Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
VHO - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW, hướng tới CNH-HĐH trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Chiến lược này đồng thời phù hợp với các Nghị quyết của Đại hội XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, và Kết luận số 91-KL/TW, nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục toàn diện, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt cho sự phát triển đất nước. Đầu tư vào giáo dục phải được ưu tiên trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước cần tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ xã hội để thúc đẩy giáo dục. Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục, chuyển từ việc chỉ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, đặc biệt là năng lực sáng tạo của người học.
Giáo dục phải kết hợp lý luận với thực tiễn, gia đình và xã hội, nhằm phát huy tối đa giá trị con người, tạo nền tảng cho một đất nước giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc.
Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người học suốt đời. Phát triển giáo dục đảm bảo cân đối về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề. Hội nhập quốc tế, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa giáo dục.
Mục tiêu tổng quát chiến lược là phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa truyền thống dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tiềm năng sáng tạo, tạo nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, hạnh phúc. Phát triển hệ thống giáo dục mở, công bằng, bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời. Đến 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực châu Á, và đến 2045, đạt trình độ thế giới.
Mục tiêu đến 2030, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành phổ cập cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% cho trẻ nhà trẻ và 97% cho trẻ mẫu giáo.
Phấn đấu 99,5% trẻ mầm non học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, phát triển toàn diện trẻ về thể chất, trí tuệ, cảm xúc và thẩm mỹ. 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở này đạt 35%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%, có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục phổ thông duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 75% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3.
Tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99,5%, THCS đạt 97%, tỷ lệ hoàn thành tiểu học 99,7%, THCS 99%, và THPT đạt 95%.
Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp THCS, THPT đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường THCS và 55% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục đại học, tỷ lệ sinh viên đại học đạt ít nhất 260 sinh viên/vạn dân, tỷ lệ sinh viên quốc tế đạt 1,5%. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn và có ít nhất 5 cơ sở được xếp hạng trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới.
Giáo dục thường xuyên, tỷ lệ người biết chữ đạt 99,15%, đặc biệt tại các vùng khó khăn đạt 98,85%. Mô hình thành phố học tập triển khai toàn quốc, với ít nhất 50% huyện/quận/thành phố đạt danh hiệu thành phố học tập. Phấn đấu có 10 đơn vị tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp: hoàn thiện thể chế giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, và tăng cường hội nhập quốc tế.
Bộ GD&ĐT chủ trì triển khai Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ 5 năm, hằng năm.
Bộ xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển giáo dục và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện.
Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và các cấp học khác, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam và tham chiếu với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và các khung trình độ quốc gia khác.
Chiến lược giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ, Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Ủy ban Dân tộc, cũng như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố.