềm tin, hy vọng để bước tiếp. Ở nơi tưởng chừng chỉ có nỗi đau và bệnh tật, tình người và khát vọng sống lại sáng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc